Chán đảo tư, du thuyền, giới siêu giàu khắp thế giới chuyển sang “lâu đài bay”. Sau khi tốn chí ít là 87 triệu USD tậu chuyên cơ, họ tiếp tục đổ hàng núi tiền bạc, trang hoàng nội thất siêu sang “chảnh”. Có người thậm chí mang cả tạ vàng nguyên chất dát từ trong ra ngoài. Ước tính sơ sơ, bầu trời của trái đất bây giờ cũng là “nền” cho khoảng 300 “cung điện trên không” lộng lẫy.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”
Chỉ cần để ý một chút đến tin tức về giới tỷ phú, bạn sẽ thấy con số tài sản tăng theo thời gian chóng mặt. Chỉ riêng tại Mỹ, nhóm các gia đình siêu giàu (khoảng 1,2 triệu hộ) đã sở hữu đến 35.000 tỷ USD (tính đến tháng 6.2019). Họ thừa tiền đến mức chẳng biết tiêu vào đâu, nên “để không” trong ngân hàng đến hẳn 4.700 tỷ USD.
Có tiền, lý gì lại không sống sang! Giới tỷ phú, triệu phú thi nhau mua đảo tư, sắm du thuyền. Những năm gần đây, họ chuyển sang chơi máy bay VIP. Các hãng hàng không nổi tiếng khắp thế giới như Airbus, Comlux, Boeing lập tức bắt nhịp. Họ sản xuất và rao bán chuyên cơ, xây dựng đội ngũ phục vụ khách siêu giàu chuyên nghiệp. Thượng khách VIP có thể đặt mua máy bay VIP thiết kế sẵn, cũng có thể chỉ mua máy bay thường, sau đó nâng cấp lên phiên bản VIP.
Đối với mặt hàng “máy bay VIP có sẵn”, hãng Comlux giới thiệu dòng Airbus A330 VIP. Nó có giá 200 triệu USD (khoảng 4.643.968 tỷ VNĐ). Airbus A330 VIP đảm bảo sang trọng hết ý. Nó thuộc dòng máy bay phản lực, cực khỏe, có không gian nội thất “đẹp như một tác phẩm nghệ thuật”. Hãng Boeing không kém cạnh, ra mắt Boeing 747, Boeing 787 siêu lung linh. Hãng Airbus thì tự hào với dòng Airbus A340, Airbus A350. Mỗi năm, các hãng này lại tích cực cải thiện, bắt kịp nhu cầu “khoe của” khắt khe của giới siêu giàu.
Nếu “khách hàng là thượng đế” thì khách VIP là “thượng đế của thượng đế”. “Không có gì lạ khi một VIP đột ngột gọi vào giữa đêm, thảo luận chi tiết về yêu cầu bố trí nội thất bên trong chiếc máy bay của họ”, Richard Gaona, Giám đốc hãng Comlux, cho biết. Bất kể giờ giấc nào, nhóm chuyên phục vụ khách VIP của các hãng hàng không cũng sẵn sàng chiều lòng.
Trên toàn cầu, có khoảng 300 máy bay là chuyên cơ VIP. Một phần trong số chúng thuộc về các chính phủ, là phương tiện đưa đón các nguyên thủ quốc gia. Một phần là tài sản tư của các tập đoàn lớn, cá nhân siêu giàu. Phần còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của các hãng hàng không, dùng để cho thuê hoặc đưa đón khách VIP.
Lộng lẫy ngang cung điện
Hơn 10 năm trước, thế giới từng chấn động vì “cung điện trên không” của Hoàng tử Al-Waleed bin Talal (Ả Rập Saudi). Đó là chiếc Airbus A380 hạng lớn, được hô biến thành “lâu đài bay” khổng lồ.
Airbus A380 là sản phẩm chuyên cơ chở khách của hãng Airbus. Nó nổi tiếng là máy bay 2 tầng, có không gian cực rộng (550 m2). Nghe đồn bên trong khoang Airbus A380, Al-Waleed cho chia thành 3 tầng, lắp đặt thang máy để di chuyển giữa các tầng cho tiện. Ông tốn 300 triệu USD để được quyền sở hữu Airbus A380, sau đó bỏ ra thêm 200 triệu USD nữa cho thiết kế, lắp đặt, trang trí nội thất.
