Món Việt là một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam, nằm trong khu phức hợp mua sắm, giải trí, ẩm thực rộng lớn có tên Lippo Mall Kemang ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Món Việt có lẽ là nhà hàng Việt Nam đầu tiên tại đất nước có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới; chính vì thế đối với nhiều người dân bản xứ Món Việt là một địa chỉ ẩm thực độc đáo.
Nhà hàng Món Việt ở Jakarta
Trên blog chuyên vềẩm thực có tên eatandtreats (ăn và sự thú vị), blogger Stanislaus Hans Danial Subianto đã có dịp trải nghiệm những món ăn Việt tại Nhà hàng Món Việt. Stanislaus đến Món Việt sau khi nhận được lời mời qua email của anh Hải, chủ nhân nhà hàng. Sau bữa ăn ngon miệng cũng như qua câu chuyện kể của Hải, Stanislaus khám phá được bao điều thú vị cho blog ẩm thực của anh.
Trang trí bên trong nhà hàng
Bí quyết chân truyền từ người mẹ
Stanislaus kể: “Hải cùng với cô em của anh nhận thức thật sâu sắc về những sáng tạo (trong nghệ thuật ẩm thực) của mẹ anh. Bà cụ từng bán bún bò ở Việt Nam, một kế sinh nhai rất bình thường và có lẽ không đặc biệt gì, thế nhưng bạn cần nhớ rằng bà mẹ của Hải đã nuôi được chín người con nhờ gánh bún bò; và phải có gì đó không thể “quá đơn giản” để những khách hàng của bà ăn món bún bò ấy”.
Bếp chính Kim Loan (phải) và một thực khách
Câu chuyện của Món Việt khởi đầu từ thập niên 1970 ở Việt Nam, khi một bà mẹ rời làng quê miền Trung để lánh nạn chiến tranh, vào Sài Gòn và nuôi bầy con bằng gánh bún bò Huế tại một góc đường. Tô bún bò của bà có hương vị thật đặc sắc khiến ngày càng có nhiều người tìm đến ăn, thậm chí có người còn đợi từ sáng sớm trước khi gánh bún bò của bà được dọn ra. Nhờ vậy mà từ gánh bún bò bà đã có được một quán ăn hẳn hoi, và từ chỗ chỉ bán bún bò quán đã bán nhiều món ăn khác. Chín người con đã được mẹ nuôi khôn lớn nhờ bí quyết nấu ăn chân truyền của bà. Nhưng sau 35 năm bươn chải nuôi con, bà đã tới lúc phải nghỉ ngơi. Cô con gái út trong nhà đã học được những bí quyết bếp núc từ mẹ và thực hành những gì cô tiếp thu được tại khách sạn mà cô làm việc lúc đó. Món bún bò tại nhà hàng của khách sạn được nhiều người yêu cầu nhất. Tự tin hơn, cô bắt đầu chế biến nhiều món khác với công thức của riêng mình và với sự hỗ trợ của người mẹ.
Món bún bò Huế chân truyền từ người mẹ
Cũng vào thời gian ấy, một người con trai của bà mẹ kể trên đã mang theo tình yêu đối với ẩm thực Việt được mẹ truyền sang khi anh ra nước ngoài làm việc. Anh học cách tái tạo những bí quyết bếp núc của mẹ khi mở một quán ăn. Không ngờ anh có được nhiều fan hâm mộ những món ăn Việt Nam ấy. Anh chính là Hải, chủ nhân Nhà hàng Món Việt ở Jakarta, còn cô em gái út là Loan, người đứng bếp chính tại Món Việt hiện nay.
Bếp mở và những món ngon tại Món Việt
Stanislaus kể tiếp: “Tôi đã có cơ hội tự trải nghiệm ở Món Việt nhờ lời mời chân thành của chủ nhân nhà hàng. Có thể nói rằng tôi đang bày tỏ (qua blog của mình) với những ai có đam mê lớn với nghề bếp núc về sự tin cậy hoàn toàn của tôi đối với Nhà hàng Món Việt, nơi đã mang đến Jakarta một toàn cảnh bếp núc của người Việt. Nào, hãy để tôi thử trắc nghiệm bạn nhé. Nếu tôi nói đến “món ăn Việt Nam” thì điều gì sẽ đến trong suy nghĩ của bạn? “Phở” phải không? Đúng thôi, nhưng thật ra món ăn Việt Nam thì phong phú và đa dạng hơn thế nhiều.
