Sống trên núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), bà con sơn dân đã tận dụng đất rừng trồng tre mạnh tông xen kẽ cây ăn trái, từ đó mà có loại măng tre nổi tiếng của vùng núi. Đặc biệt, măng tre muối chua được chế biến thành nhiều món ngon.
Vào tháng 4 Âm lịch hằng năm, khi có vài đám mưa lớn thì bà con bắt đầu thu hoạch măng, có gia đình thu hoạch được 700 – 1.000kg một đợt, thậm chí lúc rộ măng còn thu hoạch tới cỡ 2.000kg một đợt. Do vậy mà giá măng tươi núi Cấm giảm dần theo vụ mùa. Đầu mùa mưa (khoảng tháng 5 – tháng 6) thường có giá 18.000-20.000 đồng/kg; lúc măng rộ (cuối tháng 7) rớt xuống chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg.
Lúc giá măng xuống thấp, các vựa thu mua măng chuyển sang làm măng chua để dự trữ bán trong năm. Quy trình làm măng chua như sau (theo lời bà chủ vựa): măng tươi để nguyên mụt rồi lột vỏ, dùng dao gọt sạch sẽ và bào thành từng lát mỏng, ngâm trong nước có quậy muối cùng nước vo gạo để măng được trắng. Bà con núi Cấm làm hai loại măng chua để vừa có sản phẩm bán ngay vừa có măng dự trữ bán quanh năm. Măng bán ngay được ngâm nước muối lạt, bỏ bọc từng kg, rồi dồn thành bọc 10kg giao cho bạn hàng; măng ăn liền có giá 12.000 đồng/kg.
Măng được ngâm trong lu, trong kiệu, trong phi: mỗi lu 130kg, kiệu 150kg và phi 160kg. Khi ngâm phải đậy kín không cho không khí lọt vào để măng khỏi bị thâm. Trung bình mỗi năm bà chủ vựa dự trữ khoảng 6 tấn măng chua. Măng chua giòn, vị chua đậm đà, có thể ăn kèm với món ăn như rau hoặc dùng như nguyên liệu để chế biến nhiều món: canh chua, xào…
Du khách đến với Thiên Cấm sơn, sau khi tham quan vẻ đẹp hùng vĩ, phong cảnh hữu tình của núi rừng cùng nhiều danh lam thắng cảnh như chùa Phật Lớn (với tượng phật Di Lặc cao 33,6m), hồ Thủy Tiên, chùa Vạn Linh…, thường không quên mang về đặc sản măng chua của núi Cấm.
Thụy Châu (DNSGCT)