Đến Sa Pa, tôi thích nhất được nghe tiếng gà đâu đó trong bản chào ngày mới. Mở toang cửa sổ phòng ngủ, từ ban công nhìn ra thung lũng Mường Hoa, bản Tả Văn… mờ sương. Các thung lũng nơi này, cũng như nhiều nơi khác ở Sa Pa từng sục sạo qua bao nhiêu lần, nhiều chuyến đi, mỗi lần một cảm xúc.
Những năm gần đây, tất cả mọi thứ với mình không còn như thuở ban đầu nằm trên chiếc xe lửa ọp ẹp từ Hà Nội lên Sa Pa trong cái giá lạnh lúc bốn giờ sáng của tháng 10 mùa đông phương Bắc. Không thể nhận ra nơi đây còn nhiều chi tiết quyến rũ từ truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long.
Trước đây, nếu đi ôtô từ Hà Nội lên Sa Pa, khách mất ít nhất trên bảy tiếng đồng hồ. Đi bằng tàu lửa thời gian kéo dài hơn. Sau ngày 21-9-2014, khi khai thông cao tốc Hà Nội – Lào Cai, theo ôtô chỉ mất khoảng bốn tiếng đồng hồ, được lợi hơn về thời gian rút ngắn và đỡ mất sức. Ngoài ra, trải nghiệm cảnh đẹp và yên bình của hai bên đường trong suốt hành trình cao tốc, cũng mang lại ấn tượng đối với lữ khách.
Cũng chẳng phải đơn giản người Pháp, nơi có nền văn hóa lớn và gu du lịch sành điệu sớm chọn nơi đây làm điểm nghỉ dưỡng của họ. Theo thống kê, nơi từng có 300 biệt thự lớn nhỏ do người Pháp xây dựng. Tiếc, qua thời gian, những ngôi biệt thự kiến trúc độc đáo không còn, hoặc biến dạng, thay vào đó khuôn mặt tân thời khen không được mà nếu chê thì… Nhìn nhà cửa, quán xá Sa Pa lổn ngổn, lộn xộn và mất đi kiến trúc độc đáo khác biệt của “thị trấn trong sương”, cảm thấy nhiều nuối tiếc cho một dung nhan mỹ nhân.
Sa Pa, năm 2016, thành đại công trường. Những con phố ồn ã lên, bất luận ngày thường hay cuối tuần. Lang thang lại các cung đường trong phố và qua các bản, nhìn thấy những khách sạn hoành tráng đã và đang mọc lên khắp nơi, tìm mọi cách chiếm không gian nhìn ra thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát… Những con phố nhỏ tại trung tâm thị trấn ban ngày đã thấy tung lên bụi nhiều hơn các năm trước vì mật độ di chuyển của phương tiện ôtô và đường sá xuống cấp nhanh, trong khi vắng mảng hoa, nơi mà những con phố cổ, những thị trấn du lịch phương Tây xây nên hình ảnh xinh xắn đến ngạc nhiên mà chẳng cần tốn bao nhiêu kinh phí…
Sự bùng nổ trong xây dựng của một tuyến điểm cho thấy, tuyến điểm ấy đang chiếm chỗ đứng cao trong lựa chọn của du khách. Nhưng, giá như, sự bùng nổ của các công trình tại Sa Pa đi theo cách đúng mô hình lựa chọn thị trấn nghỉ dưỡng lãng mạn, khơi gợi kỷ niệm có lẽ sẽ là điều chẳng có gì đáng để suy tư. Cũng đã tham gia nhiều cuộc hội thảo, nghe nhiều hoạch định chiến lược cho du lịch Sa Pa, với sự tham gia của các nhà tư vấn đến từ nước ngoài, trong đó có các kiến trúc sư Pháp. Nhưng thực tế nhìn nhiều công trình bê tông cốt thép đang thi nhau chen chúc xây lên, chẳng biết có nằm trong chiến lược tổng thể không?
Sa Pa sẽ đi về đâu nếu mai này thiếu mây mù la đà thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Ngòi Dum, Mã Tra, Tả Thìn, Tả Van… và vắng bóng sinh hoạt của bà con dân tộc H’Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó tại những cung đường, phiên chợ vùng cao, những lễ hội sắc màu?
Có một đêm khuya, lang thang phố và cuối cùng vào quán mát-xa chân vừa để nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn, vừa có dịp trò chuyện với cô gái người dân tộc bản địa. Bất ngờ nghe cô ấy tâm sự: em rất thích sống ở Sài Gòn!
Hình như, đã từng nghe câu nói này của chính người bản xứ ở nhiều nơi khác, chứ không riêng Sa Pa. Có khi, cái đẹp là cái lạ. Những khi nghe những người bản xứ buột miệng câu cảm thán như cô gái ở Sa Pa, cá nhân mình hy vọng chỉ là mong ước nhất thời của thiếu nữ đang xuân cần thay đổi không khí sống, thích tìm kiếm những vùng đất khác nơi mình sinh ra và lớn lên, chứ không phải khởi nguồn từ niềm cô độc.
Cô độc, thường xuất hiện nhiều nơi lữ khách suy tư, như một đặc ân, một sở thích kiếm tìm hạnh phúc! Nếu cô độc xuất hiện đa số người bản địa khi nhìn quê hương xứ sở của chính họ – nơi sở hữu tuyến điểm đẹp và thi vị, sẽ là câu chuyện mang tính thời sự đang gióng lên từ ngành kinh doanh công nghiệp không khói toàn cầu, mang tính từ: thiếu bền vững.
- Ảnh Tiến Đạt
Xem thêm:
Trải nghiệm khó quên tại Giải chạy vượt núi ở Sa Pa