Dự đoán về bức tranh thế giới trong quý III-2017, Strategic Forecasting (Stratfor), một công ty Mỹ chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh, đã có một số nhận định đáng chú ý.
Tại Mỹ, những cuộc điều tra của liên bang cộng với cuộc chiến ngân sách ngày càng “cam go” với Quốc hội sẽ tiếp tục khiến Tổng thống Donald Trump xao nhãng các vấn đề đối ngoại. Dù Mỹ sẽ vẫn duy trì những liên minh an ninh ở nước ngoài, nhưng họ cũng sẽ tạo ra cảm giác bất ổn đủ để buộc các đối tác phải có hành động đơn phương để xử lý các vấn đề tại khu vực của mình.
Khu vực Trung Đông, cuộc xung đột giữa Qatar và Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)… sẽ dai dẳng trong suốt quý tới trong bối cảnh các cường quốc khu vực đẩy mạnh những cuộc chiến mượn tay người khác trên toàn khu vực. Nguy cơ nổ ra đụng độ giữa các nước láng giềng lớn cũng gia tăng tại Đông Syria. Trong khi đó, cuộc xung đột sẽ leo thang giữa các lực lượng ủy nhiệm của Ả Rập Saudi và Iran đang giao tranh trên khắp các chiến trường từ vùng Vịnh đến vùng Levant.
Về thị trường dầu mỏ, thái tử Ả Rập Saudi là Mohammed bin Salman sẽ tiếp tục tập hợp quyền lực, tập trung chuẩn bị mở cuộc đấu thầu công khai đầu tiên mỏ dầu Aramco vào năm 2018. Một phần của kế hoạch này đòi hỏi phải duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt với hy vọng duy trì được giá dầu ổn định trong bối cảnh sản lượng tại Mỹ, Libya, Nigeria và Kazakhstan gia tăng. Thỏa thuận này tiếp tục được tuân thủ trong quý III-2017, song càng về cuối năm mức độ tuân thủ càng sụt giảm do các nước ký kết bắt đầu thực hiện chiến lược rút lui.
Ở châu Âu, khả năng các lực lượng ôn hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Đức và khả năng Pháp tiến hành cải cách thành công sẽ lại làm dấy lên những lời kêu gọi tận dụng bầu không khí chính trị yên ả tại châu lục để tiến hành cải cách EU. Tuy nhiên, hành động như vậy sẽ làm bộc lộ nhiều mâu thuẫn âm ỉ tại châu Âu do mỗi phe lại đề xuất những quan điểm khác nhau cho sự hội nhập.
Với một phương Tây đang cảnh giác trước các chiến dịch tuyên truyền và tấn công mạng của Nga, hầu như không có cơ hội diễn ra cuộc đàm phán thực chất giữa Washington và Moscow trong quý III-2017. Đồng thời, phong trào biểu tình trong nước sẽ khiến Điện Kremlin phải toàn tâm toàn ý với công việc nội bộ.
Về chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tại Mỹ, tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm trong khi trên khắp khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ ít chịu áp lực phải chấm dứt các chương trình nới lỏng định lượng của mình.
- L.Q