Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (1945-2015), Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang đứng trước một vấn đề nghiêm trọng, đó là vụ tham nhũng được cho là có liên quan đến một nguyên chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông John Ashe, đại diện thường trực của Antigua and Barbuda tại tổ chức này. Ông Ashe bị tố cáo đã nhận một khoản “tiền hối lộ” 1,3 triệu USD từ một công ty của Trung Quốc, khi còn đương chức chủ tịch Đại hội đồng LHQ niên khóa 2013-2014. LHQ đang tiến hành điều tra vụ này và một vụ khác liên quan đến khoản tặng 1,5 triệu USD mà cơ quan nhận là Cục Hợp tác Nam-Nam của LHQ (OSSC) và nơi tặng là Tập đoàn Sun Kian Ip của Trung Quốc cùng một trong những chi nhánh của tập đoàn là Tổ chức Bền vững Toàn cầu. Người đứng đầu tập đoàn là một doanh nhân Trung Quốc tên Ng. Lap Seng cùng nhiều đồng sự đã bị bắt để điều tra về tội hối lộ và trốn thuế. Riêng ông Ashe còn bị chính quyền liên bang Mỹ khởi tố về tội trốn thuế do đã không khai trình khoản thu nhập hằng năm. Chính vì có sự khởi tố trên của chính quyền Mỹ mà Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã yêu cầu Cục Điều tra nội bộ LHQ tiến hành điều tra về mối liên hệ giữa LHQ và Tập đoàn Sun Kian Ip cùng Tổ chức Bền vững Toàn cầu về việc sử dụng bất cứ khoản tiền nào do hai doanh nghiệp trên cung cấp. Ông Ban đặc biệt quan tâm đến tính chất nghiêm trọng của vấn đề và hứa sẽ không dung thứ bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào trong nội bộ LHQ.
Được biết chức vụ chủ tịch Đại hội đồng LHQ được bầu hằng năm bởi các thành viên LHQ và không được coi là một viên chức của tổ chức quốc tế này. Chủ tịch Tập đoàn Sun Kian Ip, ông Ng. Lap Seng, là một ông trùm bất động sản tại Macau, Trung Quốc, vào tháng 8 vừa qua đã tổ chức một hội nghị có sự tham dự của nhiều viên chức LHQ và các nhà ngoại giao. Việc Ng. hối lộ cho nguyên Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe được biết là để được ông này dành cho nhiều quyền lợi thương mại ở vùng biển Caribê, đặc biệt ở Antigua and Barbuda.
Riêng khoản tiền 1,5 triệu USD dành cho tổ chức OSSC của LHQ được báo cáo nhằm tài trợ cho các hội nghị của LHQ cùng các cơ quan trực thuộc. Người phụ trách cuộc điều tra về phía Mỹ là Chưởng lý Preet Bharara cũng đã khởi tố năm người có liên quan, trong đó có Đại sứ Francis Lorenzo thuộc Cộng hòa Dominica. Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric phủ nhận việc cho rằng nạn hối lộ xảy ra thường xuyên tại tổ chức quốc tế này và cho biết LHQ không tìm được tài liệu liên quan đến đề nghị thiết lập một trung tâm hội nghị ở Macau. Dù cuộc điều tra chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng sự kiện tham nhũng, hối lộ liên quan đến tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới là LHQ đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)