Gió mùa Đông Bắc đợt này dữ dằn thật đấy, gió giật cái buốt giá luồn vào tận da thịt người. Nhưng điều đó không cản được buổi hòa nhạc đường phố đã được “chương trình hóa”.
Đương nhiên, vì một chữ tín, cũng như sự trân trọng của các nghệ sĩ nhạc “nặng” hình tượng nghệ thuật với những người nghe học thức. Hòa lẫn trong số hơn ba trăm người nghe nhạc khác nhau về giới, về tuổi, về địa vị xã hội hôm ấy, có nhà toán học Ngô Bảo Châu. Ông chỉ lộ diện khi tiếng nhạc đã dứt. Ông nán lại, thủ thỉ chuyện trò thân thiết, tri ân các nghệ sĩ vừa đưa ông vào thế giới âm thanh trí tuệ, diệu kỳ. Chẳng khác nào khi ông kết thúc bài giảng, những người học răm rắp đứng lên, nghiêm trang tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn sự truyền thụ kiến thức bác học. Với ông, nghe nhạc là sự thụ hưởng trân quý, thỏa nguyện.
Ông thấy tiêng tiếc cho “chú Khoái” không được thụ hưởng buổi trình tấu nhạc không lời hiếm hoi này cùng ông, cùng nhiều người tử tế khác nữa.
Dường như người ngoài giới không mấy ai biết nhà toán học Hà Huy Khoái. Còn Ngô Bảo Châu thì nhất mực tôn kính ông, không chỉ tư duy toán học thông thái mà cả lối sống ngả về thiền. Chẳng thế ông Khoái rất thích thú cái biệt danh “Hòa thượng Thích làm toán” tự đặt cho mình hồi nào.
Ông Hà Huy Khoái thuộc thế hệ trước tài giỏi. Mới nhập môn, ông đã được sát cánh với nhà toán học đầu đàn Lê Văn Thiêm cùng một số bậc thầy giải hữu hiệu bài toán đẹp làm giao thông vận tải kháng chiến trên hệ thống sông đào từ thời nhà Lê đánh tan quân Minh. Ông dìu dắt tất cả các em, các con lãng mạn làm toán, xa lánh hẳn những bon chen, toan tính làm hư hỏng con người. Ông tự hào truyền thống gia đình từ thời cha ông là chỉ chuyên một nghề học – khai sáng.
Theo Phật pháp, mọi khổ nạn trần gian này đều từ một chữ si dốt nát, u mê mà ra. Dốt nát, u mê mới tham lam tiền bạc, danh vọng, địa vị. Vì si, nên mới sân – nóng giận, ích kỷ, đố kỵ, gian trá. Thế là sinh ra mọi khổ ải trần gian. Muốn diệt trần ai, phải triệt chữ si dốt nát, u mê, nghĩa là phải học, phải khai sáng.
Ông Hà Huy Khoái còn ngộ ra cái học là sự thụ hưởng kho tàng tri thức nhân loại. Đã được thụ hưởng thì chỉ còn đền đáp, đừng đòi hỏi gì nữa mà thành tham, sân, trở lại cái si u mê dốt nát.
Điều khác biệt giữa nhà toán học phương Tây với người làm toán nước nhà là ngoài toán ra, họ học rất nhiều thứ, nhất là nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc và toán học cùng một mẫu số là ngôn ngữ. Đã là toán học, không thể không có nghệ thuật âm nhạc. Tư duy âm nhạc bổ sung, hỗ trợ đắc lực cho tư duy toán học. Thế nên, cảm thụ âm nhạc cứ như bản năng thứ hai cần và đủ của người làm toán vậy.
Hãy nghe Steve Jobs tự sự: Đó là thời khắc vô cùng đặc biệt – tôi rất cô đơn, chỉ mỗi một mình. Mọi người biết cả đấy, những gì tôi cần và tôi có chỉ là chung trà, ánh sáng và âm nhạc cất lên. Thiếp đi với cảm giác trong ngày tôi đã làm được chuyện thần kỳ, đó mới là điều tôi quan tâm hàng đầu. Chẳng cần biết mình có phải là người giàu có nhất nằm ở nghĩa trang này hay không!
Năm 18 tuổi, Steve Jobs đã hành hương tới đất Phật Ấn Độ. Trở về với cái đầu trọc, trong bộ áo nâu và ăn chay trường, nhưng không quy y tụng kinh, gõ mõ, thỉnh chuông mà thiền. Ông tu tại gia – rất nghiêm khắc với bản thân, nhưng lại bao dung với người, và nhập thế – hành động mạnh mẽ, quả cảm đúng với lẽ trời. Cứ như ông đã thần giao cách cảm được phép thiền mà Phật hoàng Trần Nhân Tông truyền bá trong rừng trúc Yên Tử, bảy trăm năm trước.