Vào hạ tuần tháng 10 vừa qua, nhiều chuyên gia về lão hóa đã tề tựu ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Chuyên đề Toàn cầu 2017 về lão hóa diễn ra trong hai ngày 23 và 24-10-2017.
Tại hội nghị, tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), đã nhận định rằng sự lão hóa không còn là hiện tượng riêng rẽ của thế giới phát triển nữa, mà đã thâm nhập vào thế giới đang phát triển. Vào năm 2050, trong số những người từ 60 tuổi trở lên, sẽ có 80% sống ở những nước có thu nhập trung bình và thấp.
Điều này phản ánh những thành tựu to lớn của loài người về sức khỏe và dinh dưỡng, về những phát triển kinh tế và xã hội, giúp chất lượng sống của con người được nâng cao. Đại biểu các nước Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Nepal, Philippines, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam đã tham gia hội nghị và chia sẻ những kinh nghiệm của mình.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã xem xét những tiến bộ của Chương trình Hành động Quốc tế Madrid về sự Lão hóa (MIPAA) được thông qua vào năm 2002, xác định lão hóa đang là một xu thế toàn cầu, có liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế – xã hội và quyền con người. Hội nghị cũng thảo luận về tác động của sự lão hóa lên các nền kinh tế, xác định xem chính sách của các chính phủ liên quan đến giáo dục, sức khỏe, nữ quyền có thật sự hỗ trợ người già không.
Theo một báo cáo do Hiệp hội Dân số và Phát triển châu Á (APDA) công bố mới đây, từ năm 2020 đến năm 2050, tỷ lệ người già trong dân số toàn cầu sẽ tăng từ 9,3% lên 16%, riêng ở châu Á sẽ từ 8,8% lên 18,2%. Dự báo vào năm 2020, trong số 51 nước và khu vực tại châu Á, số người già từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 15% hay hơn nữa ở năm nước và khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore; chiếm 10% đến 15% ở tám nước và khu vực, bao gồm Thái Lan, Trung Quốc và Sri Lanka; chiếm từ 7% đến 10% ở bảy nước và khu vực, bao gồm Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Malaysia; chiếm từ 5% đến 7% ở 11 nước và khu vực, bao gồm Ấn Độ, Iran và Indonesia; và dưới 5% ở 20 nước và khu vực, bao gồm Campuchia, Mông Cổ, Pakistan và Iraq. Dự kiến vào năm 2050, tại châu Á sẽ có sáu nước và khu vực, tỷ lệ người già từ 60 tuổi trở lên ở mức 30% hay hơn nữa; 11 nước và khu vực, tỷ lệ này là 20% đến 30%; 25 nước và khu vực từ 10% đến 20%, chỉ có chín nước và khu vực dưới 10%.
Để có thể giải quyết những vấn đề do sự lão hóa dân số thế giới gây nên trong tương lai, ông Yasuo Fukuda, cựu Thủ tướng Nhật Bản, đương kim Chủ tịch của APDA, cho rằng cần tăng cường hoạt động thống kê, đặc biệt trong hệ thống điều tra dân số để xác định chính xác những người được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.
Mặt khác, trên tầm mức toàn cầu, cần có sự phối hợp giữa những nước có dân số già và những nước dân số còn trẻ, phối hợp và điều tiết một chính sách nhân dụng chung, vừa giải quyết nạn thất nghiệp ở nước có dân số trẻ, đồng thời bổ sung nhân lực cho nước có dân số già. Về phần mình, tiến sĩ Kanem cho rằng các nước cần chuyển chính sách từ mục tiêu giúp người dân sống lâu sang mục tiêu giúp những người già có một đời sống hạnh phúc. Điều đó cũng sẽ góp phần quan trọng vào kế hoạch an sinh xã hội bền vững trong tương lai.