Vừa qua, Tổng thống Obama cam kết sẽ hoàn tất việc can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan vào khoảng cuối năm 2014, nhưng phía Washington vẫn đang thảo luận với giới chức Kabul về việc giữ lại một lực lượng nhỏ, khoảng 8.000 lính Mỹ. Tuy nhiên, phía Nhà Trắng không hề lên tiếng bác bỏ một báo cáo mới đây cho biết rằng ông Obama đang ngày một tỏ ra bất đồng với cách ứng phó của ông Karzai.
Lính Mỹ tại Afghanistan
Mối quan hệ của Tổng thống Obama với ông Karzai đã và đang xấu đi và rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi Mỹ cố gắng bắt đầu mở lại các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở Doha của Qata cuối tháng 6. Ngay lập tức Tổng thống Karzai lên tiếng kiên quyết bác bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ về thỏa thuận an ninh lâu dài nhằm cho phép lực lượng Mỹ tiếp tục hiện diện ởAfghanistansau năm 2014. Theo nhiều quan chức Mỹ và Afghanistan, các cuộc hội đàm qua cầu truyền hình mới đây giữa Tổng thống Obama và ông Karzai nhằm tháo gỡ các căng thẳng giữa hai bên đã không đạt kết quả. Ông Karzai tiếp tục chỉ trích chính phủ Mỹ tìm cách đàm phán một thỏa thuận hòa bình riêng với Taliban và những kẻủng hộ Taliban ở Pakistan, từ đó làm cho Chính phủ Afghanistan trở nên mất uy tín trước phe đối nghịch. Trước kia, Tổng thống Karzai từng đưa ra lời cáo buộc tương tự, nhưng những lời cáo buộc đó chỉ được đưa ra với dân chúng Afghanistan chứ không trực tiếp với Tổng thống Obama – người phản ứng bằng cách khẳng định rằng nhiều người Mỹ đã bỏ mạng để giúp đỡ chính phủ của ông Karzai tồn tại. Các quan chức Mỹ cho biết phương án không để lại binh sĩ Mỹ nào ở Afghanistan sau năm 2014 giành được sựủng hộ rất lớn của các giới trước khi diễn ra cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo qua cầu truyền hình ngày 27-6. Nhưng sau đó, phương án rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan như quân đội Mỹ thực hiện trước đây tại Iraq được hai bên coi là tình huống xấu nhất, vì vậy Washington và Kabul đang tiếp tục xem xét các phương án thích hợp khác cho cả tình hình trước mắt và lâu dài. Các quan chức còn khẳng định hai bên chưa quyết định tốc độ rút quân và con số binh sĩ Mỹở lại Afghanistan chính xác là bao nhiêu.
Mục tiêu của Mỹ vẫn là đàm phán một thỏa thuận an ninh lâu dài tại Afghanistan, nhưng lập trường cứng rắn trong đàm phán của hai bên có thể dẫn đến việc lặp lại những gì như đã xảy ra tại Iraq – nơi Mỹ và chính quyền Baghdad cũng không đi đến một thỏa thuận.
Một quan chức của văn phòng Tổng thống Karzai chia sẻ với phóng viên Reuters hôm 9-7 rằng cả Mỹ và Afghanistan đều biết cách tạo áp lực cho đối phương và cả hai bên đều hiểu rõ tầm quan trọng của lực lượng binh lính nước ngoài, đặc biệt là quân đội Mỹ, tại Afghanistan sau năm 2014.
Kabul cảnh báo rằng phía Mỹ không nhất thiết phải đi theo cách thỏa hiệp vì lịch sử cho thấy một Afghanistan bị bỏ rơi sớm hoặc muộn cũng sẽ bị phá hủy trong đống hỗn độn. Còn theo nguồn tin từ Nhà Trắng, mọi sự lựa chọn vẫn còn đang được bàn tính và chưa đi đến một quyết định sau cùng nào. Ông Nasrullah Stanikzai – cựu cố vấn an ninh cấp cao của ông Karzai cho rằng chính quyền Afghanistan nên theo đuổi các chiến lược của riêng mình trong khi thảo luận với phía Mỹ. Hiện tại, có khoảng hơn 63 ngàn lính Mỹ đang đóng tại Afghanistan và phía Mỹ đã lên kế hoạch giảm xuống 34 ngàn lính vào tháng 2-2014 rồi phần lớn quân đội Mỹ sẽ rút về nước vào cuối năm ấy.
Lâm Kiên – L.Q theo Reuters, New York Times