Nhân kỷ niệm năm sinh của Cao Bá Quát (1809-1855) – một số phận văn chương bi tráng phi thường, chợt nhớ Lý Bạch (701-762) – Thi Tiên phiêu dật. Dù có niên đại cách nhau những 1.100 năm nhưng Cùng một lứa bên trời lận đận… mà gặp gỡ trong cuộc đời và thi ca đầy những nỗi niềm, giàu khí phách như duyên kỳ ngộ. Học giỏi, chí lớn, tài cao… nhưng khoa cử công danh sóng gió, thăng trầm lận đận, vướng vòng lao lý, lưu đày, tù tội, chết bi tráng khác thường…
Công phu ngoài thơ… cốt cách anh hùng
Cũng đều anh hùng, Tiên Lý tràn đầy tình cảm, hào sảng, mang cảm giác sứ mạng. Thánh Quát đôn hậu, trầm uất lên xuống từ kẻ sĩ hào kiệt đến bi kịch anh hùng khảng khái bi ca mang gánh nặng khổ nạn. Tiên là kiểu thi nhân tận tài tận khí dung hợp văn hóa cao cả và đẹp đẽ trong ánh sáng đầy tưởng tượng bao trùm. Thánh là thi nhân tận tâm tận tình gánh vác khổ nạn chuyển mình văn hóa ngay trong cuộc sống đầy rủi ro bất trắc của bóng tối – máu và nước mắt.
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ – là phương châm chi phối Đạo tri thức phong kiến, nhất là người ưu thời mẫn thế. Lý Bạch tự ý thức Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng… chẳng chịu vào vòng khoa cử. Cũng được vua biết tiếng, nhưng đặt không đúng chỗ, chỉ là văn nhân ngự dụng mua vui… Làm nho sĩ mãi bạc đầu đọc sách chẳng ích chi trong vòng cung phụng, ra đi làm hiệp sĩ khảng khái hào hùng. Đường đi khó, đường đời khó, nhiều ngã rẽ, ta đang ở đâu, chọn lối nào… Đè sóng cưỡi gió hẳn có lúc – Giương thẳng buồm mây vượt biển xanh. Theo đạo Lão, công thành thân thoái… nhưng trong bối cảnh Cát lầm hòn ngọc sáng – Cỏ lấp chồi hoa thơm thì công danh sao thành, chống kiếm viễn du hóa giải bi kịch trong trăng – rượu làm nên sức sống thần – khí – tình ở cái Tôi cá nhân cá tính tự do phóng khoáng mà đơn độc một mình. Thiên tải độc bộ duy công nhất nhân.
Là nhà Nho thứ thiệt, Cao Bá Quát 14 tuổi đã lều chõng đi thi, đỗ cử nhân. Nhưng mấy lần vào Kinh thi Hội không qua, đường khoa cử công danh chẳng nhàn, đầy sóng gió. Cũng trên cao, Đứng trên Hoành Sơn nhìn biển mà nhận thấy Sóng biển trắng xóa như bạc đầu – Gió táp xô vỡ thuyền vạn hộc… Đường công danh đã mấy ai nhàn… Nhận rõ cảnh học bấy giờ chỉ là nhai văn nhá chữ, chẳng ích lợi thiết thực gì. Làm ông giáo. Rồi cũng được triệu vào Kinh, làm Hành tẩu – một chức thư lại ở bộ Lễ. Ấy là hy vọng đã có tài chí thì có thể làm được theo ý muốn của mình. Làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, trọng tài mà phạm tội, lưu đày, mở rộng tầm nhìn. Non xa ngoài bể thẳm – Sóng lớn tiếp trời xanh. Ấy là tầm vóc – bi kịch ở những anh hùng.
