Thêm một dấu hiệu cho thấy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ có thể trở thành hiện thực, khi New Zealand ngày 11-5 đã trở thành nước thứ hai sau Nhật Bản chính thức thông qua hiệp định này.
Theo trang web Radio New Zealand, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay hoan nghênh quyết định trên của nội các nước này, đồng thời nhấn mạnh TPP vẫn có giá trị cả về kinh tế lẫn chiến lược.
Ông McClay cho biết New Zealand sẽ tích cực nghiên cứu các phương án thay thế cho TPP và hy vọng các đối tác khác trong TPP cũng sẽ thông qua hiệp định này trong những tháng tới.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng New Zealand Bill English thăm Nhật Bản ba ngày, từ ngày 16-5, với mục đích tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế song phương.
Ông McClay sẽ tháp tùng Thủ tướng English thăm Nhật Bản.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng English sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhật Bản là nước đầu tiên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước, vào tháng 12-2016, bất chấp Mỹ rút khỏi hiệp định này.
New Zealand và Nhật Bản là hai trong số 11 nước thành viên còn lại vẫn duy trì các cuộc đàm phán về tương lai của TPP, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào tháng 1-2017.
Một số nguồn thạo tin cho biết một số nước tham gia ký kết TPP, trong đó có Nhật Bản và New Zealand, đang thảo luận về khả năng để đưa TPP đi vào hiệu lực mà không có sự tham gia của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 5 vừa qua, các nhà thương thuyết và quan chức cao cấp của 11 quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương đã có cuộc họp tại Toronto (Canada) để thảo luận về hướng đi cho TPP-1.
Trong cuộc họp, bộ trưởng các nước nói trên đã nhất trí đưa ra quyết định tiếp tục đàm phán giữa những bên ký kết còn lại.
Khôi phục TPP không đơn giản chỉ là việc yêu cầu 11 quốc gia còn lại phê chuẩn thỏa thuận. Tất cả các hiệp định thương mại đều cần có sự công bằng về nghĩa vụ và lợi ích giữa các nước tham gia.
Mark Warner – một luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế – cho biết quyết định tái đàm phán TPP có thể cân bằng lại những thỏa thuận mang tính nhượng bộ trước đây, chẳng hạn như việc Canada phải từ bỏ ý định phát triển ngành công nghiệp sữa khi tham gia TPP. Tương tự như vậy, Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi một bản phụ lục với Mỹ về những chuẩn mực lao động cao hơn.
- Đ.N
Xem thêm:
- Thảo luận TPP không có Mỹ tại diễn đàn APEC
- Kinh tế Việt Nam: Một tương lai không TPP
- Việt Nam không dừng cải cách dù không có TPP