Chiều ba mươi Tết, buổi chiều cuối cùng của năm cũ, mọi thứ tất bật chộn rộn sắm sửa cho một cái tết sắp khép lại. Chợ búa, ghe xuồng, xe cộ, người đi người về dường như sắp vãn cả. Ai cũng muốn trở về nhà lo cúng kiếng, lo chuẩn bị cho giờ phút tiễn năm cũ đón năm mới một cách trang trọng ý nghĩa…
Chiều cuối năm, tôi lại thả một vòng quanh chợ như mọi khi. Trong tôi, không hiểu sao những phiên chợ tàn bao giờ cũng có sức hút lạ kỳ, hơn hẳn lúc chợ đông. Có lẽ từ thói quen ngày nhỏ, nhà ở gần chợ, tôi hay ta bà ra chợ tết từ lúc mới nhóm cho đến lúc chợ tàn. Đặc biệt cảnh chợ dần dần tan từng ngày, từng ngày với những ghe xuồng tụ lại bến sông mấy ngày trước tết rồi túa đi vào trưa ba mươi hay hai chín Tết vẫn khiến tôi nao nao cảm xúc. Cứ như mỗi chiếc ghe, chiếc xuồng ấy mang mùa xuân về cho thành phố rồi rời đi với bao cảnh đời, bao phận người về những vàm sông, kinh rạch nào xa tắp. Mùa tết này họ có bán được hàng không, những giỏ hoa, những cây trái miệt vườn ấy? Và những người buôn bán ở chợ nữa. Hàng họ năm nay lời lỗ thế nào? Liệu mâm cơm cúng ông bà chiều nay có tươm tất, linh đình hay lèo tèo héo hắt? Cái băn khoăn của con bé ngây thơ ngày nào dường như vẫn còn đeo đẳng đến bây giờ.
Chiều ba mươi Tết năm nay, chợ dường như tan muộn hơn mọi năm, hay đó chỉ là cảm giác của tôi? Khu chợ dọc bờ sông tôi đi qua đã bốn giờ chiều mà vẫn còn tấp nập kẻ bán người mua. Nhiều nhất vẫn là trái cây, rau củ bày đầy ra đường. Thịt cá trên sạp, trong thau vẫn như mọi chiều bình thường. Thấy rõ nhất cảnh chợ tàn vẫn là khu chợ hoa trên bến sông quen thuộc. Tôi độ chừng do những người bán hoa đa số ở xa nên phải dọn hàng xuống ghe về lúc trưa, chỉ rải rác một hai chỗ còn nán lại, cố bán rẻ mấy chậu hoa còn lại vậy thôi.
Đập vào mắt tôi suốt con đường đi qua chợ từ chợ thức ăn rau quả đến chợ hoa phía trên là những đống rác. Không biết cơ man là rác, những đống rác khổng lồ, ngồn ngộn lấn ra cả đường đi, cứ cách một khoảng ngắn là một đống to đùng. Hình như rác năm nay nhiều hơn mọi năm thì phải. Tại phố xá ngày càng đông đúc hay tại sức mua bán mạnh hơn? Chỉ biết nhìn mấy đống rác mà thấy ái ngại cho mặt mũi của thành phố. Đi hết khu chợ hoa tôi trở lại một vòng theo đường cũ. Nắng lúc này đã sắp tắt, chợ đã thưa hơn, dài theo đường những chiếc xe hốt rác của đội vệ sinh liên tục đẩy ngang qua, xe nào xe nấy đầy ắp. Ngay góc đường vào chợ một chiếc xe lớn với hàng chục công nhân đang tích cực chuyền rác từ dưới lên, gọi nhau í ới khiến cảnh chợ chiều thêm chút nhộn nhịp. Mấy đống rác ven đường lúc nãy đã được dọn gần như sạch sẽ, chỉ còn vài đống nhỏ được gom lại chờ xe nhỏ đến hốt đi. Tôi biết, mãi đến khi khu chợ này hoàn toàn vắng vẻ, những anh chị công nhân vệ sinh kia vẫn tiếp tục công việc cho đến tối mịt, sau đó mới trở về nhà hòa vào niềm vui đón tết của mọi nhà. Để rồi sáng mai, mùng một, người dân thành phố mở cửa bước ra, thành phố ngày xuân sẽ sạch đẹp hơn cả ngày thường, như niềm mơ ước của mọi người.
Tối, mở tivi chờ đợi Giao thừa, tôi lại gặp cô công nhân vệ sinh với những nhát chổi trên đường tươi cười trả lời phỏng vấn trong một phóng sự của đài truyền hình. Kèm theo nụ cười là lời gởi gắm: “Bọn em cũng chỉ làm công việc phải làm thôi. Chỉ mong sao mọi người ít xả rác để giảm bớt áp lực cho bọn em một chút…”. Hình ảnh những chiếc xe rác ban chiều trên thành phố quê nhà lại hiện ra và tôi càng cảm nhận rõ hơn mùa xuân đang đến từ những nhát chổi, từ những bàn tay cầm ky hốt rác kia.