Mạng tin SlateAfrique hôm đầu tháng 9 đã đăng bài viết về nạn buôn lậu ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Trung Quốc và Việt Nam của Giáo sư Keith Somerville thuộc Đại học Kent (Anh). Theo bài viết, mặc dù cả hai nước đều tăng cường đấu tranh chống nhập khẩu lậu ngà voi, nhưng những kẻ buôn lậu vẫn không từ bỏ ý định làm giàu từ mặt hàng quý này.
Nhu cầu ngà voi tăng vọt đã khiến từ 20.000 đến 30.000 con voi bị giết bất hợp pháp mỗi năm, trong đó bọn buôn lậu mặt hàng này sử dụng đường trung chuyển ở Việt Nam để đưa sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Một số sản phẩm ngà voi được chế tác ở Việt Nam mà ¾ là để bán cho khách hàng Trung Quốc.
Trước tình hình này, Bắc Kinh đã thực hiện những biện pháp phòng ngừa đồng thời trừng phạt cá nhân và tổ chức tham gia vào nạn buôn lậu hoặc chế tác ngà voi. Năm ngoái, Chính phủ nước này thông báo lệnh cấm nhập khẩu ngà voi và ngà voi chế tác trong vòng 12 tháng, cũng như cấm đưa vào lãnh thổ loại sản phẩm này dưới dạng chiến lợi phẩm từ săn bắn. Việt Nam cũng đã có nhiều quy định nghiêm ngặt tương tự.
Theo hai nhà nghiên cứu Lucy Vigne và Esmond Martin, cuối năm 2015 giá ngà voi tại thị trường Trung Quốc đã hạ từ 2.100 USD/kg xuống còn 1.200 USD/kg. Tuy vậy, hiện tượng này không đủ để làm chán nản những kẻ săn bắt trộm và ngà voi tiếp tục đổ dồn về từ miền Đông, Tây và miền Trung của châu Phi, bởi hoạt động bất hợp pháp này luôn mang về khoản lợi nhuận to lớn.
Không tính đến hoạt động săn bắt trái phép thì với tập tính sinh sản chậm, số lượng cá thể voi rừng phải mất gần một thế kỷ mới khôi phục bằng với mức năm 2002. Đây là kết quả được đưa ra trong nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học bang Colorado – Mỹ công bố hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Hoạt động săn bắt trái phép để lấy thịt và ngà voi đang khiến số lượng cá thể voi rừng tập trung tại các nước khu vực Trung Phi giảm ở mức báo động. Hiện nay không có dấu hiệu cho thấy hiệu quả của các chiến dịch ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi. Kể cả việc huy động quân đội tham gia cuộc chiến cũng không tạo ra sự thay đổi lớn.
Trong nhiều thập niên, ngà voi đã trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ và hoạt động buôn bán ngà voi được tiến hành dưới nhiều hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và mở ra nhiều loại hình cung cấp. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục diễn ra trong những năm tới cho dù mới đây Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đã ra một nghị quyết mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tệ nạn này.
Các chuyên gia nhấn mạnh không có phương pháp nhiệm mầu nào để ngăn chặn nạn buôn lậu và săn bắt trộm voi. Theo kết quả nghiên cứu, hoạt động săn bắn trái phép đã khiến số lượng cá thể voi rừng giảm 65% trong giai đoạn từ 2002 đến 2013. Rà soát các khu rừng nhiệt đới ở Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Gabon và Cộng hòa dân chủ Congo, người ta ghi nhận vào thời điểm cao nhất số cá thể voi rừng tập trung tại khu vực này là từ 1 đến 2 triệu con. Tuy nhiên, số lượng voi rừng ghi nhận trong 20 năm từ 1993 đến 2013 đã giảm 80%, xuống còn 80.000 con.
Nghiên cứu cũng khẳng định mặc dù voi rừng vẫn đang tiếp tục sinh sản, nhưng với tập tính chỉ năm đến sáu năm mới sinh một lần, trong khi tình trạng săn bắt không ngừng gia tăng, voi rừng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Voi rừng đóng góp vai trò lớn trong việc phát triển rừng cây, khi nhiều loại cây dựa vào chúng để phát tán hạt giống. Trong khi đó, nhiều loài cây rừng có khả năng hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Hồi tháng 7-2015, Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Đây được xem là nghị quyết mang tính lịch sử, thúc đẩy các quốc gia tăng cường nỗ lực tập thể giải quyết vấn đề tội phạm săn trộm và buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, trong đó có voi rừng châu Phi.
V.Đ (DNSGCT)