McLaren không chỉ được biết đến một trong những đội đua Công Thức 1 thành công nhất, mà còn là tượng đài huyền thoại trong lĩnh vực sản xuất siêu xe thể thao. Cả trong và ngoài đường đua, McLaren đã từng bước chinh phục trái tim của giới mộ điệu.
Nhà sáng lập, tay đua, kỹ sư Bruce McLaren là một cái tên không xa lạ đối với giới đam mê tốc độ. Ông sinh năm 1937, tại thành phố Auckland, New Zealand. Đam mê của Bruce đối với những cỗ máy và những cuộc đua bắt đầu từ chính gia đình của mình. Cha ông là một người thợ điện máy, có một xưởng sửa chữa nhỏ dành cho cả xe ô tô và xe máy – và cũng rất hứng thú với thế giới đua xe thời bấy giờ. Căn hộ gia đình sinh sống nằm ngay trên tầng của xưởng sửa chữa của gia đình. Từ lúc nhỏ, Bruce đã có đam mê và tố chất của người dẫn đầu trong những cuộc thi thể thao. Thời học tiểu học, ông đã là đội trưởng đội rugby (môn bóng bầu dục). Năm 9 tuổi, Bruce trải qua hai năm hơn, gần như nằm liệt trên giường bệnh và chỉ ngồi xe lăn do căn bệnh bẩm sinh về xương khớp dẫn đến sự chậm trễ việc học. Ngay cả khi xuất viện, Bruce vẫn phải đi bằng nạng, tập đi lại từ đầu và để lại di chứng đi khập khiễng đến mãi sau này. Hơn thế nữa, cơn đau vẫn dai dẳng và âm ỉ đôi khi trong suốt cuộc đời ông. Nhưng điều đó không hề làm ông bỏ cuộc với số phận, ông vẫn học gia sư tại nhà và tiếp tục việc đến trường sau đó. Về sau, Bruce McLaren chọn con đường kỹ sư điện máy để đi tiếp trên con đường học vấn của mình.
Đam mê về xe đua thật sự được ‘đánh thức’ khi cha của Bruce mang về một chiếc Austin Ulster cũ kỹ với nhiều mảnh bộ phận khác nhau. Cậu bé Bruce được cho phép tham gia sửa xe cùng với cha mình. Một lần, Bruce kể lại, “Sự nghiệp về điện máy của tôi bắt đầu tại thời điểm đó. Tôi không hiểu được tại sao mẹ tôi lúc đó có thể kiên nhẫn với hai cha con tôi như vậy. Đến cả bàn ăn cũng đầy những bộ phận của xe. Mẹ tôi từng nói ‘Nếu có cho bố con họ ăn bánh mì cũ và uống nước lã suốt thì họ cũng chẳng nhận ra…””. Mất một năm để hoàn thành chiếc xe Austin Ulster cũ, cũng là chiếc xe đầu tiên của mình. Bruce được cha giao hẳn xe khi có bằng lái chính thức và bắt đầu tập luyện những kỹ năng lái xe của mình như lái lên dốc đồi hoặc chạy quanh những track đua.