Chỉ có điều thơ ca Lý Bạch ở loại mỹ học lãng mạn, dung hợp cả tinh thần tích cực nhập thế của Nho gia để giúp nước giúp đời, cả tinh thần tự do tự tại, thuận theo tự nhiên của Đạo gia, và cả tinh thần khảng khái nghĩa hiệp của kiếm khách. Đại bàng vút bay lay tám cõi – Giữa trời cánh gãy sức kiệt dần – Hơi gió còn chuyển rung vạn thế. Còn Cao Bá Quát vốn mang tên theo hiền sĩ đời Chu như ý nguyện của cha, đau đời – đời đau… Ễnh ương có biết vì dân? Kêu vang nơi bụi rậm – Sao mi kêu quá chậm? – Đêm qua bao người hồi hộp mong mưa. Đầy bản lĩnh, hoài bão nhưng bất lực, dồn tụ chí khí thành tâm huyết ở thơ trong kiểu thi học rủi ro, viết về cuộc sống khốn khổ của con người dưới đáy xã hội rất chi tiết hiện thực gợi cảm, viết về quê hương, vợ con, bạn bè, học trò… thì trữ tình với bút pháp đặc sắc, hình tượng thơ bay bổng lãng mạn… Ấy là thơ tâm trí hợp nhất, vừa có cảm xúc dồi dào, vừa có suy nghĩ sâu lắng của bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng… nặng chí Phá vòng vây bạn với kim ô.
Rượu trăng kiếm tâm khí dung hòa
Ngẫu nhiên vô tình mà tình hiện ra tự nhiên chân thật. Rượu – trăng – kiếm đăng cao vọng viễn như một liên ký hiệu triết mỹ tiếp biến trong thơ Lý – Cao… như sông trôi vời vợi tận trời. Một Lý Bạch Nho sĩ đâu bằng hiệp sĩ – Bạc đầu đọc sách có ích chi. Một Cao Bá Quát phóng tầm mắt nhìn sông Hồng. Quan hà lồng lộng, gợi lên bao ý nghĩa cổ kim – Thân này cớ gì cứ phải làm thơ. Biết vậy… mà thơ cứ như nghiệp ám sinh mệnh. Kim cổ miên man tình đất nước – Sao mình làm mãi một thi ông. Văn võ song toàn là dụng kiếm… nên khổ mạng nghiệp Thư kiếm ân cừu…
Dung hợp cả Đạo gia và Tung hoành gia, Lý mang tính cách hành tung của một hiệp sĩ, thích khách, ẩn sĩ, đạo sĩ, tiên rượu… Rượu – Trăng – Kiếm là bạn đồng hành Người Thơ trên hành trình viễn du. Vung gươm bốn phía lòng mênh mang. Lưỡi kiếm khí phách, yêu nước thương dân, bất bình thế sự, trải nghiệm biên tái, là người trong cuộc nên từ Trăng quan ải mới thấy được xưa nay từ chiến địa chẳng ai về. Do lai chinh chiến địa – Bất kiến kỷ nhân hoàn. Thở dài lòng đau mà vẫn kết Khúc hát dưới ải… Nguyện đeo kiếm bên lưng… Khát vọng chủ quan cao đẹp. Rút dao chém nước… mà hiện thực khách quan nhỏ mọn nước vẫn chảy… dễ sinh bi kịch. May quá chí khí không thành, chuyển hóa tâm huyết. Đường đi khó, đường đời khó… kết thúc vẫn khí phách. Thôi ta hãy trở về – vỗ kiếm ca đường khó.
