Liên hoan phim lần này diễn ra từ ngày 10 đến 14-10-2012 tại ba điểm chiếu là hội trường lớn Trường ÐH KHXH&NV (10-12 Ðinh Tiên Hoàng, Q.1), ÐH Văn hóa (51 Quốc Hương, Thảo Ðiền, Q.2), Trung tâm Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (7 Phan Kế Bính, Q.1) và hoàn toàn miễn phí cho khán giả đến xem. Lễ khai mạc và bế mạc diễn ra tại Nhà hát TP.HCM. Ban tổ chức liên hoan phim đã nhận được 70 bộ phim từ 17 nước trên thế giới tham gia và đã chọn ra 55 bộ phim trình chiếu trong đó có 18 bộ phim Việt Nam. Được biết, có 22 nhà làm phim quốc tế đã đăng ký tự chi trả chi phí di chuyển đến TP.HCM để tham dự liên hoan phim.
Buổi họp báo cũng cho biết: Phim nhân học (Anthropology), hay còn gọi phim dân tộc học (Ethnology) trong thời kỳ đầu thường chỉ là sự mô tả những bối cảnh văn hóa, những hành vi, những phong tục kỳ lạ của những tộc người hay những nhóm người mà văn hóa của họ được coi là “man dã” hay xa lạ với văn hóa phương Tây. Ngày nay, nhiều nhà làm phim nhân học đã hướng nghiên cứu của mình vào chính những xã hội hiện đại mà họ đang sống, trong sự vận động và bằng chính cái nhìn của chủ thể văn hóa ấy. Vì vậy, các đề tài trong xã hội hiện đại như di cư, nhập cư, đồng tính, các nhóm nghèo, biến đổi văn hóa v.v… đang trở nên phổ biến ở hệ thống phim nhân học ngày nay.
Dù có sự biến đổi, phát triển thế nào thì phim nhân học cũng là một thể loại phim tài liệu (tức không hư cấu) có yếu tố nghệ thuật.
VDG