Hình ảnh một người đàn ông với thân hình rắn rỏi, săn chắc, ôm lá cờ Việt Nam trên vai tiến đích là khoảnh khắc rất ấn tượng trong cuộc đua chạy bộ Angkor Empire Full Marathon tại Campuchia hồi đầu tháng 8 vừa qua. Đó chính là anh Khoa Huỳnh, dù không phải vận động viên chuyên nghiệp và rất bận rộn với công việc lãnh đạo trong một tập đoàn đa quốc gia về thực phẩm, anh vẫn chinh phục được quãng đường chạy 42km đầy tự hào. Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã có dịp trò chuyện với anh về trải nghiệm lần đầu tiên tham gia cuộc chạy Full Marathon này.
Đến với quyết định chạy bộ…
Chúc mừng anh đã trở thành người chinh phục Full Marathon thành công tốt đẹp. Ước tính tại Việt Nam hiện nay, cứ khoảng 10 triệu người, thì chỉ có 1% người hoàn thành Full Marathon…
Xin cảm ơn! Khi cán đích, tôi cảm thấy một cơn lốc cảm xúc ùa về: Vui sướng – cảm ơn – tự hào và cả cảm giác đau buốt bàn chân nữa. Nhưng đó là cái đau có giá trị. Cuối cùng là sự phấn khích khi bứt phá giới hạn mới cho bản thân.
Sự kiện Marathon của Campuchia đợt này có nhiều cảnh tượng rất đẹp. Ở hai bên đường chạy, có hàng nghìn trẻ em nhỏ xíu, đứng dài 20 chục cây số, vẫy tay liên tục cổ vũ vận động viên chúng tôi. Tôi chưa bao giờ chạy mà cười và vẫy tay nhiều đến thế. Campuchia tổ chức cuộc đua khá tốt, lựa chọn cung đường mát, thời tiết thuận lợi… Nếu nằm trong 1% số người chinh phục được Full Marathon, tôi nghĩ có lẽ do mình may mắn.
Nhưng “may mắn” là kết quả của cả một quá trình luyện tập bền bỉ và sự chuẩn bị kỹ càng rồi gặp thêm một số yếu tố khách quan khác… Vậy anh có thể chia sẻ quá trình luyện tập của mình để biến từ một người không chạy bộ thành chạy Full Marathon?
Ban đầu, tôi chỉ chơi bóng đá, không chạy bộ. Một lần, khi đá bóng và bị chấn thương nặng, tôi không chơi môn này nữa mà chuyển sang chạy bộ 1, 2km quanh khu nhà mình. Lúc đó, tôi bất ngờ vì chỉ chạy 1, 2km mà đã muốn hụt hơi, trong khi tôi vốn chơi đá bóng rất nhiều. Tôi tìm hiểu nguyên nhân trên mạng, rồi tình cờ thấy nhóm chạy bộ SRC (Sunday Running Club), RunClub… Bốn tháng đầu, tôi chỉ xem họ trên Facebook mà ngần ngại không tham gia buổi luyện tập nào.
Tháng 12 năm ngoái, nhóm SRC tổ chức giải Marathon ở Cần Giờ. Tiện cho vợ con đi nghỉ cuối tuần tại đây nên tôi cũng thử đăng ký chạy Half Marathon (21km) luôn xem sao. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ như in ngày hôm ấy. Tôi cùng vợ con ngồi trò chuyện và ăn uống với nhóm trước buổi chạy, tất cả mọi người đều nói chuyện cởi mở, đầy tinh thần thể thao. Trước kia, tôi chạy không có bài bản, khi gặp nhóm, tôi mới khám phá đến Base Run – Chạy xây dựng nền tảng, cách giữ tốc độ chạy và cách tránh chấn thương…
Càng ngày tôi càng khám phá ra những điểm hay trong Marathon. Nếu bóng đá thiên về tính cạnh tranh, phải nhanh hơn người khác mới đem lại niềm vui, thì ngược lại, người chạy Marathon cảm thấy vui khi chiến thắng chính bản thân mình. Quan sát quanh các nhóm chạy bộ sẽ nhận thấy đa số họ đã ở độ tuổi chín chắn trong suy nghĩ. Điều chủ yếu người chạy quan tâm là mục tiêu mà bản thân đề ra. Cạnh tranh cũng có mặt tốt, nhưng suy cho cùng, chơi thể thao là để vui, để khỏe, chiến thắng chính bản thân mình vẫn là tốt nhất. Vậy nên, tôi quyết định dành thời gian cho chạy bộ.
Để hoàn thành cuộc đua Full Marathon, tôi học hỏi kinh nghiệm bạn bè trong nhóm chạy, lên mạng tìm hiểu các bài viết liên quan và lập kế hoạch chạy nghiêm túc trong chín tháng. Buổi sáng tôi dậy chạy lúc 4g30. Thời gian có thể linh động, một tuần chạy từ hai hoặc ba buổi, nhưng cần đưa bản thân vào kỷ luật sao cho chạy đủ 40km trong một tuần.