Hành trình Cao Bá Quát đi từ sách vở đến chiêu binh mãi mã chống lại triều đình cũng là trục Thư kiếm ân cừu. Vốn mang khí phách Nhất sinh đê thủ bái mai hoa, mang bệnh vì dân vì nước, ý thức về mình trong đường kiếm sánh Tô Địch, lòng thơ với Lý Bạch. Múa thua Tô Địch, vẫn cần kiếm – Thơ kém Trường Canh, cũng rụng sao. Từ cảm hoài đêm cô độc. Tựa gối nhìn thanh kiếm dài – Gọi đèn xem lại áo bông rách đã nuôi dưỡng khí. Đến buổi sáng qua sông Hương vốn êm đềm mỹ lệ… bỗng đầy hào khí, sông dài như thanh kiếm dựng giữa trời xanh. Trường Giang như kiếm lập thanh thiên. Ấy là cái nhìn miên viễn sông nối trời mang ý nghĩa thanh lọc, xóa tham vọng, nuôi khát vọng, rộng tâm chân – thiện – mỹ. Cho đến bài ca trăng thu Trà Giang vẫn là hành trình tráng ca. Trượng phu chống kiếm đi thì đi – Đừng buồn như đàn bà trong lúc phân ly. “Thơ Cao Bá Quát là chí khí và tâm huyết” (Xuân Diệu).
Làm nghệ sĩ ai chẳng thích rượu. Nhưng ngược lại, chẳng phải ai thích rượu cũng hóa thành nghệ sĩ. Kẻ sĩ ngày trước trong vòng chí – đạo càng như vậy. Ngôi sao Thái Bạch – Thanh Liên cư sĩ và Chu Thần – Cúc Đường – Mẫn Hiên gặp nhau trong ly rượu giản dị mà cao đẹp, bình thường mà hiếm quý, một hơi thơm đất trời.
Loại thơ tự biểu hiện mình – một con người giàu tình cảm, một cá tính tự do phóng khoáng của ông Tiên trong làng rượu… đặc biệt trong chùm thơ rượu với những kiệt tác Tương tiến tửu, Bá tửu vấn nguyệt, Nguyệt hạ độc chước, Xuân nhật độc chước, Đối tửu… Dường như thơ Lý Bạch càng say càng hay tự nhiên. Giơ đao chém nước, nước vẫn chảy – Cất chén tiêu sầu, sầu càng sầu là tình điệu cơ bản, âm hưởng chủ đạo trong thơ Lý Bạch.
Lý dưới trăng uống rượu một mình, nâng chén mời trăng sáng, với bóng ta ba người. Cử bôi yêu minh nguyệt – Đối ảnh thành tam nhân. Cao từng Cất chén thử mời trăng – Trăng đi vào trong chén. Và hóm hỉnh ân tình mời cả sóng. Mời sóng vì ta cạn chén đưa – Tuổi xanh ta chỉ thích vui đùa. Thật hồn nhiên đằm thắm trong sân chầu vũ trụ. Thiên nhiên là niềm tự hào của đất nước. Sông mềm nữ tính, núi vững tài tử… qua men rượu trữ tình. Sông tựa dải là cô gái đẹp – Núi như chén ốc khách làng say.
Mở đầu Đối tửu, Lý mời… Xin anh đừng buông chén – Xuân đang cười với ta... và kết ngẫm Nếu anh không uống rượu – Sao biết người xưa ở đâu. Ấy là mời Cao và đồng vọng với mỗi chúng ta. Đây là hai người như trăng – bóng – ta. Tình cờ hóa tương tri – Hẹn gặp nhau sông sao trên trời. Tri kỷ uống rượu dưới trăng. Ba chén thông đạo lớn – Một chén hợp tự nhiên. Và ngay trong bài phú Nôm tuyệt tác Tài tử đa cùng thể hiện tâm hồn và khí phách với ngôn ngữ có tiết tấu nhanh khoáng đạt tạo nên một ngữ điệu mới như một luồng chính khí, Cao đã kiêu hãnh mời rượu Lý. Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại – Chén tiêu đàm mời mọc Trích tiên…
Kiếm – rượu trong trăng dung hợp nên Đạo. Thơ trăng của Lý Bạch giản dị tự nhiên mà huyền ảo vô cùng, trong sáng mà đầy nỗi niềm. Trăng quê hương, trăng trên núi, trăng trên sông, trăng với sử sách, trăng ở quán trọ, trăng với ly rượu, trăng một mình cô đơn… Ấy là sự hài hòa đồng nhất cao cả và đẹp ở phong cách Thanh thủy xuất phù dung. Trăng như chiếc gương của trời, rất giản dị gần gũi mà ấn tượng mới mẻ, thực tự nó mà cũng rất đỗi siêu phàm. Trăng chiếu xuống như chiếc gương trời bay… Nhìn tranh Lý Bạch bắt trăng, thấy trăng trong vẻ đẹp thiên nhiên, trong giấc mơ khát vọng, trong bằng hữu cố nhân, trong dung nhan phụ nữ đẹp như hoa kiên trinh như ngọc.
