Đường tới ngôi sao tốc độ
Hành trình theo đuổi tốc độ của Bugatti xuyên suốt từ thế kỷ trước với những chiếc Type 35 và nay được kế tục bởi những siêu xe “thiên mã” Bugatti Veyron. Sự trở lại đầy ấn tượng của nhãn hiệu huyền thoại một thời này cũng đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đua tốc độ giữa các nhà sản xuất xe thể thao nhằm phá vỡ giới hạn tốc độ mà Veyron đã thiết lập trong suốt gần một thập niên đã qua.
Bugatti Veyron L’Or Blanc, phiên bản gốm sứ
Hennessey Venom GT, công suất 1.200 mã lực và tốc độ cực đại 420km/g
Bugatti Veyron (tên đầy đủ: Bugatti Veyron EB 16.4) là một chiếc xe thể thao có động cơ lắp ở giữa, được thiết kế và phát triển bởi Tập đoàn Volkswagen (VW) và được chế tạo bởi Bugatti Automobiles S.A.S tại thành phố Molsheim, quê hương của nhãn hiệu Bugatti, thuộc vùng Đông Bắc nước Pháp.
Bốn chiếc concept Bugatti được lắp động cơ W18
Có thể xem sự trở lại của Bugatti bắt đầu từ năm 1988, khi VW mua bản quyền để sản xuất những mẫu xe mang nhãn hiệu này. VW đã giới thiệu tổng cộng bốn chiếc concept Bugatti lắp động cơ W18 (18 xilanh xếp thành bốn dải tạo thành hình chữ W) tại một số triển lãm xe hơi trên thế giới. Trong số đó, chiếc Bugatti Veyron EB 18.4 xuất hiện tại Triển lãm Tokyo 1999 được xem là tiền thân của chiếc Veyron hiện nay. Sau đó, VW đã thay động cơ 18 xilanh trên Veyron EB 18.4 bằng động cơ 16 xilanh trên chiếc Veyron EB 16.4. Nếu Veyron là thành quả của các nhà thiết kế VW thì ba chiếc xe còn lại đều do Công ty thiết kế Giugiaro của Ý thực hiện.
Koenigsegg Agera R có công suất 1.100 mã lực và tốc độ cực đại 420km/g
VW quyết định sản xuất chiếc Bugatti Veyron năm 2001 và chiếc xe mẫu đã ra đời năm 2003 sau khi vượt qua được một số rào cản kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên quá trình sản xuất Bugatti Veyron đã bị trì hoãn mãi đến tận tháng 9-2005.
Chiếc Veyron Super Sport giá 2,7 triệu USD, có công suất 1.200 mã lực và tốc độ cực đại 431km/g
Bugatti Veyron EB 16.4 với giá 1,7 triệu USD
Được hoạch định ngay từ ban đầu để trở thành một “kiệt tác” trong thế giới xe hơi, Bugatti Veyron sở hữu những đặc tính kỹ thuật bậc nhất thế giới: động cơ W16, 8.0L với bốn bộ tăng áp, cho công suất cực đại 1.001 mã lực (theo thông báo chính thức của VW) và moment xoắn cực đại 1.250Nm; hộp số tự động bảy cấp ly hợp kép, điều khiển bằng máy tính với thời gian sang số cực nhanh (150 mili giây); hệ thống dẫn động bốn bánh với hai chế độ toàn thời gian và bán thời gian; hệ thống phanh carbon ceramic siêu nhẹ; hệ thống vành và lốp thể thao; thân xe được làm hoàn toàn bằng sợi carbon và nội thất được chế tác khá cầu kỳ. Ngay lập tức, Bugatti Veyron được công nhận là chiếc xe đường phố nhanh nhất thế giới vì đạt tốc độ cực đại 407km/g và tăng tốc từ 0 lên 100km/g chỉ trong 2,46 giây. Đó chính là các thông số kỹ thuật cơ bản của chiếc Veyron tiêu chuẩn.