- Xem thêm: Không khó để sống như một tỷ phú
Gần đây, chúng ta lại được một phen mở to mắt trước “cung điện trên mây” của Quốc vương Hassanal Bolkiah, Brunei. Vị vua này cho mang hẳn vài tạ vàng 24 kg lên máy bay, biến thành vật liệu dát tường, đúc đồ đạc nội thất. Đến cái bồn rửa tay cũng là vàng ròng. Rồi thì “lâu đài trên không” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chuyên cơ IL-96-300PU. Nó không chỉ được trang bị hệ thống liên lạc tiên tiến nhất, mà còn mạ vàng, đúc vàng hết chỗ này đến chỗ kia.
Ngày nay, để mua một chiếc máy bay cần tối thiểu là 87 triệu USD (khoảng 2.020.126 tỷ VNĐ). Tùy vào yêu cầu và tiền đầu tư của chủ sở hữu, hãng bán sẽ thiết kế, lắp đặt bên trong y như mong muốn. Trừ những trường hợp “chơi trội hết phần thiên hạ”, các khách VIP giao hết công việc bày biện, trang trí nội thất cho đội ngũ thiết kế. Bất ngờ là “Người mua máy bay có thể không đòi hỏi nội thất phải thật khác biệt”, David Velupillai, nhân viên của Airbus, cho biết. “Họ có thể chọn màu sắc và lối trang trí tương đối đại chúng, giúp duy trì giá trị của chiếc máy bay, thuận tiện mua đi bán lại khi cần”.
Có 2 kiểu nội thất máy bay VIP chính: phòng nghỉ (như khách sạn 5 sao) hoặc văn phòng. Mọi yêu cầu khó khăn khác, ví dụ như hệ thống giải trí, kết nối Internet, máy tăng giảm độ ẩm khi đang bay đều được đáp ứng hết. Các mẫu máy bay VIP kích thước nhỏ như BBJ 787 và A350 ACJ đang được ưa chuộng. Sức chứa của chúng từ 25-50 người.
Chẳng mấy khi dùng đến
Dù tốn cả đống tiền đổ vào máy bay VIP, các chủ sở hữu chẳng mấy khi dùng đến. Siêu giàu là những con người bận rộn trong văn phòng hơn bên ngoài. Những công việc vất vả, cần “bay đi bay lại” đã có cấp dưới làm hết. Nhưng người giàu cũng không đời nào “bỏ không” công cụ hái ra tiền. Ít dùng đến thì cho thuê. Các hãng hàng không luôn sẵn sàng nhận sự ủy thác lưu giữ, bảo trì, sắp xếp thời gian cất cánh hợp lý. “Một vài chủ máy bay rất kỹ tính, giữ gìn chiếc phi cơ như thể nó là một góc nhà của mình”, Richard giải thích. “Nhưng cũng có không ít người thoải mái, vui vẻ với việc kiếm thêm đồng nào được đồng nấy”.
- Xem thêm: Khi siêu giàu lo chống “ngày tận thế”
Khách hàng muốn thuê máy bay VIP chỉ việc đăng ký hành trình như thủ tục đăng ký các chuyến bay thông thường. Mọi máy bay VIP đều quan tâm vấn đề tiện nghi và thời gian. Chúng thường có khoang nguyên liệu đủ dùng trong suối 17 giờ liên tục. “Đối với các VIP, thời gian là vàng bạc”, David Velupillai, trưởng bộ phận tiếp thị của đơn vị phục vụ khách VIP Airbus Corporate Jets cho biết. “Ví dụ như các nguyên thủ quốc gia. Họ sẽ xem trọng việc bay thẳng một lèo đến nước khác, thay vì phải dừng lại ngang đường, tiếp nhiên liệu”.
Khách thuê máy bay VIP, tất nhiên đa phần cũng là VIP (vì tiền thuê cũng phải… VIP). Ngoài ra, còn có chính phủ một số nước. Nhiều quốc gia không có riêng chuyên cơ VIP đưa đón các nguyên thủ. Khi cần di chuyển và sự riêng tư, họ phải đặt thuê. “Ví dụ như lúc cần bay đến New York để tham dự hội nghị thường niên của Liên Hiệp Quốc chẳng hạn”, Richard giả sử. “Thuê máy bay VIP nghe có vẻ xa hoa. Song nếu tính toán đường bay trực tiếp, an ninh, phục vụ… nó vẫn là lựa chọn không tồi. So với việc bỏ tiền ra mua máy bay tư, nó rõ ràng rẻ hơn nhiều”.
Bên cạnh đó, máy bay VIP cũng được các khách hàng như ban nhạc chuyên nghiệp, đoàn làm phim, đội thể thao yêu thích. Ngoại trừ phải đi cả nhóm, họ còn lỉnh kỉnh trang phục, máy móc, thiết bị. Tính ra, thuê nguyên một máy bay VIP lại rẻ hơn.