Tàu Thanh niên Đông Nam Á (The Ship for South East Asian Youth Program – SSEAYP) là chương trình thường niên được Chính phủ Nhật Bản tổ chức dành cho đối tượng là đại biểu thanh niên của Nhật Bản và mười nước ASEAN. Năm 2013 rất đặc biệt đối với SSEAYP vì đánh dấu lần thứ 40 tổ chức chương trình này. Sau bốn năm nằm ụ để sửa chữa và tân trang, con tàu Nippon Maru đã sẵn sàng trở lại với hành trình SSEAYP 2013. Trong suốt 51 ngày của cuộc hành trình, Nippon Maru đã đưa những người bạn mới đến từ 121 quốc gia an toàn vượt qua biển cả để cập nhiều bến cảng của năm nước.
Nippon Maru
Chúng tôi đã đi hết một vòng Biển Đông bằng con tàu Nippon Maru. Khởi hành từ Tokyo, vượt qua eo biển Đài Loan, tàu chạy dọc theo bờ biển Việt Nam rồi đến điểm dừng đầu tiên là TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, tàu hướng tới Bangkok, kế đó là Singapore và vượt qua một vùng biển nhiều sóng để đến thủ đô Manila của Philippines. Điểm dừng cuối cùng của Nippon Maru là đảo Okinawa. Cứ mỗi một buổi sáng khi thức dậy, các thành viên trên tàu lại thấy mình ở một vùng đất hay vùng biển khác, lại được nhìn thấy những điều kỳ thú mới.
Hoàng hôn trên Nippon
Nhật Bản – cuộc sống muôn màu
Những người phụ nữ ở Watari Town – Miyagi chuẩn bị đồ ăn trưa cho chúng tôi
Chúng tôi đã ngắm nhìn bình minh ở đất nước Mặt trời mọc trên chuyến bay từ Hà Nội đến Tokyo vào một ngày giữa thu, cuối tháng 10. Vì là chuyến bay sớm nên sân bay Narita khá vắng vẻ, khác hẳn hình dung của chúng tôi về một Tokyo đông đúc và bận rộn. Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được xe hơi đưa về New Otani – khách sạn sáu sao nổi tiếng, nơi các chính khách và ngôi sao khi đến Tokyo thường tạm trú. Dù lịch trình tại Tokyo khá dày đặc nhưng buổi tối chúng tôi vẫn có thời gian để tự khám phá thành phố. Cũng khá bất ngờ khi chỉ mất 15 phút và hai lần đổi tàu điện ngầm là chúng tôi đến được Trung tâm Thương mại Shibuya. Mạng lưới tàu điện ngầm ở Tokyo chằng chịt và vô cùng tiện lợi, tuy đông đúc nhưng rất trật tự. Có lẽ không ở nơi nào khác người ta có thể chứng kiến rõ hơn sự bận rộn và đông đúc của Tokyo bằng những ga tàu điện ngầm. Hình như chỉở Nhật Bản người ta mới có thói quen đứng về bên trái để nhường không gian cho người đang vội khi đi thang cuốn. Khác với những màu đen, màu xám “đặc chất công sở” ở khu vực tàu điện ngầm, tại các khu trung tâm mua sắm ở Tokyo lại tràn ngập màu sắc và những mốt thời trang thú vị. Kể ra cũng có lý khi người ta nói chính sự nổi loạn và đa màu như vậy giúp cân bằng cuộc sống nhiều áp lực và bận rộn ở Nhật.
Ngôi đền trên đồi tại Tokyo
Cuộc sống đưòng phố sôi động tại Tokyo
Ngày hôm sau, công việc được hoàn thành trước lúc nắng tắt, nhờ vậy mà chúng tôi đã được ngắm hoàng hôn tại một ngôi đền nhỏ trên đồi gần New Otani, vô tình được thỏa ước nguyện đi chùa cầu mong cho một chuyến đi suôn sẻ. Lần theo những bậc thang đá còn ướt mưa, chúng tôi bước vào một không gian tĩnh lặng với nhiều cây cổ thụ, những tu sĩ mặc kimono trắng, đi dép gỗ và vô số những cây cột, lá cờ màu đỏ. Màu đỏ vốn chói chang nhưng tại khu vực đền lại dịu hẳn đi. Không gian nghi ngút khói hương. Trong đền, người ta cầu nguyện bằng cách viết những điều mong muốn lên một tấm thẻ bài gỗ hoặc rung một chiếc chuông lớn được treo ngay sảnh chính.
