Trước tình trạng phân hóa trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng người tỵ nạn, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ tổ chức một hội nghị gồm các nhà lãnh đạo thế giới bên lề phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc để thảo luận về tình trạng di cư trên thế giới. Hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 30-9 tới, tiếp sau phiên họp nhằm chuẩn y chương trình Các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030. Trong số 17 mục tiêu của chương trình đầy tham vọng này thì mục tiêu thứ 16 chính là tình trạng di trú quốc tế.
Trước khi hội nghị diễn ra, ông Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu có tiếng nói về số phận của những người cần được bảo vệ và nhanh chóng có sự kết hợp với nhau nhằm giải quyết sớm cuộc khủng hoảng người di cư và tỵ nạn. Ông đã nói chuyện qua điện thoại với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu nhằm bàn bạc các hướng giải quyết, đồng thời lưu ý họ về tình trạng bài ngoại, phân biệt đối xử và bạo hành đối với người di cư và tỵ nạn.
Ông Ben Phillips, Giám đốc Vận động và Chính sách thuộc tổ chức ActionAid, kêu gọi chính phủ các nước EU cố gắng giải quyết ba thách thức quan trọng trong vấn đề người di cư và tỵ nạn. Trước tiên họ cần phải thể hiện tinh thần đoàn kết để cùng giải quyết vấn đề, thứ đến cần ngăn chặn mối hiểm nguy dễ dàng xảy đến cho các phụ nữ mọi lứa tuổi khi họ vượt qua biên giới các nước, và cuối cùng là giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây ra tình trạng người dân đổ xô ra nước ngoài. Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho rằng tình trạng nhiều nước khác nhau ở những vùng biên giới khác nhau áp dụng các biện pháp khác nhau đã tạo ra sự hỗn loạn về mặt vật chất cũng như pháp lý. Điều rõ ràng là, dù di cư hay tỵ nạn, những người đang phải rời bỏ đất nước ra đi có quyền nhận được sự hỗ trợ của quốc tế, mặt khác các nước cũng phải tỏ rõ trách nhiệm đối với công dân của mình nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Trên tinh thần đó, người di cư hay tỵ nạn cần được tôn trọng và đối xử đúng với phẩm giá con người.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)