Tiếp sau một sự kiện gây được nhiều tiếng vang trên trường quốc tế là Expo về biển đã diễn ra tại Hàn Quốc từ tháng 5 đến tháng 8-2012, Liên Hiệp Quốc vừa công bố hiệp định mới có nhan đề “Healthy Oceans for Prosperity” (tạm dịch: Biển cả trong lành vì sự phồn vinh). Đây được xem là sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Phát biểu tại hội nghị quốc tế Yeosu (Hàn Quốc) nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), ông Ban cho rằng biển cả là yếu tố then chốt giúp duy trì sự sống trên hành tinh, là đường dẫn của 90% hoạt động thương mại trên thế giới, là phương tiện kết nối con người với nhau. Tuy nhiên, theo ông, cũng chính con người đã làm cho biển cả bị tổn thương bằng cách khai thác quá đáng tài nguyên biển, góp phần gia tăng tình trạng ô nhiễm ở biển, gây ra hiện tượng thay đổi khí hậu khiến cho biển mất dần tính đa dạng sinh học, nhiều chủng loài sinh vật biển bị đe dọa…
Poster kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Công ước về Luật biển
Bên cạnh hiệp định kể trên, ông Ban Ki-moon còn thành lập “Nhóm tư vấn về biển” (Oceans Advisory Group) bao gồm các viên chức điều hành của các tổ chức thuộc LHQ, các nhà hoạch định chính sách cao cấp, các khoa học gia, các chuyên gia hàng đầu về biển, các đại diện khu vực tư, đại diện các tổ chức phi chính phủ… Nhóm có trách nhiệm nghiên cứu các chiến lược nhằm huy động mọi nguồn lực cần cho việc thực thi kế hoạch hành động của Hiệp định về biển. Sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức trên thế giới, trong đó có tổ chức Hòa bình Xanh. Trong chương trình hành động từ nay đến năm 2014, LHQ dự định tung ra một kế hoạch toàn cầu cứu nguy biển, mà theo một nhà phân tích hàng đầu của tổ chức Hòa bình Xanh là Sebastian Losada, đây sẽ là một thử nghiệm về tính hiệu quả hay thất bại của nhóm tư vấn về biển.
Hiệp định mới về biển nhằm vào ba mục tiêu chính: bảo vệ con người và tăng cường sự trong lành của biển; bảo vệ, phục hồi và duy trì môi trường biển và các tài nguyên thiên nhiên; tăng cường các tri thức về biển và quản lý biển. Hiệp định về biển cũng hỗ trợ việc thực thi các văn kiện còn có hiệu lực thi hành, đặc biệt là Công ước về biển UNCLOS (1982). Các nhà sinh học, môi sinh học hy vọng hiệp định sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc bảo tồn tài nguyên biển và phục hồi tính đa dạng sinh học của biển đã bị thiệt hại khá nhiều trong thời gian qua.
Minh Chiếm theo IPS, Telegrap