Luật cấm sử dụng túi nhựa sau một thời gian được áp dụng tại nhiều nước châu Phi như Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Mauritania và Malawi, nay đang diễn ra cao điểm tại Kenya.
Bắt đầu từ cuối tháng 8 vừa qua, quốc gia Đông Phi này đã chính thức thi hành luật cấm túi nhựa nghiêm ngặt nhất thế giới. Theo đó, người sử dụng, buôn bán hoặc sử dụng túi nhựa sẽ đối mặt với mức phạt tối đa lên đến 40.000 USD hoặc bốn năm tù. Chính phủ Kenya cho biết mức phạt tối thiểu đối với các hành vi trên là 19.000 USD hoặc một năm tù. Việc sử dụng túi nhựa cho các mục đích sản xuất, chẳng hạn như đóng gói sản phẩm sẽ được miễn hình phạt.
Tại thủ đô Nairobi của Kenya, mọi người dễ dàng bắt gặp túi nhựa nằm vương vãi đầy đường phố. Tại các bãi rác, túi nhựa được chất thành nhiều đống cao.
Nếu thực trạng này tiếp tục kéo dài, đến năm 2050, chúng ta chứng kiến lượng túi nhựa ở biển nhiều hơn cá – Habib El-Habr, một chuyên gia về rác biển của UNEP, nhận định.
Các nghiên cứu cho thấy phải mất từ 500 đến 1.000 năm, các túi nhựa mới bị phân hủy hoàn toàn.
Samuel Matonda, người phát ngôn của Hiệp hội Các nhà sản xuất Kenya, cho biết luật cấm túi nhựa sẽ khiến 60.000 việc làm bị mất và buộc 176 nhà sản xuất phải đóng cửa vì Kenya đang là nhà xuất khẩu túi nhựa với số lượng lớn ra khắp khu vực.
Vài năm trở lại đây, việc sử dụng túi nhựa, được xem là nguy hại cho môi trường, đang bị hạn chế dần ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ Australia đến Vương quốc Anh, cho tới cả Mỹ, các chính trị gia và các đoàn thể cũng đang cân nhắc vấn đề cấm hoặc đánh thuế túi nhựa. Gần đây nhất, từ tháng 6-2008, Trung Quốc đã ra chính sách cấm sử dụng hoàn toàn túi nhựa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho môi trường trong tương lai.
Trước đây, vì sự tiện dụng mà túi nhựa hay túi nylon đã được người tiêu dùng ở khắp thế giới ưa chuộng và sử dụng khá nhiều. Điều đó, đã dẫn đến một lượng rác thải khổng lồ từ loại túi này ngày càng gia tăng và gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, rác thải nhựa không phân hủy thành các chất vô hại, mà phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài. Khi bị đốt cháy, gặp hơi nước các chất này sẽ tạo thành acid Sulfuric dưới dạng các cơn mưa acid, rất có hại cho hệ hô hấp của người và động vật. Tệ hơn, túi nylon làm bằng nhựa PVC có chứa clo, khi cháy tạo ra chất dioxin và acid Clohydric vô cùng độc hại.
Nhiều siêu thị tại Pháp, Hà Lan đã không phát túi nhựa đựng đồ. Khách hàng được khuyến khích mua các túi đựng hàng lớn bằng túi tự hủy hoặc giấy.
Ngay từ năm 2003, ở Ireland đã khuyến khích công chúng tại đây hạn chế sử dụng túi nhựa mà thiên về những loại túi vải tái sử dụng. Những loại bao tải nhựa cũng bị đánh thuế ở Ý và Bỉ. Còn ở Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy, những người kinh doanh tạp phẩm sẽ phải trả thuế cho những loại bao tải nhựa.
Lệnh cấm túi nhựa đang được thế giới ủng hộ và sẽ còn được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nữa. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì không ô nhiễm môi trường đã bắt đầu vào cuộc.
- A.T tổng hợp
Xem thêm:
- adidas cam kết không sử dụng túi nhựa trên toàn cầu
- Hãy cẩn thận với các loại chai nhựa
- Túi trong suốt nổi bật