Mấy hôm trước, nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ gọi điện báo tin và mời bè bạn đến xem loạt tranh ông vẽ gần đây nhưng chẳng phải ở một gallery hay phòng tranh quen thuộc nào, mà tại một địa chỉ hoàn toàn mới: 343/27 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận. Gallery nào đây?
Hóa ra đó là ngôi nhà của con gái ông – phóng viên Việt Nga (báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh) vừa được xây mới lại, khang trang theo thiết kế của kiến trúc sư hẳn hoi, trong một con hẻm rộng. Một tấm biển gỗ kẻ dòng chữ: “gallery Phan Vũ” treo ở mặt tiền nhà cho biết đây là nơi trưng bày tác phẩm của chỉ riêng ông.
Toàn bộ tầng trệt được dành cho phòng tranh. Tranh không treo mà đặt thành hai lớp, lớp dưới đặt trên một hàng gạch thẻ, lớp trên được đỡ bằng hàng kệ gỗ dày – một cách trưng bày tranh “không giống ai” nhưng lại rất… Phan Vũ. Ông cho biết: “Tôi nghĩ ra cách xếp đặt tranh như vậy, nói con gái đóng hàng kệ gỗ này để khỏi phải treo tranh lên, đỡ mệt, lại nhanh!”.
Từ sau triển lãm “Giai điệu màu” tại gallery Tự Do năm 2009, Phan Vũ tiếp tục hành trình hội họa không mỏi mệt của ông. Thật đáng ngạc nhiên và nể phục sức làm việc của một người tuổi đã cận kề chín mươi! Có lẽ ông hiện là người cao tuổi nhất trong làng mỹ thuật Việt mà vẫn đang mải miết vẽ từng ngày không nghỉ. Số tranh chất chồng đầy ắp “xưởng vẽ” bé tẹo của ông (trong khu nhà gia đình vợ ông) ở quận 9 nay đã có chốn “dung thân”. “Tôi vẫn vẽ ở đó vì cứ thoải mái vung vẩy màu khắp nơi, còn ở nhà mới của con gái, được nó dành cho cả tầng trệt để bày tranh là sướng quá rồi. Bây giờ thì mình dành một nửa thời gian ở quận 9, nửa ở đây”. Ngoài gallery, Việt Nga còn làm một phòng nghỉ thật tiện nghi dành riêng cho bố.
Loạt tranh Phan Vũ vẽ những tháng gần đây trừu tượng có, nửa trừu tượng có, biểu hiện có, cả những chân dung và phong cảnh nửa hiện thực nửa ước lệ. Và như ông từng bày tỏ về hội họa của mình: “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần những bài thơ của tôi. Một cái gì như một chút bi tráng tự sự với những màu sắc rực rỡ, đối lập, nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buồn dịu êm”, phòng tranh này được Phan Vũ gọi tên là “Nỗi buồn rực rỡ”. Mà rực rỡ thật những sắc màu trong tranh. Có gì đó thật trẻ trung trong cách ông bày tỏ bằng màu sắc những ngẫm ngợi và cảm xúc của mình. Có những chuyện thế sự và triết lý về cuộc đời, về cả những năm tháng chất chồng lên đôi vai ông nhưng dù đó là nỗi buồn bã, cô đơn chăng nữa thì nó vẫn được thể hiện bằng một bảng màu nguyên, mạnh mẽ và đầy mê đắm. “Cái gốc si già này là tôi vẽ tôi đấy các ông ạ, năm tháng qua đi, gốc si già vẫn còn đó nhưng những chùm rễ nó buông xuống là những nỗi buồn và cả sự cô đơn của kiếp người…”. “Còn đây là những vòng xoay của đêm phố Sài Gòn, những vòng xoay của cuộc đời…”.
Và ông lấy ra một tập thơ viết tay, nét chữ vẫn còn thẳng và đẹp, đọc cho bè bạn nghe những bài thơ được làm từ chính những bức tranh của mình. Như bài Vòng xoay đêm phố cho bức tranh cùng tên có những câu: Em vào đêm phố/ Một vùng sáng lóa xoay tròn/ Cao ốc, đại lộ, phố xá, công viên tiếp nối/ Những con người không mặt không tên/ Mê mải nhịp theo vòng luân vũ…
Kiến trúc sư Đỗ Gia Thụy, cũng là một người vẽ tranh tài tử, bình luận: “Tôi rất thích phòng tranh này của Phan Vũ. Có nhiều bức màu và hình đẹp quá. Ông ấy chẳng nệ trường lớp nên nghĩ sao vẽ thế, không thì vẽ thế nào được những bố cục lạ lùng như thế kia…”.
Phan Vũ vẫn đang ấp ủ những dự định nghệ thuật: “Tôi sẽ vẽ thêm và tổ chức một triển lãm tranh mới, in một tập thơ mới nữa các ông ạ”. Nhìn ông đọc thơ sang sảng, sôi nổi nói về những bức tranh mới vẽ, tranh luận với những nhận định về tranh mình…, ai cũng tin rằng Phan Vũ sẽ thực hiện được những dự định ấy.