Viết về thiên nhiên, đặc biệt là vầng trăng – Cao Bá Quát có nhiều điểm gặp gỡ Lý Bạch, nhất là thể hiện cái đẹp và nỗi niềm bất đắc chí. Làm thơ nhanh theo kiểu ứng khẩu thành chương nhưng ít bó hẹp cảm xúc trong giới hạn cụ thể một vầng trăng mà liên tưởng, mở rộng, nâng cao. Rượu – hoa – người đẹp dưới bóng trăng là motif thường gặp trong thơ cổ điển. Trong buổi giao thời, lại bị lưu đày, vậy mà Cao Bá Quát là thi nhân Việt Nam đầu tiên đưa hình ảnh người đàn bà Tây Dương vào thơ. Tựa vai chồng ngồi dưới ánh trăng – Níu áo chồng nói chuyện ríu rít. Trăng hóa thân đồng nhất chủ thể trữ tình, khép ngoại cảnh mở nội tâm. Trăng sông Trà dung hợp cái hào sảng và niềm bi tráng. Dường như ở tả ngạn sông xanh, hiển hiện cả núi Thiên Ấn tự trời cao. Mở đầu, nghi vấn tu từ tỉnh thức. Đêm nay vì ai mà trăng sáng – Quan sơn muôn dặm trắng xóa một màu. Nỗi niềm cất chén mời trăng. Đời người gặp gỡ nhau được mấy – Có rượu hãy uống với trăng sông Trà! Và kết tự nhủ soi mình như trăng trong nước, ngọc quý hồ sâu. Trượng phu chống kiếm đi thì đi – Chẳng cần bịn rịn lúc phân ly. Chia cách, phân ly… vẫn trong một vầng trăng đồng nhất ta – người – cố nhân – tri kỷ tri âm.
Cao rộng chân trời năng lượng sống
Chí khí chưa thành, dồn tụ tâm huyết. Kiếm – rượu – trăng chỉ thực sự có ý nghĩa khi đặt trong không gian thẩm mỹ lên cao hướng trời. Ấy là tầm vóc chiếm lĩnh của tâm thức, của tư duy, của tuệ nhãn… mà thơ Lý – Cao nói nhiều đến thiên lý, vạn lý, tràng giang, thiên địa, càn khôn… Lên cao là bước vào lòng vũ trụ, hòa nhập thiên nhiên, ý thức về mình, nhìn xa trông rộng, thể hiện khát vọng, bộc lộ nỗi niềm… của bậc Trí Nhân.
Lãng mạn như Thi Tiên thì mãi bay trong ánh sáng. Lên cao trông bốn biển – Trời đất rộng mênh mang. Ngồi một mình với núi Kính Đình, cô độc ngọt ngào trong bào thai vũ trụ. Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn. Dù là chim bằng gãy cánh giữa tầng không, là kình ngư nằm vắt ngang qua đại dương… vẫn canh cánh khát vọng đè sóng cưỡi gió vượt biển khơi. Thơ chữ Hán của Chu Thần từ thời còn trẻ đã tỏ rõ tâm hồn cao rộng. Chẳng nhìn hùng tráng sóng xô – Làm sao biết được lòng đo vạn trùng. Giàu nội lực chí khí như Cao thì đo chí hướng bằng tầm vóc đăng cao vọng viễn như không gian quan niệm, không gian thẩm mỹ. Cánh chim tự do, trèo lên đỉnh núi, hát vang gửi lòng vào mây nước. Ngã dục đăng cao sầm – Hạo ca ký vân thủy. Đường đời chẳng dễ, đường công danh sóng gió. Đất trời đau nỗi bàn tay lẻ – Mây khói che đường chí khí to. Chân chạm đất, đầu nối trời, chí khí – tâm huyết hóa tay thơ. Tự biết, tự tin, tự trọng, tự tại… ở tư thế của kẻ có tài năng, bản lĩnh, phẩm hạnh. Như Bài ca đi trên cát, dù Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây… vẫn tự tỉnh thức Anh còn đứng làm chi trên cát… mà hào sảng trong lời tự nhủ. Thương cho mình hai chân ngắn quá – Cũng may còn giữ được tấm lòng bẩm sinh. Thương thân mình, ý thức về mình là ý thức cá nhân làm tiền đề cho ý thức nhân quyền cộng đồng.
