Nam bộ nói chung hay ở Sài Gòn – TP.HCM nói riêng, đình làng luôn là nơi lưu truyền truyền thống quê hương bản quán của mỗi cộng đồng, của từng lớp cư dân người Việt.
Đình Nam bộ thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa Nam bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ đã có sự tiếp nhận nhiều yếu tố mới và biến đổi yếu tố cũ trong kỹ thuật sản xuất, lối sống, sinh hoạt, văn hóa cộng đồng… để phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội mới. Thiết chế đình làng ở Nam bộ không nằm ngoài “quy luật” đó.
[1]
Theo nhà văn Sơn Nam (1), ở vùng đất Nam bộ đình làng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: có xây dựng đình thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì “làng” chỉ như lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể. Cho nên, người lưu dân lập làng ở đâu, dựng đình ở đó.
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Khánh lại có một nhận định thú vị và chính xác: đình Nam bộ có lẽ đáng chú ý hơn các nơi khác vì đó còn là “biểu tượng” văn hóa của quốc gia. Đối với người Nam bộ, đình là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của lưu dân… Vẻ uy nghi của đình, ngoài căn nguyên tín ngưỡng, còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi” được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá, bảo vệ đất đai làng xóm. Vì vậy, bảo tồn, gìn giữ sự hiện diện của đình làng là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai (2).
Với ý nghĩa đó, ở Nam bộ nói chung hay ở Sài Gòn – TP.HCM nói riêng, đình làng luôn là nơi lưu truyền truyền thống quê hương bản quán của mỗi cộng đồng, của từng lớp cư dân người Việt. Đình là nơi thờ cúng và ghi nhớ công lao các bậc tiên hiền, hậu hiền khai hoang lập ấp. Đình làng là “không gian cộng cảm” của cộng đồng về những ký ức chung, những sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng, văn hóa chung.
[2]
Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa nhanh chóng trên phạm vi cả nước, trong đó có TP.HCM, đã tác động không nhỏ đến thiết chế văn hóa truyền thống, nhất là đối với sự tồn tại các ngôi đình. Do đó, đình lại càng quan trọng vì đó là không gian lưu giữ, nhắc nhở về những giá trị tinh thần của quê hương bản quán và quê hương mới. Trong xã hội đô thị phát triển nhanh chóng theo tốc độ internet thời đại toàn cầu, những liên hệ cội nguồn đang bị xao lãng, quan hệ “tình làng nghĩa xóm” ngày càng lạt lẽo… thì ngôi đình là “cái neo” giữ an toàn cho những mối quan hệ ấy.
Ở TP.HCM hiện nay, lễ kỳ yên (cầu an) vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngôi đình xưa. “Làng cổ” khu Hòa Hưng còn lưu giữ một mỹ tục: khi gia đình trong làng có dâu rể mới đều đưa đến đình Chí Hòa thắp nhang “trình ông” cho được làm cư dân mới của làng (3). Hoàn cảnh lịch sử đã gắn bó những con người từ nhiều nguồn gốc với nhau nhờ lòng trắc ẩn, sự cưu mang, từ quan hệ “bà con lối xóm” đến quan hệ làm ăn buôn bán, gắn bó trong đời sống tinh thần từ nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh, biết ơn các vị “tiên hiền, hậu hiền”…
Để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình trong đời sống đô thị hiện đại, cần chú ý bảo vệ và nâng cao hai yếu tố quan trọng của đình làng: thứ nhất là vai trò, ý nghĩa của đình làng đối với cộng đồng địa phương; thứ hai là chức năng của đình làng phải đáp ứng nhu cầu đời sống hiện đại. Từ đó đình ở thành phố sẽ gắn bó hơn với cộng đồng và đáp ứng nhu cầu đời sống hiện đại; sinh hoạt văn hóa của đình cần đa dạng, phong phú hơn đồng thời bảo tồn tốt những lễ hội cổ truyền.
