Đầu tuần qua, Mỹ và Qatar đã đạt được thỏa thuận chính thức về việc ngăn chặn hoạt động tài trợ khủng bố khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson viếng thăm Doha trong nỗ lực chấm dứt tình hình “nội bộ bất hòa” kéo dài hơn một tháng qua tại các nước Ả Rập vốn được xem là đồng minh thận cận của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Kể từ tháng 6-2017, Ả Rập Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Qatar sau khi cáo buộc nước này viện trợ tài chính cho các nhóm khủng bố cực đoan cũng như hợp tác với Iran vốn được xem là “kẻ thù” của Vùng Vịnh; cả hai cáo buộc này đều bị Qatar phủ nhận và cho rằng việc cấm vận là nhắm đến nền dân chủ của quốc gia độc lập này.
Theo ông Tillerson, thỏa thuận đạt được với đối tác Qatar đã được thảo luận trong nhiều tuần và đóng vai trò củng cố tinh thần đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh Riyadh diễn ra trước đó (tháng 5-2017) tại Ả Rập Saudi với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump và hơn 50 quốc gia Hồi giáo và Trung Đông. Bản cam kết này, theo đó, bao gồm các bước đi mỗi nước sẽ thực hiện trong các tháng tiếp theo nhằm gián đoạn và chấm dứt hoàn toàn dòng tiền tài trợ cho khủng bố tại khu vực và trên toàn cầu. Cả hai quốc gia cũng cam kết sẽ nỗ lực hợp tác nhiều hơn và chia sẻ thông tin nhằm giúp Trung Đông trở nên an toàn hơn. Dù ca ngợi nỗ lực từ phía Mỹ, tuy nhiên, cả bốn nước Ả Rập tẩy chay Qatar khẳng định việc cấm vận vẫn còn hiệu lực đến khi nào yêu cầu của họ đối với vương quốc này được thi hành và họ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ động thái của Qatar.
Sau khi có buổi làm việc cùng đối tác Qatar với sự hỗ trợ của phía trung gian Kuwait, ông Tillerson đã bay sang Ả Rập Saudi để làm việc với lãnh đạo nhóm nước Ả Rập ủng hộ việc tẩy chay Qatar. Không chỉ Mỹ, cả Anh cũng tham gia vào việc hối thúc các bên trở lại bàn đàm phán vì đến nay Qatar vẫn từ chối danh sách các yêu cầu từ nhóm nước Ả Rập bao gồm kết thúc hoạt động của đài truyền hình Al Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và hạn chế quan hệ với Iran. Trong khi đó, giới quan sát quốc tế tin rằng việc Washington mau chóng muốn đạt được thỏa thuận với Doha là nhằm phục vụ cho chính sách của riêng mình hơn là cho khu vực, bao gồm củng cố hoạt động quân sự của Mỹ tại Qatar và giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Hiện tại, Qatar là nơi có căn cứ không quân Udeid, vốn là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông, từ đây máy bay chiến đấu của Mỹ có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại phiến quân hồi giáo IS tại Syria và Iraq.
- Lâm Kiên theo Reuters
Xem thêm:
- Ả Rập Saudi và Qatar tiếp tục đối đầu
- Bốn nước Ả Rập đề ra điều kiện để hòa giải với Qatar
- Bị cô lập, Qatar tìm cách vượt khó