Trong không gian cà phê Miyama yên tĩnh vào một chiều cuối năm, chúng tôi cùng thưởng thức một tách trà bạc hà Pháp với chị Trần Phi Diệp, người đồng sáng lập chuỗi nhà hàng cà phê Nhật Bản MOF Cafe.
Ấm trà với vài lá bạc hà tươi được chị cất công đem giống từ Pháp về trồng, nhấp một ngụm nhỏ mà hương vị the nồng dìu dịu thơm mát toàn cổ họng. Chị Phi Diệp cho biết: “Những ấm trà bạc hà đầu tiên tôi pha là dành cho gia đình mình; sau thấy hương vị độc đáo quá nên tôi đưa vào thực đơn của nhà hàng để mọi người cùng thưởng thức”.
Cách đây hơn tám năm, khi được thưởng thức những món tráng miệng, bánh ngọt độc đáo tại Nhật và các nước trên thế giới, chị Phi Diệp đã ấp ủ dự định mở một chuỗi nhà hàng cà phê Nhật Bản để giới thiệu với người Việt món Matcha, kem tươi Hokkaido, kem đá tuyết Kakigori… vốn còn xa lạ với thị trường lúc đó. Dùng bánh ngọt làm món tráng miệng và quà tặng rất phổ biến ở Nhật.Hình ảnh một quý ông Nhật lịch lãm đi mua bánh mang về nhà rất bình thường. Theo chị Phi Diệp, đây là một nét văn hóa đẹp trong cuộc sống của chúng ta. MOF Cafe ra đời từ ý tưởng đó.
Nhà kinh doanh nghệ sĩ
Sau thành công của MOF Cafe, chị Phi Diệp đã cùng các cộng sự tiếp tục ra mắt Miyama Cafe, với tham vọng mang một không gian cà phê Tokyo hiện đại đến với Sài Gòn nhộn nhịp. Miyama là một không gian yên tĩnh có thể làm việc, đọc sách hoặc hàn huyên cùng bạn bè với các món ăn trưa, tối luôn sẵn sàng phục vụ khách. Chị Phi Diệp đã dành trọn khu vườn của mẹ tại Đà Lạt để trồng rau sạch, cung cấp ổn định những loại rau tươi ngon và an toàn cho nhà hàng. “Chúng tôi đã có những nguồn thực phẩm sạch đảm bảo chất lượng từ rau củ quả đến thịt cá. Cách nêm nếm món ăn tại Miyama được đánh giá là khá nhẹ nhàng và tinh tế, vì chúng tôi muốn phát huy tối đa thế mạnh của nguyên liệu tươi, để khách cảm nhận vị ngon ngọt tự nhiên của thịt, rau mà không cần thêm nhiều gia vị. Khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là chi phí đầu vào rất cao, trong khi đó nhiều người vẫn còn chú trọng đến thịt cá trên một dĩa thức ăn hơn rau củ quả. Rau quả sạch vốn rất đắt và không dễ dàng kiếm được trên thị trường, may mà chúng tôi đã còn vườn rau cho riêng mình!” – chị chia sẻ. Bên cạnh vườn rau tại Đà Lạt, chị còn liên kết với nhiều đối tác khác để có nguồn cung cấp thịt cá sạch uy tín như thịt heo được nuôi theo công nghệ vi sinh của Nhật tại Bình Phước, thịt bò Úc, cá hồi Na Uy, thịt gà Pháp…
Có lẽ vì bắt đầu công việc kinh doanh ẩm thực khi kinh tế đã tương đối ổn định, không còn nặng lo toan cơm áo gạo tiền nên chị Phi Diệp có thể dành trọn thời gian và sức lực với niềm đam mê của mình. Trong khi đó, mẹ chị từng lo lắng khi cô con gái út chọn con đường khó để đi, còn bạn bè bảo chị… khùng với cái kiểu kinh doanh nghệ sĩ như thế này.
Học cách chăm chút món ăn từ mẹ
“Mẹ tôi vốn là một người luôn chăm chút từng món ăn cho gia đình, ngay cả trong giai đoạn kinh tế rất khó khăn. Vì vậy mà chị em tôi ngay từ nhỏ đã được thừa hưởng một cách ăn tinh tế, chọn món ăn phải đẹp từ mắt nhìn đến hương vị thơm ngon. Cho đến lúc này, bún cá thu mẹ tôi nấu luôn là một món ăn ấn tượng nhất với tôi dù đã từng thưởng thức nhiều của ngon vật lạ trên đời. Có lẽ ngoài nấu ăn bằng tài năng bẩm sinh và sự tinh tế vốn có, mẹ tôi không bao giờ quên nêm vào món ăn thật nhiều yêu thương cùng sự háo hức muốn dành món ăn cho những đứa con. Đó chính là gia vị vô cùng quý giá không gì có thể thay thế được”, chị Phi Diệp cho biết.
Chị cũng không bao giờ quên nêm loại “gia vị đặc biệt” của mẹ vào các món ăn dành cho gia đình, bạn bè. Chị tiết lộ mình nấu món Việt rất ngon nhưng chỉ “để dành” phục vụ cho những người chị yêu quý, đặc biệt là các món mì quảng, bún bò, bún mắm và phở. Theo chị bữa cơm gia đình do người phụ nữ chuẩn bị sẽ là sợi dây gắn kết hạnh phúc gia đình. Con gái chị học ở New York vẫn thường nhắn tin về cho mẹ: “Con nhớ bữa cơm gia đình mình, thèm phở mẹ nấu. Không có phở nơi nào ngon bằng mẹ nấu”. Còn bạn bè dù ở rất xa cũng luôn hào hứng đến thưởng thức những món ăn do chị nấu. “Một vài người bạn còn xin công thức các món ăn nhưng khi nấu lại không giống như ăn ở nhà tôi. Các bạn hay nói đùa rằng chắc tôi còn giữ lại chút bí quyết của riêng mình nhưng tôi nghĩ có lẽ là do món ăn chưa nêm gia vị yêu thương và sự háo hức được nấu cho những người mình yêu quý thưởng thức”, chị nói.
Gia vị yêu thương và sự háo hức này chị cũng mang đến cho những thực khách của MOF và Miyama Cafe. “Tôi thường được “ăn thỏa mãn” mỗi lần trở về Đà Lạt vì mẹ tôi luôn chuẩn bị một ngôi nhà thơm tho, sạch sẽ với những món ăn ngon, đẹp mắt dành cho con gái. Tôi cũng muốn mang cảm giác “ăn thỏa mãn” này tới thực khách, đó là ăn ngon và ăn đẹp.Để mọi người có thể cảm nhận không chỉ bằng vị giác mà còn bằng thị giác, khướu giác trước một món ăn chỉn chu về thiết kế lẫn hương vị”. Nhấp một ngụm trà bạc hà Pháp, chị Phi Diệp nói thêm: “Dù con đường kinh doanh tôi chọn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi không hối hận, ngược lại càng ngày càng đam mê mãnh liệt hơn, đó là động lực để tôi cố gắng mang đến nhiều nét mới lạ cho các nhà hàng cà phê của mình…”.
- Thanh Nhã
Xem thêm:
- Sorae – món ăn ngon Nhật Bản và nét độc đáo trong mô hình dịch vụ
- Món ngon cùng tôm càng hảo hạng tại Nhà hàng Li Bai
- Món ngon Đông Nam Á tại Nhà hàng Saigon Café