Năm 15 tuổi, ông bắt đầu tham gia những cuộc đua nhỏ gần nơi mình sống và tài năng của Bruce bắt đầu gây chú ý. Năm 20 tuổi, tại giải đua Grand Prix New Zealand, Bruce kết thúc ở vị trí thứ 5 và đây chính là cơ hội mở đường cho sự nghiệp sau này của mình. Ở tuổi 21, ông được ưu ái hỗ trợ theo chương trình “Driver to Europe” bởi Hiệp hội Grand Prix quốc tế tài trợ, đưa ông và người bạn Colin Beanland (với tư cách là kỹ thuật viên hỗ trợ Bruce) từ quê nhà đến nước Anh và gia nhập đội đua Cooper Cars với mục tiêu xây dựng một đội đua vững chắc cho giải đua Công Thức 2 (F2 – các xe đua tham gia giải có động cơ mã lực chỉ bằng một nửa so với xe đua của giải Công thức 1 – F1). Thời gian đầu ở Anh, không ai biết hay để ý đến chàng trai trẻ tuổi đến từ Khối Thịnh Vượng của Vương Quốc Anh. Chỉ biết đến với vai trò “lính mới” trong đội Cooper Cars. Tuy vậy, tất cả mọi người đều phải bật dậy trong sự ngỡ ngàng tại giải German Grand Prix 1958 – một sự kiện kết hợp cả hai loại hình đua F1 và F2, Bruce kết thúc tại vị trí thứ 5 chung cuộc và về nhất dành riêng cho hạng mục đua F2. Chàng trai trẻ không ai để ý – Bruce McLaren, tự hào đứng trên bục nhận giải song hành cùng với tay đua về nhất hạng mục F1 Tony Brooks của đội Vanwall. Từ thời điểm lịch sử này, cái tên Bruce McLaren đã được ghi nhớ trong giới đua xe thể thao trên toàn thế giới. Chỉ một năm sau đó, tại giải giải đua tranh vô địch thế giới F1, The U.S Grand Prix 1959, diễn ra ở bang Florida, Bruce McLaren, 22 tuổi, đã giành giải nhất toàn diện cho đội Cooper và chính mình. Ông là tay đua trẻ nhất tính đến thời điểm bấy giờ, đạt được thành tích này. Bruce tiếp tục gây tiếng vang bằng những giải thưởng lớn cho Cooper tại GP Argentina (1960) và GP Monte Carlos (1962).
Không chỉ dừng lại là một tay đua
Bruce McLaren là một con người có hoài bão lớn, năm 1963, ông thành lập đội đua mang tên mình cùng với những người bạn – đặt tên Bruce McLaren Motor Racing Ltd. Không chỉ là một đội đua, ông còn mang tham vọng sản xuất cả xe đua của riêng mình. Đồng thời, ông vẫn duy trì với tư cách một tay đua cho Ford và giành giải vô địch tại Le Mans 1966. Bruce chính thức rời bỏ các đội đua Cooper và Ford vào năm 1966 và tập trung vào hành trình của riêng mình.
Chiến thắng đầu tiên với đội đua của riêng mình tại GP Belgium 1968, đội đua McLaren bắt đầu gây tiếng vang với những giải thắng tại Le Mans 24h liên tục từ năm 1967 đến 1970, thắng toàn bộ 11 vòng đua tại giải Can-Am 1969 và hạng 3 chung cuộc tại giải đua Công Thức 1 tranh vô địch thế giới cùng năm.
Với những thành tích vũ bão của Bruce với tư cách là một tay đua xe, mọi người xung quanh đôi khi lãng quên mất một điều nữa, ông còn là một kỹ sư “nhà nòi”. Để rời New Zealand và tạo dựng sự nghiệp trên đường đua ở Anh, ông đã bỏ dở việc học chuyên ngành kỹ sư điện máy tại trường đại học – cao đẳng Auckland University College (nay là The University of Auckland). Tuy vậy, điều này không thay đổi bản chất của một kỹ sư trong mình, trước mỗi chặng đua, Bruce có thói quen chuẩn bị riêng cho mình một danh sách những chi tiết cần kiểm tra trước khi bắt đầu. Ông nổi tiếng với tính cách cẩn thận tuyệt đối và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Khi có trong tay đội đua kiêm nhà sản xuất xe, Bruce McLaren còn thể hiện mình là một người đứng đầu doanh nghiệp có tầm nhìn xa, đặt những viên gạch đầu tiên cho thương hiệu McLaren mà thế giới biết đến ngày nay. Trên đường đua ông là một tay đua bản lĩnh, ngoài đường đua, ông là một kỹ sư tài ba và đam mê rực lửa với khao khát tự sản xuất những chiếc xe đua cho riêng đội mình và cả thế giới tốc độ.
Ngày nay, tinh thần và giá trị di sản của Bruce McLaren để lại vẫn còn nguyên vẹn và được những người trẻ tiếp nối đam mê. Như vừa mới đây, trong tháng 9 năm nay, tay đua Daniel Ricciardo vừa giành giải vô địch trong cuộc đua F1 Grand Prix Italia cho đội McLaren.