Việc quy hoạch đình làng thành trung tâm, hạt nhân của khu đô thị, khu dân cư mới là một phương án khả thi. Có thể học tập kinh nghiệm một số nước châu Âu từ việc quy hoạch, xây dựng những thành phố, khu đô thị mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy vai trò của di sản văn hóa địa phương, đặc biệt là bảo tồn những nhà thờ cổ mà về khía cạnh xã hội thì ý nghĩa, chức năng tương tự đình (làng) ở nước ta.
Những sinh hoạt khác phù hợp điều kiện cụ thể của đô thị như tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống (đờn ca tài tử, cải lương, hát bội…) với quy mô nhỏ ở đình làng để giới thiệu di sản văn hóa truyền thống cho cộng đồng, nhất là cho giới trẻ. Đồng thời bảo tồn, duy trì lễ kỳ yên hàng năm với nghi thức truyền thống, hạn chế sự tham góp của yếu tố hiện đại không phù hợp, làm biến dạng và giảm giá trị của lễ hội cổ truyền (4).
[3]
Trong đợt khảo sát các di tích lịch sử văn hóa chưa được xếp hạng tại TP.HCM vừa qua, chúng tôi ghi nhận một tình trạng khá nan giải đối với nhiều đình làng. Đó là những ngôi đình có tuổi đời chỉ trên dưới trăm năm, sử dụng vật liệu hiện đại, kiến trúc công trình mang nét truyền thống nhưng trang trí nội thất và mỹ thuật khá đơn giản hoặc “tích hợp” nhiều phong cách mỹ thuật. Trong đình có khi có nhiều đối tượng thờ cúng: thờ thần (có hoặc không có sắc phong), thờ tiên hiền, hậu hiền; thờ các chiến sĩ và đồng bào trận vong, nhiều đình thờ Hồ Chủ tịch…
Hiện tượng này phản ánh hoàn cảnh lịch sử và điều kiện đặc thù của vùng đất Sài Gòn/Nam bộ: trong quá trình hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ tiếp nhận nhiều yếu tố mới và biến đổi yếu tố cũ trong kỹ thuật sản xuất, lối sống, sinh hoạt, văn hóa cộng đồng… để phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội mới, kể cả thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh. Do đó, việc thành lập đình và duy trì sinh hoạt/lễ hội đình làng có ý nghĩa và gắn liền với lịch sử – văn hóa cộng đồng chứ không chỉ ghi dấu ấn một cá nhân hay một sự kiện, giá trị kiến trúc nghệ thuật nếu so sánh với những công trình khác thì có phần hạn chế hơn.
Vì vậy khi áp tiêu chí loại hình lịch sử – văn hóa trong Luật Di sản Văn hóa vào những ngôi đình này thì không đủ, mà đưa sang tiêu chí loại hình “kiến trúc nghệ thuật” thì không phù hợp. Từ thực tế đó, nên chăng, tiêu chí kiểm kê và xếp hạng di tích cấp địa phương cần có điều khoản “mở” và tiêu chí “mềm” thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện lịch sử – văn hóa cụ thể của từng vùng miền.
Quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa nhanh chóng ở TP.HCM đã tác động không nhỏ đến thiết chế văn hóa truyền thống, nhất là đối với sự tồn tại các ngôi đình. Nhu cầu của cộng đồng địa phương là cần đưa công trình vào danh mục kiểm kê và hướng tới xếp hạng để bảo vệ, bảo tồn vì trên thực tế những công trình này vẫn đang phát huy giá trị tinh thần nhất định đối với cộng đồng.
Điều cần làm ngay khi những ngôi đình chưa được xếp hạng di tích là chính quyền hỗ trợ các ban quản lý, ban trị sự về phương thức hoạt động, nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng, từ đó tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho cộng đồng tổ chức các hoạt động. Hiện nay có nhiều đình đã bổ sung nhân sự ban quản lý, ban trị sự là người mới về hưu, còn sức khỏe, có tâm huyết, năng động hơn trong điều hành và kế thừa, thực hành các nghi lễ trong sinh hoạt tại đình. “Sức sống” của đình tại các đô thị hiện đại là nhờ chính sách thiết thực của chính quyền và sự gắn kết, tham gia của cộng đồng dân cư.
– Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích TP.HCM
________