Miền Trung nước ta năm nào cũng bị những cơn lụt triền miên gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản của người dân. Nếu tính từ đầu năm đến nay, đã có 235 người chết và mất tích do mưa lũ, với thiệt hại trên 37.000 tỉ đồng.
Năm 2016 các trận lụt đã diễn ra liên tục, chỉ riêng từ giữa tháng 10 đến nay đã xảy ra liên tiếp năm đợt mưa lũ bất thường làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương, hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại… Tổng thiệt hại ước tính gần 8.600 tỉ đồng.
Cụ thể từ 30-10 đến 10-11, lũ xảy ra trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên kéo dài hơn 10 ngày. Tiếp theo là các đợt ngày 30-11 đến 9-12, lũ diễn ra diện rộng từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận. Chỉ ba ngày sau, miền Trung lại đón đợt lũ mới bắt đầu ngày 12-12 trên phạm vi rất rộng Quảng Bình – Ninh Thuận và lên cả Gia Lai với lượng mưa có nơi 600 – 700mm, gây lũ đặc biệt lớn ở khu vực này.
Tổng lượng mưa trong khoảng hai tháng qua nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500mm như Trà My (Bắc Trà My, Quảng Nam) 2.600mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.700mm.
Mưa lớn khiến lũ các sông lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kone, sông Ba. Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng xảy ra ở tất cả các tỉnh; nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, đời sống người dân trong vùng thiên tai bị tổn thất nặng nề.
Ngày cuối tuần, dù đã có kế hoạch công việc nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn gác lại để đến chủ trì cuộc họp hội nghị trực tuyến “Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung”. Ông chia sẻ những mất mát với nhân dân các địa phương có thiệt hại rất lớn về người và tài sản, chia buồn sâu sắc đến những gia đình bị ảnh hưởng đến tính mạng trong đợt lũ này.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ vùng thiên tai nặng, không để người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất, tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông bình thường, chuẩn bị các điều kiện cho vụ đông xuân mới.
Thủ tướng lưu ý việc đầu tiên các địa phương cần làm là ứng phó, cứu hộ kịp thời không để thiệt hại tiếp tục xảy ra, đặc biệt là đảm bảo an toàn các hồ đập. Thủ tướng cũng nhắc nhở địa phương tập trung cứu dân, không để đói, khát, bệnh tật, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên cơ quan dự báo sử dụng cụm từ “lũ đặc biệt lớn”.
Bình Định là địa phương hứng chịu lũ nặng nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, cả 11/11 đơn vị quận, huyện đều bị ngập sâu, 70.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, hàng ngàn nhà bị ngập đến nóc. Toàn bộ hệ thống giao thông ngập trong nước, quốc lộ 1A cũng ngập đến nửa mét. Tỉnh Bình Định đã phải di dời trên 7.000 hộ dân. Trước mắt, tỉnh đã rút 50 tỉ ngân sách dự phòng hỗ trợ cho các địa phương, Bộ Công thương đã hỗ trợ 5 tấn lương khô cùng nước uống.
Suốt hơn một tháng qua, người dân Bình Định hứng chịu liên tiếp năm đợt lũ khiến lương thực cạn kiệt. Người đứng đầu tỉnh Bình Định cũng xin hỗ trợ khẩn cấp thuốc men vì dịch bệnh đang tăng cao. Ông kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn học phí học kỳ 2 cho học sinh toàn tỉnh vì người dân đã kiệt quệ, tiền bạc không có, trâu bò chết hết, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo và các nhà xuất bản hỗ trợ sách vở cho hơn 50.000 học sinh các cấp. Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng tha thiết đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ, rà soát các khoản Trung ương thu hồi tạm ứng để có nguồn lực tái thiết sau mưa lũ.
Ông kiến nghị Thủ tướng xem xét dành gói ODA cần thiết để tái thiết sau thiên tai và về lâu dài phải có dự án nâng cao năng lực phòng chống lũ cho các tỉnh miền Trung.
Các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại nhẹ hơn. Trong đó Quảng Nam ngập 15.000 hộ dân, ba người tử vong; Phú Yên chín huyện bị ngập, thiệt hại 400 tỉ; Thừa Thiên – Huế có ba người chết.
Mưa dai dẳng kết hợp hàng chục thủy điện cùng xả lũ khiến hàng vạn nhà cửa tại sáu tỉnh miền Trung bị ngập trong lũ.
Chi cục Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên cho biết có 13 hồ thủy điện xả qua tràn, ba hồ xả với lưu lượng trên 1.000m³/s gồm Sông Tranh 2 (1.240m³/s), Sông Ba Hạ (5.300m³/s), An Khê (1.200m³/s).
Mực nước tại các sông ở miền Trung bắt đầu xuống nhưng mưa lũ dồn dập đã tàn phá nặng nề các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa.
Tại Thừa Thiên – Huế, nước lũ chia cắt quốc lộ 49B đoạn qua xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. Nhiều tuyến đường huyết mạch ở huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà ngập cục bộ, gây chia cắt giao thông.
Quảng Nam có hơn 15.000 nhà bị ngập tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Hội An, Nông Sơn, Đông Giang. Trong khi đó, ở Quảng Ngãi có 54 phường, xã của sáu huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh bị ngập lụt.
Tại Phú Yên, lũ trên các triền sông lên nhanh đã gây ngập lụt, cô lập cục bộ một số khu dân cư trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu ngập trở lại.
Lũ chồng lũ đang khiến người dân miền Trung kiệt quệ. Theo thống kê, tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng. Nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD).
Ở Khánh Hòa, thành phố Nha Trang bị ngập nặng ở nhiều tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, khu vực chợ Bàu – Vĩnh Thọ và nhiều khu dân cư dọc sông cái bị ngập sâu từ 0,8 – 1,2m.
Tuyến đường sắt đoạn qua hầm đèo Rù Rì, từ Lương Sơn đến thành phố Nha Trang, bị sụt lún, trôi nền đường, treo ray và tà vẹt làm ách tắc tuyến giao thông đường sắt Bắc – Nam.
- Gia Minh