Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Mỹ Linh vào những ngày giữa tháng 12, khi chị đang dồn sức cho các show diễn kín mít, đặc biệt là tập luyện những ca khúc Trịnh Công Sơn để chuẩn bị cho chương trình In The Spotlight số 5 với chủ đề Gọi tên bốn mùa sẽ diễn ra tối 22-12-2012 tại Nhà hát Hòa Bình – TP. Hồ Chí Minh.
Đã có một năm hoạt động khá tưng bừng, sắp khép lại 2012, chị có cảm giác như thế nào?
Quả thật đây là một năm rất ý nghĩa đối với Mỹ Linh. Đầu năm là giải thưởng âm nhạc Cống hiến, sang mùa hè là live show xuyên Việt Và em sẽ hát nằm trong chuỗi chương trình In The Spotlight, rồi được mời làm show bên Mỹ với Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần, Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, tham gia chương trình Điều còn mãi, live show của nhạc sĩ Dương Thụ… và rất nhiều show diễn lớn nhỏ trong và ngoài nước. Tôi thấy đây là một năm rất thành công trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
- Mỹ Linh: “Nhạc Trịnh dung dị, triết lý sâu sắc và rất… hiền…”
Live show Và em sẽ hát của Mỹ Linh – Không chiêu trò, chỉ có âm nhạc!
Chị đang kín lịch chạy sô, trong đó có tham gia chương trình In The Spotlight số 5 chủ đề nhạc Trịnh – Gọi tên bốn mùa tới đây, có điều gì đặc biệt thu hút chị gắn bó với chương trình này?
In The Spotlight là số thứ năm thì tôi tham gia tới bốn lần, kể cũng là cái “duyên”. Chương trình lần này là âm nhạc của Trịnh Công Sơn, được đầu tư và dàn dựng rất quy mô, hoành tráng. Chất lượng của In The Spotlight đã được khẳng định đối với công chúng và báo giới, vì thế tôi rất vui và tin tưởng tuyệt đối khi tham gia chương trình này.
Chị từng thổ lộ, nhạc Trịnh không phải sở trường của mình, nhưng cách đây 20 năm chị đã làm một album nhạc Trịnh, và thỉnh thoảng chị cũng vẫn biểu diễn nhạc Trịnh, chị có thấy mình hợp với nhạc Trịnh Công Sơn không?
Tôi chưa dám nói là có hợp với nhạc Trịnh hay không, vì muốn biết điều đó thì mình phải đi sâu khai thác nhạc của ông nhiều hơn. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi thì nhạc Trịnh dung dị, triết lý sâu sắc và rất… hiền, vì thế tôi cũng luôn có được cảm xúc khi hát nhạc Trịnh một cách nồng nàn.
Trong Gọi tên bốn mùa tới đây, chị sẽ hát nhạc Trịnh theo cách nào, truyền thống hay cách tân?
Tôi nghĩ là cả hai cách nhưng sẽ được trộn vào nhau một cách hòa quyện. Nhạc Trịnh cần được vang lên dung dị theo đúng bản chất, nhưng cũng phải cần sự tươi mới để phù hợp với đối tượng khán giả trẻ ngày nay. Tôi nghĩ không chỉ riêng nhạc Trịnh mà với bất kỳ ca khúc của một nhạc sĩ nào thì khi hát, người ca sĩ luôn là người làm cho bài hát sống lại theo một cách khác. Tôi thấy mọi sự tươi mới đều rất có giá trị, điều này không có ngoại lệ, kể cả những thể loại âm nhạc mang tính “bảo thủ” như nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh…
Có người đã nói rằng, nhạc Trịnh rất mộc mạc nên đôi khi chỉ cần ôm cây đàn ghita hát ngoài quán café cũng đã rất hay rồi. Trong Gọi tên bốn mùa tới đây, ban tổ chức đầu tư rất lớn cho dàn nhạc, gồm cả nhạc nhẹ, dàn dây, dàn hợp xướng, dàn bè… đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; những điều này liệu có làm mất đi sự dung dị, mộc mạc của nhạc Trịnh?
Tôi nghĩ rằng đây là ý kiến thiểu số thôi, và tôi tin nhiều người sẽ có quan điểm khác. Nghệ thuật luôn phải được sáng tạo và không ai muốn hạn chế, bó buộc mình trong một cái khuôn mẫu sẵn có, nếu vậy, âm nhạc cũng chỉ như một món hàng hóa đại trà giống nhau. Một lần nữa tôi tin là mọi sự tươi mới đều có giá trị. Tôi càng tin hơn khi nhạc sĩ Hồng Kiên tiếp tục là giám đốc nghệ thuật của In The Spotlight số 5.
Chị đã từng ngồi nghiền ngẫm nhạc Trịnh chưa, và có khi nào nhận thấy mình trong đó không ạ?
Ngồi nghiền ngẫm về nhạc Trịnh thì chưa, nhưng mỗi khi hát bài nào của ông tôi cũng đều tìm hiểu về nội dung và thông điệp của bài hát. Tôi tin rằng lúc sinh thời, Trịnh Công Sơn là một người rất hay, chỉ tiếc là khi ông còn sống, tôi rất ít có điều kiện chuyện trò để hiểu thêm về ông.
Cảm ơn chị!