Theo một quy định mới do Chính phủ Mỹ đưa ra hôm cuối tuần trước, nếu được Tổng thống Obama ban hành vào đầu năm tới thì doanh nhân nước ngoài lập công ty khởi nghiệp ở Mỹ có thể được “định cư tạm thời” tại đất nước này. Quy định này không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ vì được cho rằng dựa trên Luật Di trú và Quốc tịch (INA) hiện hành.
Bản đề xuất dài 155 trang, có tên International Entrepreneur Rule (Quy định Doanh nhân Quốc tế) do Bộ An ninh Nội địa Mỹ soạn thảo, Nhà Trắng công bố ngày 26-8 để lấy ý kiến đóng góp của cử tri trong vòng 45 ngày, trước khi văn bản cuối cùng được Tổng thống Barack Obama ký ban hành và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017.
Theo đề xuất nói trên, cơ quan nhập cư Mỹ được xem xét từng trường hợp một và cho định cư tạm thời, từ hai đến năm năm, những người nhập cư “tạo ra lợi ích công cộng đáng kể”. Nhà Trắng cho rằng, những doanh nhân nước ngoài mở công ty khởi nghiệp, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp vào tổng sản lượng kinh tế của Mỹ phải được coi là người cung cấp “lợi ích công cộng đáng kể” như quy định của INA. Số lượng người nhập cư được xem xét không hạn chế và Bộ An ninh Nội địa Mỹ dự tính mỗi năm khoảng 3.000 doanh nhân nước ngoài sẽ được định cư theo quy định mới.
Điều kiện để hưởng quy chế định cư tạm thời là doanh nhân nước ngoài phải “có vai trò trung tâm” trong một công ty Mỹ mới thành lập trong vòng ba năm qua. Doanh nhân chọn một trong hai bước.
Bước 1 là định cư tạm thời hai năm cho những doanh nhân nắm giữ ít nhất 50% cổ phần của một công ty khởi nghiệp đã huy động được ít nhất 345.000 USD từ các quỹ đầu tư Mỹ hoặc được tài trợ ít nhất 100.000 USD từ chính quyền bang, liên bang hoặc địa phương.
Bước 2, nhà đầu tư sẽ được định cư thêm ba năm nữa, nếu vẫn tiếp tục điều hành công ty ở Mỹ, nắm giữ ít nhất 10% cổ phần, công ty huy động được ít nhất 500.000 USD từ các quỹ đầu tư, tạo ra doanh số hằng năm ít nhất 500.000 USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm; hoặc chứng minh được rằng công ty tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian trong năm năm đó.
Sau thời gian này, doanh nhân vẫn có thể tiếp tục định cưở Mỹ bằng cách đăng ký các loại thị thực (visa) hiện hành, ví dụ visa E-B2 cho người có chuyên môn nghiệp vụ đặc thù, E-B5 cho nhà đầu tư nước ngoài, visa H-1B cho người lao động có bằng cấp cao…
Doanh nhân ngành nào cũng có thể nộp hồ sơ nhập cư theo diện này, song luật mới đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều năm qua, các công ty công nghệở thung lũng Silicon đã ra sức vận động cải cách toàn diện chính sách nhập cư Mỹ, đề xuất tạo ra một lộ trình nhập cư Mỹ cho những người sáng lập các công ty khởi nghiệp ở đây thông qua cái gọi là visa khởi nghiệp (startup visa).
Về phía chính phủ Mỹ, cải cách chính sách nhập cư đang có nhiều khuyết điểm là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama và ông đã nhiều lần nói tới nhu cầu phải tạo ra một lộ trình, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nhân nước ngoài thành lập công ty, tạo công ăn việc làm trên đất Mỹ. Tuy nhiên, suốt tám năm qua, những nỗ lực cải cách chính sách nhập cư của ông Obama đều bị dập tắt ở Quốc hội Mỹ.
Hiện thời, doanh nhân nước ngoài chỉ có thể nhập cư Mỹ nếu tham gia chương trình “định cư diện đầu tư E-B5” (đầu tư vào Mỹ ít nhất 500.000 USD và tạo việc làm cho ít nhất 10 người bản xứ). Sinh viên tốt nghiệp chỉ có con đường làm thuê theo diện “lao động có kỹ năng nghề nghiệp” (visa H-1B có thời hạn và gắn với công ty tuyển dụng). Cả hai chương trình này đều gây nhiều tranh cãi và bị cáo buộc lạm dụng, bị các tổ chức nghiệp đoàn phản đối mạnh.
Quy định mới sẽ có hiệu lực ngay trước khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017. Vị tổng thống kế nhiệm ông – bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump – sẽ thực thi như thế nào thì còn phải chờ xem. Nếu bà Clinton thắng thế thì quy định này có thể được tích hợp vào chính sách nhập cư chung của bà, song ngược lại nếu ông Trump thành tổng thống thì có nguy cơ cánh cửa nhập cư sẽ đóng chặt hơn nữa.
T.K (DNSGCT)