Phiên bản mui trần Veyron Grand Sport
Năm 2010, Bugatti củng cố vững chắc hơn địa vị thống lĩnh trong cuộc đua bằng chiếc Veyron Super Sport với công suất đã tăng lên 1.200 mã lực và momen xoắn 1.500Nm, phần thân xe cũng được nâng cao tính khí động học hơn. Chiếc xe này đạt tốc độ cực đại 431km/g trên đường thử, nhưng khi đi vào sản xuất chính thức, tốc độ của nó bị hạn chếở 415km/g để tránh cho lốp không bị hư hỏng quá sớm.
Pagani Huayra – siêu xe đến từ Italia, đạt tốc độ cực đại khoảng 370km/g
Ngoài ra Bugatti cũng phát triển thêm nhiều phiên bản đặc biệt với số lượng hạn chế dựa trên cơ sở của Veyron và Veyron Super Sport như Pur Sang, Pegaso, Fbg Par Hermès, Sang Noir, Bleu Centenaire, L’Edition Centenaire, L’Or Blanc, Vitesse và gần đây nhất là Bernar Venet.
Chiếc mui trần Bugatti Veyron Super Sport
Tốc độ cực đại của Veyron và Veyron Super Sport như một cái đích để các nhà sản xuất xe thể thao hướng tới. Trong vài năm qua, nhiều công ty đã tuyên bố phát triển các sản phẩm nhằm hạ gục “ông vua tốc độ” Bugatti Veyron. Năm 2009, Công ty SSC của Mỹ đã giới thiệu chiếc Ultimate Aero TT có công suất 1.287 mã lực và đạt tốc độ thử nghiệm cực đại 430km/g. Năm 2010, hãng độ xe mang tên Hennessey Performance trình làng chiếc Venom GT sản công suất 1.200 mã lực và tốc độ cực đại 420km/g. Nhà sản xuất siêu xe Koenigsegg của Thụy Điển cũng rất tích cực tham gia cuộc chơi này khi giới thiệu chiếc Agera R có công suất 1.100 mã lực và tốc độ cực đại 420km/g. Một số đối thủ tiềm năng khác như Pagani Huayra và Ferrari F70 cũng sắp sửa hiện diện trên đường đua. Nhiều nhà độ xe danh tiếng của Đức và Mỹ cũng đang ngày đêm âm thầm nung nấu ý định lật đổ Bugatti Veyron.
Chiếc Veyron Super Sport giá 2,7 triệu USD, có công suất 1.200 mã lực và tốc độ cực đại 431km/g
Cần biết rằng để đạt được những tính năng vận hành như của Veyron thực sự không hề là chuyện đơn giản. Nhờ một quá trình nghiên cứu phát triển toàn diện, vận dụng những công nghệ từ lĩnh vực hàng không vũ trụ và cơ khí chính xác, các chuyên gia VW đã chế tạo thành công một Bugatti Veyron không chỉ vượt qua những thách thức về khối lượng và công suất để trở thành siêu xe nhanh và mạnh nhất, mà còn rất tiện nghi và sang trọng trong sử dụng hằng ngày. Nhiều người hâm mộ đã ca ngợi Bugatti Veyron được “chế tác” chứ không phải sản xuất như ở những công ty chuyên về xe hơi.
Bugatti Veyron EB 16.4 với giá 1,7 triệu USD
Nội thất đơn giản nhưng tinh tế và sang trọng của Veyron
“Chế tác” siêu xe
Trong nhà xưởng sạch bóng như một phòng thí nghiệm của Bugatti Automobiles S.A.S tại thành phố Molsheim, những chiếc Veyron được lắp ráp hoàn toàn bằng tay bởi một nhóm 25 kỹ sư, cứ năm người chịu trách nhiệm “chế tác” một xe trong thời gian 400 giờ. Mỗi xe gồm có 3.700 chi tiết được chế tạo theo đơn đặt hàng.
