Nga đang mở rộng hiện diện quân sự tại Bắc cực với những tính toán nhắm đến các lợi ích lâu dài, bao gồm nguồn tài nguyên khổng lồ chưa được khai thác ở đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết đến năm 2018, Nga sẽ thành lập và trang bị xong một đơn vị quân đội thường trú tại Bắc cực. Bên cạnh tu bổ lại sáu căn cứ không quân có từ thời Liên Xô, Nga còn xây thêm nhiều căn cứ quân sự mới ở đây.
Ngoài ra, các căn cứ quân sự nhỏ hơn cũng sẽ được thiết lập trên đảo Wrangle, Mũi Schmidt, bờ đông khu tự trị Chukotka thuộc vùng Viễn Đông Nga và trên quần đảo Kuril, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Moscow và Tokyo.
Tuần trước, ông Shoigu thông báo Nga đã hoàn tất 97% quá trình xây dựng căn cứ quân sự Arctic Trefoil có diện tích 14.000m² trên đảo Alexandra Land, thuộc quần đảo Franz Josef. Khi hoàn thành, căn cứ này sẽ là nơi đồn trú của khoảng 150 binh sĩ. Thực phẩm và nhiên liệu dự trữ sẽ giúp họ lưu lại đây trong 18 tháng liên tục mà không cần tiếp tế từ bên ngoài giữa thời tiết 47 độ âm.
Giới chuyên gia đánh giá, Nga đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại Bắc cực như một phần trong học thuyết hải quân mới của nước này. Theo đó, tăng cường hiện diện ở Bắc cực được coi là ưu tiên hàng đầu bởi khu vực này rất giàu khoáng sản và có tầm quan trọng chiến lược. Hiện thu nhập dầu khí và các khoáng sản khác ở Bắc cực chiếm 20% GDP của Nga.
Tháng 8-2015, Moscow nộp hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa trải rộng 1,2 triệu km² ở đây. Năm 2007, trong một động thái nhằm củng cố chủ quyền tại khu vực này, Moscow triển khai hai tàu ngầm nhỏ lặn xuống đáy biển Bắc cực để cắm quốc kỳ Nga.
Dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các khối băng ở Bắc cực đang tan chảy, làm gia tăng khả năng tiếp cận tới trữ lượng dầu khí khổng lồ cùng các nguồn khoáng sản khác ở Bắc cực cũng như mở ra một tuyến giao thương đường biển nhanh nhất từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Nga, Canada, Mỹ, Na Uy và Đan Mạch đang chạy đua giành lợi ích ở Bắc cực. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính Bắc cực nắm 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu thô chưa được khai thác của thế giới, tương đương 90 tỉ thùng dầu.
Theo chuyên gia Heather Conley, Giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bắc cực đã thể hiện rõ tầm quan trọng của nó và các nước sẽ nhận ra rằng khu vực này càng quan trọng hơn trong tương lai.
N. Nam (DNSGCT)