Sau “Tự Tình Lúc 0 Giờ”, “Đảo Ký Ức” tiếp tục là một dự án chữa lành cảm xúc của nhà văn, MC Liêu Hà Trinh và đưa những nhân vật đang chịu tổn thương bước ra ánh sáng.
Trong những năm gần đây, nhà văn – MC Liêu Hà Trinh là nhân vật truyền cảm hứng sống tích cực cho giới trẻ từ những dự án talkshow hay những quyển sách chứa đựng nhiều thông điệp bổ ích. Hầu hết các sản phẩm cô thực hiện đều giúp khán giả tìm được ánh sáng cuối đường hầm.
Tiếp nối hành trình “chữa lành” cảm xúc, nữ tác giả của 2 quyển sách “Anh” – “Em” thực hiện dự án “Đảo Ký Ức” với góc nhìn được “điện ảnh hóa”. Trong chương trình, MC Liêu Hà Trinh cùng với nhà báo – MC Trác Thúy Miêu sẽ là người dẫn dắt mạch cảm xúc, đưa ra những góc nhìn cá nhân khi lắng nghe câu chuyện thật của một nhân vật. Đồng thời, mỗi tập sẽ có sự đồng hành của Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A để lý giải từ những góc nhìn tâm lý, đưa quan điểm được bảo chứng bằng khoa học để lý giải những hành vi của khách mời.
Khác với talkshow “Tự Tình Lúc 0 giờ” khi MC Liêu Hà Trinh sẽ cùng với nghệ sĩ nổi tiếng trải lòng với về một lá thư được gửi tới, “Đảo Ký Ức” là nơi để chủ nhân của mỗi câu chuyện xuất hiện, đối mặt với những vết thương còn đang “rỉ máu” và từ đó sẵn sàng buông bỏ nỗi đau đã qua. “Khách mời” của talkshow “Đảo Ký Ức” hoàn toàn là những người bình thường, tìm đến MC Liêu Hà Trinh với mong muốn được chữa lành những tổn thương khi bị “mắc kẹt” trong quá khứ của mình.
Ngoài việc đưa nhân vật ra ánh sáng, mỗi câu chuyện còn được “điện ảnh hóa” dưới bàn tay của đạo diễn Hoàng Sĩ Đăng, cho khán giả cảm nhận rõ hơn những mấu chốt dẫn đến vết thương tâm lý cắm sâu vào ký ức của khách mời. Dù chỉ được tái hiện dưới hình thức phim ngắn, mỗi tập phim ít nhiều sẽ tìm được sự đồng cảm ở khán giả. Thậm chí người xem có thể tìm thấy những “mảnh vỡ” từ câu chuyện của nhân vật chính. Trước đó, đạo diễn Hoàng Sĩ Đăng cũng từng đồng hành với MC Liêu Hà Trinh để thực hiện 3 mùa thành công của “Tự Tình Lúc 0 giờ”.
Với góc nhìn đa chiều và lý giải bằng khoa học, “Đảo Ký Ức” hy vọng sẽ là một talkshow tâm lý giúp khách mời tìm được những giải pháp chữa lành những tổn thương, hướng đến cuộc sống tươi đẹp và suy nghĩ tích cực.
Ở góc nhìn là nhà sản xuất, kết nối với khách mời, MC – nhà văn Liêu Hà Trinh cho biết: “Những câu chuyện được chắt lọc và kể trong “Đảo Ký Ức” đều dựa vào góc độ khi nhân vật đó bị mắc kẹt tại một ký ức quá lâu. Điều này dần trở thành nỗi ám ảnh hoặc nỗi đau về tinh thần và khiến họ trở nên sống tiêu cực, sợ hãi khi đối diện với thực tại. Khi sản xuất chương trình, tôi cùng ê-kíp mong muốn chính khách mời phải mạnh dạn bước ra ánh sáng để đối mặt với nỗi sợ của họ, lắng nghe suy nghĩ khách quan của những người từng trải và tìm hiểu về mặt phân tích khoa học của Tiến sĩ Tâm lý. Tổng hòa lại, chính nhân vật sẽ hiểu rõ lý do vì sao mình bị “mắc kẹt” và tự tìm chìa khóa thoát khỏi căn phòng đen tối đó”.