Ví dụ, động cơ W16, 8.0L do Volkswagen chế tạo, gồm bốn bộ tăng áp và 12 bộ tản nhiệt chuyên dụng, hộp số tự động ly hợp kép bảy cấp của Ricardo có giá 120.000 USD, lốp run-flat Michelin PAX được thiết kế để hoạt động phù hợp với tốc độ cực đại của Veyron có giá 25.000 USD/bộ. Những lốp này được lắp ngay tại Pháp theo một quy trình riêng với giá dịch vụ là 70.000 USD. Thân của Bugatti Veyron bằng sợi carbon được sơn tại Đức, còn tất cả các bộ phận bằng sợi carbon khác do một công ty ở Áo đảm trách.
Lưới tản nhiệt phía trước được làm bằng titan để bảo vệ xe trong trường hợp bị chim đâm (tương tự trường hợp máy bay đang bay trong không gian!). Bu-lông dùng để lắp ráp các bộ phận xe được làm bằng titan để giảm trọng lượng (mỗi con bu-lông có giá 80 USD) và chỉ dùng một lần, nếu đã tháo ra khỏi xe thì không được sử dụng lại. Tấm cánh đuôi ở phía sau không chỉ giúp xe cân bằng hơn khi chạy ở tốc độ cao, mà còn đóng vai trò phanh khí động, tương tự như trên máy bay phản lực.
Khi đạp chân phanh, cánh đuôi sẽ tự điều chỉnh nghiêng 55 độ chỉ trong 0,4 giây để giúp Veyron dừng lại nhanh nhất. Nội thất của xe khá đơn giản, chỉ trang bị đầy đủ những chức năng cơ bản, nhưng được bọc da bởi những thợ chuyên nghề đồ da của Pháp và Ý. Hệ thống âm thanh do Công ty Burmester phát triển và chế tạo, đảm bảo phù hợp với đặc tính âm học của khoang xe.
Cần số của hộp số bảy cấp do Công ty Recardo chế tạo
Bọc da cho nội thất Bugatti Veyron
Với những trang bị như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Bugatti treo giá 1,7 triệu USD cho Veyron tiêu chuẩn và 2,7 triệu USD cho Veyron Super Sport. Vậy mà theo ước tính của hãng này, dù với mức giá cao chót vót như vậy, việc bán được hơn 300 chiếc Veyron cũng không đủ bù kinh phí nghiên cứu và phát triển mà VW đã chi ra trong gần chục năm. Tất nhiên, đối với một tập đoàn xe hơi có nguồn tài chính hùng mạnh như VW thì việc làm hồi sinh một thương hiệu huyền thoại như Bugatti và sở hữu những chiếc xe mạnh nhất thế giới còn mang lại lợi ích khác lớn hơn nhiều.
Lốp chuyên dụng Michelin PAX trị giá 25.000 USD/bộ
Động cơ W16 8.0 của Bugatti Veyron
Việc lắp lốp vào vành được thực hiện ngay tại Pháp với chi phí 70.000 USD
Đối với người chơi xe, sở hữu một chiếc Bugatti Veyron cũng đồng nghĩa với một gánh nặng tài chính khi sử dụng nó đúng cách. Tạp chí Autocar (của Anh) đã tính toán rằng ngoài khoản tiền mua xe ban đầu 1,7 triệu USD, những khoản chi khác mà chủ xe phải trang trải khi sử dụng Bugatti Veyron có thể lên tới 300.000 USD, bao gồm chi phí thay lốp và bảo dưỡng định kỳ, phí bảo hiểm, tiền xăng (xe khá ngốn xăng: 29,4 lít/100km đường nội đô và 16,8 lít/100km đường cao tốc).
Bù lại, chủ nhân sẽ rất tự hào khi sở hữu một siêu xe nhanh nhất và mạnh nhất thế giới. Trong khi vẫn chưa có chiếc xe nào đủ sức cạnh tranh thì Veyron vẫn là một cỗ máy lý tưởng để thỏa mãn giấc mơ của những người có tiền, mê tốc độ và “chịu chơi”.
Quang Hiệp