Hơn trăm năm qua là quãng thời gian dân số toàn cầu có sự biến chuyển chóng mặt. Vào đầu thế kỷ XX, bình quân mỗi người mẹ trên thế giới sinh khoảng sáu con. Đến năm 1950, con số này giảm còn năm con cho mỗi bà mẹ.
Ở phần đông những nước rộng lớn như Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico, Nigeria, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi bà mẹ sinh từ sáu con trở lên, thậm chí có 29 quốc gia như Afghanistan, Algeria, Cộng hòa Dominican, Ethiopia…, con số này là từ bảy con trở lên. Hậu quả là với sinh suất ngày càng tăng và tử suất có chiều hướng giảm, dân số của thế kỷ XX tăng rất nhanh, gần gấp bốn lần so với thế kỷ trước đó, từ 1,6 tỉ người lên 6,1 tỉ người.
May mà vào những thập niên cuối thế kỷ XX, con người kịp ngăn lại đà sinh sản, giảm số con bình quân của mỗi bà mẹ từ 6-7 con còn 2,5 con. Trong lúc vào năm 1950, ở 101 nước, chiếm 44% tổng dân số toàn cầu, bình quân mỗi bà mẹ sinh ít nhất sáu con, thì ngày nay mức sinh như thế chỉ còn ở 12 nước, chiếm 5% tổng dân số thế giới.
Các nhà nghiên cứu về dân số học định ra chỉ số sinh sản thay thế 2,1 là mức mà sinh suất và tử suất cân bằng nhau, và nhận thấy chỉ số này đang chuyển từ mức trên 2,1 xuống dưới 2,1 ở tất cả các nước châu Âu, Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ. Sự chuyển tiếp theo hướng đó cũng đang diễn ra tại nhiều nước đang phát triển, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Iran, Lebanon, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Tunisia và Việt Nam.
Tính chung, hiện nay có 75 quốc gia, chiếm gần phân nửa dân số thế giới, đang bước vào giai đoạn có tỷ lệ sinh sản nằm dưới mức thay thế 2,1. Khi xu hướng này không kiểm soát được và mức sinh sản của 126 quốc gia còn lại cũng giảm dần xuống dưới chỉ số 2,1 thì nguy cơ dân số thế giới ngày càng giảm là điều có thể thấy trước. Nhất là trong thời gian gần đây, một số nước có mức sinh sản chỉ còn 1,6 trẻ cho mỗi bà mẹ, trong đó có Canada, Đức, Hungary, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.
Hiện nay, không ít quốc gia coi việc duy trì mức sinh sản dưới 2,1 trẻ cho mỗi bà mẹ là một mối đe dọa lớn đối với đời sống kinh tế và xã hội. Họ muốn trở lại với mức 2,1 bằng những chính sách khuyến khích sinh sản như giảm thuế, trợ cấp nhi đồng, khen thưởng…
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, chính phủ những nước này khó đạt được mục tiêu đề ra, vì việc dân số giảm sút không chỉ do mức sinh sản thấp mà còn do nhiều yếu tố khác chi phối, như đời sống được nâng cao, giáo dục được mở mang, các cơ hội thăng tiến của người phụ nữ được cải thiện, nhiều kỹ thuật ngừa thai hiện đại ra đời, các thanh niên, thiếu nữ chậm lập gia đình và chậm có con…
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, đến giữa thế kỷ XXI, khoảng 139 nước, chiếm 75% tổng dân số thế giới, sẽ ở dưới mức sinh sản thay thế 2,1 trẻ cho mỗi bà mẹ, trong đó có Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau năm 2050, số nước mà mỗi bà mẹ sinh bình quân dưới hai con sẽ lên đến 184. Khi đó, dân số thế giới sẽ giảm dần, đặt ra những bài toán khó cho con cháu chúng ta và bộ mặt nền kinh tế toàn cầu cuối thế kỷ XXI hẳn sẽ đổi khác rất nhiều.