Người phụ nữ ở Watari Town
Một góc Tokyo
Điểm đến kế tiếp của chúng tôi ở Nhật, cũng là nơi chúng tôi bắt đầu tham gia chương trình Homestay (ở nhà dân) đầu tiên trong suốt hành trình SSEAYP là Miyagi – một trong các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của đợt sóng thần và động đất năm 2011. Những ngày đầu, tôi được sống cùng một gia đình tại thành phố Sendai (thủ phủ của Miyagi), được ăn những món đặc sản, cùng bạn bè tham quan núi Zao đang mùa lá vàng và đặc biệt là được chứng kiến đội bóng Sendai lần đầu tiên giành chức vô địch giải bóng chày quốc gia. Trước khi rời Miyagi, chúng tôi đến thăm Watari Town, khu vực đã từng bị phá hủy hoàn toàn bởi sóng thần và ăn trưa với những người dân đang sống tại khu nhà tạm dành cho các nạn nhân sóng thần. Hàng trăm ngôi nhà tạm được xây dựng như những ô cờ, tuy đơn giản nhưng vẫn có đủ tiện nghi tối thiểu cho cuộc sống. Không khí nơi đây cứ mang đến một cảm giác buồn rười rượi. Người Nhật vốn bản tính yên lặng, hiền lành, không bon chen và những người sống ở khu nhà tạm đa phần là người già, quá mệt mỏi để cùng con cháu đến nơi khác làm lại cuộc sống. Tôi sẽ còn nhớ mãi một người phụ nữ khoảng hơn 70 tuổi nhất định dẫn tôi đến thăm nhà mình và đã bật khóc khi tôi nắm tay bà trên đường đi. Khi chia tay, bà vẫn cố ép tôi nhận một gói rong biển được cuộn cẩn thận để làm quà cho người thân…
Những tấm thẻ bài cầu nguyện
Thung lũng núi Zao – Sendai – Nhật Bản
Cảm nhận của người không phải khách du lịch tại Thái Lan
Tôi được tìm hiểu về nghề dệt lụa tại Thái Lan
Thái Lan là nước đã phát triển mạnh về du lịch. Du khách đến đây được chăm sóc rất chu đáo, nhu cầu gì cũng được đáp ứng tức thì. Lần này đến Thái Lan, chúng tôi có dịp vượt qua được ranh giới “khách du lịch”. Gia đình mà tôi tạm trú theo chương trình Homestay đã giúp tôi có được trải nghiệm như những người dân Thái thật sự. Ở Bangkok, chúng tôi được đi mua sắm tại những khu vực mà chỉ những người bản địa mới biết và bà mẹ nuôi trong những ngày trên đất Thái đã giúp tôi mua hàng với giá khá rẻ. Thức ăn ở Thái Lan đa dạng, ngon, rẻ nhưng rất cay. Những lần đi Thái Lan trước đây theo tour, tôi toàn ăn những món có giá tiền và khẩu vị dành cho các khách du lịch không dùng nhiều ớt. Lần này tôi mới “thấu hiểu” những món ăn cay chảy nước mắt và tình cảm nồng ấm của người dân làm cho cảm xúc của tôi tại Bangkok lúc nào cũng nhưở những cực điểm của con tàu lượn roller coaster.
