Thị trường chứng khoán trong tuần đầu tháng 11 đã… khó lường đúng như dự báo. VN-Index tăng lên rồi lại giảm xuống quanh mốc 840 điểm, với biên độ khá lớn, có khi lên đến 9-10 điểm mà không hề có chỉ dấu nào trước đó. Dù thanh khoản có dấu hiệu cải thiện so với những ngày cuối tháng 10, tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn là xu hướng chủ đạo, khiến nhà đầu tư chưa thể yên tâm. Sự biến động của VN-Index những ngày qua nhìn chung là do việc lên xuống của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ROS và VNM (hai cổ phiếu này đều đang trong vùng đỉnh cao nhất của mình), còn đa số cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhỏ và rất nhỏ đang trong thời kỳ u ám. Hầu hết đều đã tạo đỉnh ở nửa cuối tháng 9 và từ đó đến nay là hành trình đi xuống. Điều này khiến cho nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu này bắt đầu tỏ ra chán nản, đã có những phiên “xả hàng” đồng loạt khiến cho dòng tiền bắt đáy không thể hấp thụ hết nguồn cung cổ phiếu giá rẻ. Và hệ quả là dù VN-Index đang trong vùng điểm cao ngất, rất nhiều tài khoản của nhà đầu tư vẫn lỗ nặng, do cổ phiếu trong danh mục của họ ngày một mất giá.
Thực ra, trong giai đoạn bật tăng mạnh mẽ của VN-Index (từ mốc 761,26 điểm vào ngày 22-8), tăng 80 điểm chỉ sau hơn hai tháng, có sự đóng góp chủ đạo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, như SAB, BHN, VIC, ROS, MSN, MWG… Hầu hết cổ phiếu vừa và nhỏ không hề tăng giá, thậm chí còn giảm. Nhiều cổ phiếu có chỉ số tài chính cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý III vừa qua tăng trưởng khá, đang giao dịch ở vùng giá không hề cao, được khối ngoại mua vào… vẫn trong xu hướng giảm giá. Nói cách khác, đại đa số cổ phiếu đang giao dịch trên HSX khi VN-Index 840 điểm có mức giá thấp hơn so với khi VN-Index 760 điểm. Nhiều cổ phiếu tốt đang có mức giá rẻ tương đối và với nhà đầu tư đang dồi dào tiền trong tài khoản, đây là cơ hội tốt để mua gom cổ phiếu. Xu hướng tăng trung hạn vẫn duy trì và các cổ phiếu cơ bản khi bị giảm về một vùng giá nhất định thường sẽ cân bằng rồi bật lên. Tất nhiên, cơ hội chỉ đến với các cổ phiếu của các doanh nghiệp có triển vọng. Đó có thể là triển vọng về hoạt động kinh doanh, hoặc có tiềm năng tăng giá do thị trường chưa quan tâm hoặc vì lý do nào đó mà giá trị bị giảm nhiều hơn so với giá trị nội tại. Với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng, họ cũng có thể tận dụng cơ hội này bởi không ít cổ phiếu tốt đang bị định giá thấp và hoàn toàn có thể bật tăng trong ngắn hạn khi được dòng tiền “để ý”. Còn nếu muốn “đánh nhanh thắng nhanh”, nhà đầu tư có thể đổ tiền vào các cổ phiếu lớn, có tác động mạnh đến VN-Index và VN30-Index, cũng như các hợp đồng tương lai kỳ hạn ngắn để kiếm tìm lợi nhuận.
Báo cáo tài chính quý III vừa công bố cho thấy hoạt động chung của các doanh nghiệp vẫn khả quan và nếu so với cùng kỳ năm trước thì có thể nói đây là năm thành công của phần lớn doanh nghiệp niêm yết. Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra chính là thông tin hỗ trợ quan trọng cho thị trường chứng khoán, vì kinh tế nước ta được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự kiện này. Ngoài ra, theo xu hướng nhiều năm gần đây, sóng tăng giá thường sẽ hình thành vào cuối năm, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 12. Với những gì đang diễn ra trên sàn giao dịch và với tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới thuận lợi như hiện nay, sóng tăng ấy nếu có đến sớm hơn mọi năm cũng không phải là điều quá bất ngờ. Việc khối ngoại đã mua ròng trở lại là một cú hích tâm lý lớn và có thể giúp chỉ số trụ vững trong những ngày tới.
- Ngọc Khang