Trong tập 1 đã lên sóng, khách mời là một bạn nữ từng trải qua hôn nhân không hạnh phúc, chịu tổn thương về thể xác lẫn tinh thần từ những lần bạo hành gia đình. Biến cố này đã phần nào đã ảnh hưởng trực tiếp đến đôi mắt và khiến bạn không dám mở lòng sống để tìm kiếm thêm sự yêu thương. Sau khi công chiếu, cùng với chia sẻ từ 2 MC Trác Thúy Miêu và Liêu Hà Trinh, và cách lý giải những chấn thương từ Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, nhân vật đã có thể mạnh dạn và tự tin hơn để tiếp tục cuộc sống mới của mình. Cũng sau tập đầu, “Đảo Ký Ức” dù là một talkshow mang hương vị mới, “nặng đô” về tâm lý và không có tính chất giải trí nhưng may mắn nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Nhiều khán giả cũng từng là nạn nhân của việc bạo hành gia đình, sống trong ám ảnh của hôn nhân cũ cũng tìm được “liều thuốc” chữa lành cho bản thân.
Ở tập 2 vừa lên sóng, nam chính là một bạn trẻ mang nỗi sợ mất mát và sợ mất đi người thân cuối cùng là chị 2. Theo lời kể, khách mời đã lớn lên trong tình yêu thương của Ngoại, Mẹ và chị 2 nhưng trong suốt giai đoạn khi còn đủ đầy thành viên, bản thân đã hời hợt, không quan tâm nhiều đến gia đình cho đến khi Bà Ngoại và Mẹ lần lượt qua đời. Cú sốc liên tiếp này đã khiến bạn sống trong sự bất an và lo cho người chị đang sống ở xa. Đến với chương trình, khách mời có mong muốn lớn nhất là giãi bày nỗi lòng và mong chị 2 ở xa có thể nghe được, sớm quay về Việt Nam.
Đặc biệt, từ câu chuyện của nhân vật, MC – nhà báo Trác Thúy Miêu lần đầu kể về bố đã qua đời, xúc động đến nghẹn lời, rơi nước mắt khi khơi lại vết thương lòng trong tim. Cô bồi hồi nói: “Bản thân chị đến giờ vẫn chưa định nghĩa được “cái chết”. Chị không hiểu nó luôn. Ủa là sao? Chị không cảm nhận được nó. Chị không ý thức được sự ngừng lại, tại vì nó không hề ngừng lại bên trong mình. Tại vì tình yêu đó không hề ngừng lại. Giá như nó ngừng lại, giá như nó lạnh ngắt, giá như nó được đưa xuống ngọn lửa của Bình Hưng Hoà. Giá như mình cảm thấy tình yêu bị đốt cháy và chết. Nhưng nó không biến mất. Chị không hiểu, tại sao người ta nói Ba chị chết. Chị không hiểu. Tại chị vẫn nói chuyện với ba mỗi ngày. Ba lại dạy cho chị một bài học nữa về tình yêu đó là cái chết không làm nó ngừng lại”.
Từ lời kể của nữ MC, khán giả cảm nhận Trác Thúy Miêu dành tình cảm rất lớn dù đã chia xa bố. Với cô, “cái chết” không phải là sự kết thúc, không làm tình cảm hay “sợi dây kết nối” mất đi. Hơn hết, những giá trị về gia đình vẫn còn tồn tại nghĩa là họ vẫn “sống” và hiện diện trong cuộc đời của mỗi người. Chấp nhận nỗi đau không còn người bố bên cạnh nhưng tâm vẫn hướng về ông, MC Trác Thúy Miêu có thêm nhiều nghị lực để sống tốt hơn mỗi ngày.
Sau những trải lòng từ chính nhân vật và 2 host của chương trình, khán giả cũng tự tìm được câu lời mà Liêu Hà Trinh gửi gắm từ ban đầu: “Nếu gia đình vẫn mặc nhiên ở đó, vậy tại sao chúng ta luôn cảm thấy cô đơn trống trải như vậy?”. Cùng với MC Trác Thúy Miêu, Liêu Hà Trinh nhắn nhủ đến những người trẻ đang còn bận rộn hãy hướng về gia đình và chăm sóc người thân khi còn có thể.