Tới ngày diễn ra cuộc đua, khi chạy tới km thứ 25, chân tôi bị chuột rút liên tiếp. Suốt 17km còn lại, tôi chạy về đích cùng cơn đau này. Tuy nhiên, do đã có quá trình chuẩn bị kỹ, tôi lường trước được điều này, khi tập tôi cũng từng bị chuột rút. Tôi kiểm soát cơn đau bằng cách đổi tư thế chạy rồi vừa chạy, vừa ngắm cảnh Angkor và đùa vui với nhóm bạn chạy Việt Nam. Cuối cùng, tôi về đích đúng như mục tiêu mình đề ra, chạy Full Marathon dưới năm giờ đầy phấn khích.
Với tôi, điều thú vị khi tham gia cuộc đua Marathon không chỉở lúc cán đích, mà ta còn được tận hưởng… cả quá trình luyện tập nữa. Bởi những ngày tập chạy nắng gắt, những lúc chia sẻ bạn bè hay cảm giác hồi hộp trước lúc lên đường…, tất cả quá trình ấy đều đáng nhớ mãi.
Ba nguyên tắc quan trọng phát triển bản thân
Để chinh phục thành công Full Marathon hay bất cứ điều gì, ngoài may mắn ra, còn một yếu tố nữa là phương pháp đúng trong quá trình phấn đấu, nắm và vận dụng được những nguyên tắc, chứ không đơn thuần chỉ cần đổ mồ hôi. Vậy, anh có thể chia sẻ phương pháp của mình?
Đối với tôi, tất cả sự thành công như chạy được 42km, hoặc học hỏi những kỹ năng mới trong công việc… đều theo nguyên tắc ba vòng tròn: Comfortable zone -> Challenged zone -> Stretched zone (tạm dịch Vòng thoải mái -> Vòng thử thách -> Vòng căng thẳng).
Trong đó, Comfortable zone là nơi những thói quen ăn sâu vào chúng ta đã lâu. Challenged zone là vòng tròn nơi xảy ra thử thách để thay đổi. Stretched zone xảy ra khi thách thức trở nên quá lớn, đến nỗi người ta không chịu đựng nổi.
Tôi thường áp dụng nguyên tắc ba vòng tròn này trong việc quản lý nhân viên và vận dụng được trong cả Full Marathon nữa. Ví dụ trong công việc, thông thường đối với bất cứ công việc nào, người ta sẽ xuất phát từ vùng Comfortable zone. Việc của người lãnh đạo là đưa họ đến vùng Challenged zone, nơi cần họ phải cọ xát, vươn lên, sẽ không tránh khỏi khó khăn, nhưng khi vượt qua thử thách rồi, họ sẽ thấy rất tự hào và có động lực phấn đấu tiếp. Tuy nhiên, người lãnh đạo luôn phải cẩn thận, bởi nếu Challenged quá mức, người ta sẽ đi tới vùng Stretched zone. Khi tới vùng Stretched càng căng, họ liên tục thất bại, dễ mất động lực và nguy cơ bỏ cuộc càng lớn. Nhưng nếu cứ đểở vùng Comfortable zone thì không tạo sự phát triển cho họ được. Thông thường người ta hiểu vùng Comfortable zone là mức độ khó dễ của công việc, điều này sai. Comfortable zone phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Điều quan trọng của người lãnh đạo là cần hiểu đâu là vùng Comfortable zone của họ.
Tương tự như trong việc chinh phục Marathon, điều quan trọng mà chúng ta cần biết sức mình đang ở vòng tròn nào, từ đó lên kế hoạch luyện tập phù hợp, khoa học, kiên định từng bước, từng bước một, nâng bản thân lên vòng tròn tốt hơn. Nhìn lại, nếu ở cuộc đua Marathon Cần Giờ năm ngoái, nếu tôi đua theo thành tích và nôn nóng chạy luôn 42km (vùng Stretched zone), trong khi sức tôi lúc đó mới chỉở vùng Challenged zone (10km) thì tôi sẽ rất khó để hoàn thành Full Marathon vui vẻ như bây giờ.
Sau khi chạy xong Full Marathon, tôi đã tự tin tiến tới vùng thử thách mới, đăng ký tham gia những cuộc đua Ultra Marathon (siêu việt dã). Thực tế, càng có nhiều điều mới mà chúng ta trải nghiệm – chúng ta càng rời xa vùng an toàn của chính mình – và càng trở nên sáng tạo hơn, cả trong thể thao lẫn công việc.
Cảm ơn chia sẻ của anh.
- Hạnh Nguyên