Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã cập nhật xếp hạng và đánh giá dài hạn của ba công ty tài chính và hai ngân hàng tại Việt Nam, gồm FE Credit, Home Credit Vietnam (HCV), SHB Finance, VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance). Ngoại trừ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của VPBank có triển vọng tiêu cực, triển vọng của tất cả các xếp hạng khác của các công ty tài chính và ngân hàng đều xếp ở mức ổn định.
Theo đó, việc giữ nguyên xếp hạng của FE Credit, HCV và SHB Finance dựa trên kỳ vọng của Moody’s vào khả năng giảm thiểu các rủi ro thanh toán và thanh khoản dưới tác động của dịch Covid-19 của các tổ chức này khi nền kinh tế Việt Nam đã sớm mở cửa trở lại nhờ kiểm soát dịch bệnh thành công. Ngoài ra khả năng giảm các rủi ro nói trên còn đến từ việc các điều kiện tài chính được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào sau các biện pháp hỗ trợ trong nước và quốc tế. Cùng với đó là khả năng quản lý rủi ro tín dụng và thanh khoản của các tổ chức này trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Theo đánh giá của Moody’s, tình hình nguồn vốn và thanh khoản của các công ty tài chính này đều ổn định trong giai đoạn xem xét đánh giá xếp hạng, nhờ nguồn hỗ trợ thanh khoản quốc tế và trong nước dồi dào, điều này đã giúp các công ty tài chính đảo nợ hiện có và tiếp cận nguồn vốn mới. Trong giai đoạn này, nguồn vốn vay được đa dạng hóa trong khi chi phí vay đã giảm. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các khoản vay bán buôn và thanh khoản trong bảng cân đối bị hạn chế vẫn là một yếu điểm đối với hồ sơ tín dụng của các công ty tài chính này.
Thời gian gián đoạn kinh tế ngắn ở Việt Nam đã giúp các công ty tài chính nói trên quản lý các khoản nợ quá hạn và thu hồi nợ trong thời gian cho phép. Dù đã có các dấu hiệu căng thẳng ban đầu trên các khoản nợ có khả năng bị trả chậm và công tác thu hồi nợ, đặc biệt là vào tháng 4 do các biện pháp giãn cách xã hội, trên thực tế, hoạt động thu hồi nợ đã phục hồi và các khoản nợ quá hạn đã giảm trong quí 2 vừa qua.. Các công ty tài chính đã có những biện pháp quản lý rủi ro thận trọng, bao gồm siết quy định cho vay trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Đối với VPBank, xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) được Moody’s giữ nguyên ở mức b1 nhờ lợi nhuận cao hơn trung bình ngành và mức vốn hóa lớn, bù trừ cho mức rủi ro tín dụng tăng cao từ công ty con là FE Credit. Về bản chất, VPBank có sự phụ thuộc cao hơn vào các nguồn vốn thị trường so với các ngân hàng Việt được xếp hạng khác, do FE Credit không thể huy động nguồn vốn từ tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm đánh giá các rủi ro liên quan sẽ được bù đắp bởi khối tài sản lưu động lớn của ngân hàng này.
Còn với trường hợp của SHB, Moody’s giữ nguyên xếp hạng BCA ở mức b3 do ngân hàng này có những bước tiến cải thiện trong việc giải quyết các tài sản có vấn đề, bù đắp cho các rủi ro thua lỗ đến từ việc dịch bệnh làm ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng và cùng với đó là bộ đệm chống sốc mỏng mà SHB có để chống lại các rủi ro gia tăng. Xếp hạng BCA b3 cũng tính đến mức vốn hóa và lợi nhuận khiêm tốn của SHB khi so với các ngân hàng được xếp hạng khác tại Việt Nam.
Trước những cú sốc liên quan đến virus SARS-CoV-2, Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm hơn trong 12-18 tháng tới, điều này sẽ dẫn đến áp lực tiêu cực về chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng và công ty tài chính. Suy giảm nhu cầu bên ngoài đang đè nặng lên xuất khẩu và du lịch trong nước, trong khi các biện pháp chống dịch toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế tiêu dùng và làm suy yếu hoạt động đầu tư.
Triển vọng ổn định của các ngân hàng và công ty tài chính nói trên như vậy phản ánh sự giảm bớt mức độ rủi ro thua lỗ so với đánh giá ban đầu khi Moody’s thực hiện hoạt động đánh giá xếp hạng đối với 5 tổ chức tài chính vào tháng 4 vừa qua và nhận định cho rằng các rủi ro thua lỗ đã được tính vào vào hồ sơ tín dụng độc lập của mỗi tổ chức.
Trong khi đó, triển vọng tiêu cực về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của VPBank phản ánh triển vọng tiêu cực về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, bởi việc hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia có thể sẽ dẫn đến việc giảm trần tiền gửi ngân hàng bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam, hiện đang ở mức B1.
Theo Moody’s, việc nâng xếp hạng tín nhiệm cho cá tổ chức trên sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.