Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận ra một nơi làm việc tồi trước khi quyết định đến đó nhận việc. Bởi thế, bên cạnh việc doanh nghiệp săn nhân tài, nhân tài cũng sẽ săn những doanh nghiệp mà theo họ là “chơi được”. Qua một bài viết ngắn trên CNN, Daniel B. Kline (tác giả nhiều quyển sách thú vị về nhân sự, như Easy Answers to Every Problem – Giải pháp dễ cho mọi vấn đề, từng làm việc cho Microsoft, The Boston Globe) đã cho biết năm dấu hiệu giúp chúng ta sớm nhận ra một nơi làm việc như vậy.
Nơi đó có tỷ lệ nghỉ việc cao
Nếu một công ty mà nhân viên lũ lượt nghỉ việc một cách vội vã, thường là dấu hiệu cho thấy mọi người không thích nơi đó. Nếu trung bình nhân viên gắn bó với doanh nghiệp dưới một năm thì đó là dấu hiệu báo động. Ngoài ra, khi một doanh nghiệp có rất ít nhân viên lâu năm làm việc ở cấp độ không phải cấp cao, đó cũng là một chỉ dấu về một nơi làm việc không thú vị.
Nhân viên tỏ vẻ sợ cấp trên
Cần phân biệt rõ thái độ sợ cấp trên một cách lành mạnh do nhân viên biết được trọng trách và trách nhiệm của cấp trên phải gánh vác, do vậy là bình thường. Còn nếu nhân viên thật sự lo âu bởi bất kỳ điều nhỏ nhặt nào cũng có thể kích lên cơn giận dữ của sếp, thì đó chính hiệu là tin rất xấu. Người sắp sửa nhập cuộc cần chú ý đồng nghiệp tương lai của mình có hay tỏ ra lo lắng bị đuổi việc do những nguyên nhân hay vấp váp nhỏ nhặt không. Nếu thấy có, hãy suy nghĩ lại quyết định của mình.
Mọi người đều ra về đúng y boong khi hết giờ làm việc
Ở một công ty tốt, nhân viên không làm như vậy. Ngay cả ở những nơi có chấm công và trả lương giờ. Vì nếu nhân viên yêu công việc, họ không nhất loạt ra về kiểu đó.
Tại nơi làm việc hạnh phúc, nhân viên thường không đồng loạt rời bàn phím giữa chừng công việc của mình, dù đã hết giờ. Họ thu xếp kết thúc công việc rồi mới rời công ty.
Đồng nghiệp thiếu sự giao lưu
Người hạnh phúc thường tìm người khác để chia sẻ. Họ có thể dùng khoảng thời gian giữa buổi để gặp nhau trao đổi. Khi mọi người thu mình lại, ít giao lưu, thì đó là một dấu hiệu xấu, thể hiện họ không thấy thú vị gì trong môi trường đang làm việc.
Không phải ai cũng có nhu cầu kết bạn hoặc đàn đúm sau giờ làm, nhưng ở một nơi mà ai cũng xem người khác như những “kẻ xa lạ” thì đó là chỉ dấu về một nơi làm việc đang có vấn đề.
Nơi chỉ có nhận vào và không có cho đi gì cả
Nếu công việc luôn đòi hỏi nhân viên làm vượt quá yêu cầu nhưng sau đó không hề đếm xỉa gì đến những nỗ lực của họ thì có thể xem đó là nơi làm việc không tốt. “Biết điều” là câu chuyện của cả hai phía, nhân viên và doanh nghiệp. Nếu chỉ biết theo một chiều lấy đi mà không có chiều ngược lại, nhân viên sẽ sớm cảm thấy “oải” khi làm việc ở đó.
Ví dụ khi sếp biết đòi hỏi nhân viên nán lại làm cho xong việc nhưng lại nhíu mày khi nhân viên vì một lý do gì đó phải ra về sớm, thì đó là một dấu hiệu bất an. Nó lây lan nhanh và mọi nhân viên khác sẽ sớm thấy mình đang ở một môi trường tệ hại.
Năm dấu hiệu này có vẻ như là những chia sẻ với những người đang tìm việc, nhưng bề sâu câu chuyện lại có vẻ dành cho đối tượng doanh nghiệp. Nếu thấy những dấu hiệu này vô tình xuất hiện trong đơn vị mình, doanh nghiệp có thể thay đổi để cải thiện hình ảnh của mình khi còn kịp…