Lần đầu tiên Hội đồng Bắc cực không đưa ra được tuyên bố chung kể từ khi được thành lập năm 1996 do Mỹ từ chối ký thỏa thuận về các thách thức đối với Bắc cực.
Mỹ từ chối ký thỏa thuận về các thách thức đối với Bắc cực do một số khác biệt về ngôn từ diễn đạt liên quan đến biến đổi khí hậu.
Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bắc cực không đưa ra được tuyên bố chung kể từ khi hội đồng này được thành lập vào năm 1996.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao ngày 7-5 đưa tin Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo đã rời cuộc họp mà không ký thỏa thuận do không nhất trí về việc mô tả biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực này.
Thay vào đó, trong một tuyên bố ngắn đưa ra sau cuộc họp, các ngoại trưởng đến từ Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Iceland đã nhắc lại cam kết đối với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường Bắc cực.
Theo các nhà ngoại giao, động thái trên của Washington sẽ gây khó khăn cho việc hợp tác tại khu vực này trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng. Ngoại trừ Mỹ, các nước tham dự đều muốn cuộc họp này đi xa hơn.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini, chủ trì cuộc họp cho rằng đa phần các nước đều coi biến đổi khí hậu là một thách thức cơ bản mà Bắc cực đang phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thực thi các biện pháp làm giảm tác động của biến đổi khí hậu cũng như tăng cường khả năng thích ứng.
Tuy nhiên, ông không muốn nêu tên hoặc đổ lỗi cho nước nào khiến cuộc họp không ra được tuyên bố chung.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ động thái trên của Washington một lần nữa kéo lùi hành động bảo vệ môi trường toàn cầu.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump chia sẻ cam kết của các nước đối với việc bảo vệ môi trường ở Bắc cực.
Tuy nhiên, ông cáo buộc Nga và Trung Quốc không tuân thủ các quy định khi muốn xác nhận các quyền về tài nguyên và tuyến đường thương mại tại đây.
Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ các mục tiêu chung là “vô nghĩa” thậm chí là “phản tác dụng” khi một nước không tuân thủ quy định.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thường tỏ ý nghi ngờ về việc liệu hoạt động của con người có phải là nguyên nhân khiến trái đất ấm lên hay không. Do đó, năm 2017, ông đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vốn được gần 200 nước ký kết vào năm 2015.
Hội đồng Bắc cực là một tổ chức tập hợp tám quốc gia, được thành lập năm 1996, nhằm giải quyết các vấn đề mà Bắc cực đang phải đối mặt.
Băng tan chảy, do nhiệt độ tại Bắc cực đang tăng gấp 2 lần so với nhiệt độ tại các nơi khác trên thế giới, đang làm lộ ra các tuyến đường biển tiềm năng mới cũng như những khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt có thể khai thác thương mại.
Cuộc họp cấp ngoại trưởng lần này tại Phần Lan nhằm đưa ra khung chương trình nghị sự trong hai năm tới để cân bằng giữa thách thức của biến đổi khí hậu với phát triển bền vững nguồn khoáng sản.
Các nhà khoa học ước tính Bắc cực chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu chưa khai thác của thế giới và 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và một lượng lớn khoáng sản trong đó có kẽm, sắt và kim loại đất hiếm.