Những tòa nhà cao tầng Singapore như ấm hơn
Garden By The Bay – Singapore, kỳ quan từ bàn tay con người
Trước khi cập cảng tại đảo quốc này, một trong những người bạn Singapore đã nói trước với chúng tôi: “Đừng quá trông đợi vào chương trình Homestay ở đây. Người Sing có đầu óc khá thực tế và quen với nhịp sống hiện đại, sự đón tiếp dành cho bạn sẽ rất lịch sự và đạt chuẩn, nhưng chỉ dừng ở đó mà thôi”. Bố mẹ nuôi của tôi tại Singapore không còn trẻ, nếu ở Việt Nam thì có lẽ đều đã nghỉ hưu. Vật giá ở Sing cao ngất ngưởng, có phần còn đắt đỏ hơn ở Nhật. Vì vậy, tôi tỏ ra dè dặt khi được hỏi muốn đi đâu, mua sắm gì trong thời gian lưu lại đây vì chỉ vì sợ làm phiền bố mẹ nuôi. Thế nhưng tôi vẫn được đi tham quan hầu hết những điểm du lịch mới và đẹp nhất, được ăn những món ngon nhất như cơm gà, cháo ếch, cua xốt ớt… hay được nghỉ chân ăn kem, ăn bánh và quan trọng nhất là tôi cảm nhận rõ lòng thương yêu hết mực mà bố mẹ nuôi dành cho. Không chỉ mình tôi, các bạn khác trong cùng hành trình cũng có những trải nghiệm tình cảm rất tròn vẹn tại đất nước nhỏ bé với nhịp sống công nghiệp này. Sau chuyến thăm Singapore lần này, trong suy nghĩ của tôi, những tòa nhà cao tầng và những khối kiến trúc kim loại đậm chất Sing không còn lạnh lẽo, mà mềm mại và ấm áp hơn nhiều. Tôi sẽ còn nhớ mãi hình ảnh bố mẹ nuôi cùng nhiều những gia đình tham gia chương trình Homestay khác đứng suốt hai giờ để chờ con tàu Nippon Maru nhổ neo rời cảng và dõi theo nó ra biển khơi, tìm đến miền đất mới.
Chúng tớ chia tay Singapore với nhiều tình cảm lưu luyến mang theo
Ở Philippines cái gì cũng vui hơn
“It’s more fun in the Philippines” là câu nói cửa miệng của những người bạn Pinoy (cái cách mà những người Philippines tự gọi mình) khi giới thiệu về đất nước của họ.
Có ở Philippines ít ngày mới thấy đúng là con người nơi đây rất hào sảng và vui vẻ, dù chưa đến mức quá ồn ào nhưng cũng đủ để truyền năng lượng dường như vô hạn của họ cho chúng tôi. Thái độ sống của người dân rất lạc quan, cho dù siêu bão Haiyan vừa quét qua chưa đầy một tháng. Mẹ nuôi của tôi có chồng là thuyền trưởng và con trai duy nhất là thủy thủ, đều phải xa nhà quanh năm suốt tháng, vậy mà bà vẫn tỏ ra không hề bi quan với cuộc sống. Ngay buổi sáng đầu tiên, bà gọi chúng tôi dậy lúc 5 giờ để tập thể dục, sau đó đi ăn sáng tại Jolibee – chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất ở Philippines. Trong suốt những ngày lưu lại Manila, chúng tôi đã khám phá thành phố này theo tinh thần “cảm hứng tự phát” được truyền từ các bà mẹ nuôi. Không cần phải lên kế hoạch quá chi tiết, cứ thích đâu thì đi đấy. Không ít lần tôi phá lên cười khi mẹ tôi thay đổi điểm đến kế tiếp đến lần thứ hai chỉ trong vòng chục phút với một giọng điệu và biểu cảm đầy háo hức. Ngay cả anh lái taxi cũng đáp ứng những thay đổi bất chợt của mẹ nuôi tôi một cách rất tự nhiên như cách thích nghi với cuộc sống ở đất nước đầy bão tố này. Có lẽ không đâu nhưở Philippines, việc bắt chuyện với người lạ lại dễ dàng đến như vậy, một phần cũng có lẽ do người Philippines nói tiếng Anh rất tốt, nhưng phần nhiều là nhờở sự cởi mở và nồng nhiệt của người dân nơi đây.
Thời gian trôi thật nhanh, vừa ngày nào các thành viên từ bốn phương trời hội tụ lại mà nay đã phải ngậm ngùi chia tay nhau. Chuyến đi quả là quý giá vì chúng tôi đã được len lỏi vào đời sống của người dân thường ở những năm quốc gia chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa” như khi tham gia các tour du lịch. Đọng lại sâu đậm trong tâm trí của mọi thành viên là tình cảm của người dân mà chúng tôi đã gặp, mà nồng hậu nhất vẫn là của những người nhận làm bố mẹ nuôi chúng tôi dù chỉ trong ít ngày.
Nhật Hà
Ảnh Nhật Hà, Quang Hiếu, Giang Phạm