Ngẫm lại, kẻ sĩ Nho gia quan niệm Người nhân thích núi, người trí thích nước, mà nhân được đánh giá cao hơn trí, hứng thú đăng sơn lâm thủy thì thích đăng hơn lâm, đứng trước biển quả không nhiều. Biển mang lại cho thi nhân nhiều cảm hứng, điểm nhìn mới… Về mặt này, đăng cao vọng viễn trong thơ Lý – Cao gợi nhiều suy nghĩ tích cực văn hóa biển đảo trong cái nhìn tham chiếu. Đặc biệt là Cao Bá Quát đi “dương trình hiệu lực” (1844), nhận ra hiểu biết của mình còn quá ít ỏi trước biển trời bao la lạ lẫm, nhận ra sự khác biệt về kỹ thuật và văn hóa giữa Tây và Ta. Nhận thức mới, cảm hứng mới từ biển giúp con người nhạy cảm như Cao nhận ra một tình thế mới, yêu cầu mới đối với đất nước.
Chu Thần từng nói: Kiếp trước mình chính là Trang Chu, mình là kiếp sau của Lý Bạch, kiếp sau của Tô Đông Pha, nếu mình thử song bộ học lối vừa đi vừa hát thì giữa mình với Khuất Nguyên, ai thực Ly Tao? Chẳng buông mình, chẳng trôi xuôi, ngược sóng nối trời xanh. Nhân nhờ bác nhắn người quen biết – Lý Bạch lúc này đang giả điên – Riêng tôi còn khỏe không chết, chỉ mắc chứng điên mà thôi! Những kẻ điên cá tính – thức tỉnh, đầy bản lĩnh và giàu giá trị nhân văn.
Cả Thái Bạch và Chu Thần đều giỏi lối thi pháp thậm xưng kết hợp trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo thủ pháp nhân hóa, phong cách mạnh mẽ mà trong sáng, triết mỹ mà tự nhiên, trữ tình mà đau đáu… ở tài khí (sức mạnh tinh thần của tài năng), chí khí (sức mạnh tinh thần của tư tưởng) thăng hoa nên từ khí (sức mạnh tinh thần của ngôn từ) mà cho ta một loại năng lực tinh thần. Lý – Cao là dạng phẫn nộ xuất thi nhân, bất đắc kỳ bình tắc minh… ở dũng khí đảm lược, tiến bộ và đáng quý. Nói như người xưa một duyên hai nợ ba tình. Có duyên gặp được nhau là kỳ ngộ. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Nghệ thuật sống an nhiên chẳng nợ nần gì nhau. Còn tình ở mỗi chúng ta tự tương tác cân bằng trong hiện hữu. Sống gửi thác về. Đất trời là quán trọ. Hành trình cuộc đời – hành trình thơ. Tình là gốc, lời là cành, thanh là hoa, nghĩa là quả (Bạch Cư Dị). Ôi… Thơ là điều khó nói, Cao đã kêu lên. Phù, chi thi, nan ngôn dã. Thơ hay, có hồn… đáo nhập vào hồn người đọc, hiển lộ trọn vẹn sinh kiếp này…