Chè khoai môn nước cốt dừa
Đứng bếp chính ở nhà hàng Món Việt không ai khác hơn Loan, em gái của chủ nhân. Trước đây khi còn ở quê nhà, ngay từ lúc còn là một đứa trẻ thì Loan đã thường theo chân mẹ đi bán bún bò, qua đó cô chú tâm đến những gì mẹ của cô đang làm: nấu bún, sắp xếp, chuẩn bị phục vụ thực khách và bán hàng. Từng tô, từng tô bún bán ra để cuộc sống cứ tiếp diễn. Riêng tôi nghĩ điều đó mới thật đáng kinh ngạc, và thật tuyệt đẹp khi Loan đã học được tất cả mọi điều từ mẹ của cô. Để bây giờ cô có đôi bàn tay ma thuật!
Tôi hỏi Hải cái tên Món Việt có mang triết lý sống nào không, anh trả lời rằng nó giản dị là “niềm hạnh phúc được thưởng thức ẩm thực Việt”. Điều đầu tiên bạn thấy ở Nhà hàng này có lẽ là cái bếp mở trước mắt thực khách. Có nhiều điều mà tôi thích thú với cái bếp mở này, cách nào đó tôi cảm thấy yên tâm hơn với quá trình nấu nướng các món ăn tại đây. Đầu óc đã bị nhiễm những gì đọc trên internet khiến tôi luôn không yên tâm về bất kỳ món ăn nào. Nhưng thật tốt khi mà Món Việt có một cái bếp sống động trước mắt bạn. Loan đã giải thích cho tôi về các nguyên vật liệu được dùng trong khi nấu các món ăn. Mọi thứ đều được nhập từ Việt Nam. Cô đã từng thử dùng nguyên liệu tại chỗ để chế biến nhưng kết quả không như cô mong đợi trước đó. Chính vì vậy để có được hương vị đích thực như cách nấu của mẹ cô, Loan phải dùng nguyên vật liệu từ Việt Nam”.
Những món ăn trong thực đơn ở Nhà hàng Món Việt rất quen thuộc với người Việt, chẳng hạn: chả giò rế, bánh cuốn nhân thịt gà, gỏi cuốn tôm gà, bánh canh tôm gà (do người theo đạo Hồi ở Indonesia không ăn thịt heo), bún bò Huế, bánh bột lọc… và không thể thiếu món phở quốc hồn quốc túy của người Việt. Trong số các món tráng miệng thì chè khoai môn có lẽ được nhiều thực khách ưa thích nhất.
Chả giò rế và gỏi cuốn
“Thật khó khăn để tìm một Nhà hàng Việt Nam đích thực ở Jakarta. Phải chăng vì thiếu yếu tố marketing như tôi tự hỏi? Nhà hàng Thái, Nhật, Hàn Quốc thì tràn ngập ở các khu mua sắm khắp Jakarta nhưng món ăn Việt Nam thì chẳng tìm thấy bao nhiêu. Tôi chẳng dám chắc lý do tại sao, nhưng có lẽ vì đồ ăn Việt gần giống với đồ ăn Thái Lan chăng? Thế nhưng tôi đã đến khu Kemang và quyết định thử một bữa tối Việt Nam tại Nhà hàng Món Việt. Sau khi chén sạch bữa tối ấy, tôi rời nhà hàng với quyết định sẽ là khách hàng quay trở lại. Tôi tin như vậy chỉ sau khi ăn hai món thôi, những món khác để dành cho lần đến Món Việt trong tương lai không xa”. Blogger Yulian Suwandri đã viết như thế trên blog Try This Menu!!! (Thử thực đơn này đi!!!).
Lưu Hương