Trên các sàn giao dịch, tiếng thở dài của nhà đầu tư cho thấy sự lo lắng khi danh sách doanh nghiệp “có vấn đề” đang ngày càng dài ra.
Giai đoạn “dễ chịu” đã qua?
Trong quý I, sự gia tăng về điểm số trên cả hai sàn giao dịch đã đi cùng với sự tăng mạnh của thanh khoản. Lý giải cho sự hồi phục ấn tượng là những dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012, chỉ số CPI ba tháng đầu năm ở mức thấp kỷ lục so với những năm gần đây (2,55%). Bên cạnh đó, quyết tâm trong việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã có câu trả lời bằng thực tế với việc đưa lãi suất huy động tiền gửi từ 14%/năm xuống còn 13%/năm. Theo những thông tin mới từ phía Ngân hàng Nhà nước, xu hướng giảm lãi suất đang tiếp tục và khả năng cao là mục tiêu này sẽ sớm được hiện thực hóa. Tuy nhiên, với cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán, “bức màn” màu hồng đang được vén lên. Điều này thể hiện khá rõ ở diễn biến trên cả hai sàn chứng khoán. Tín hiệu giảm của dòng tiền đã xuất hiện từ những ngày cuối quý I và được nối tiếp trong những ngày đầu quý II.
Sự đi lên của thị trường chứng khoán trong quý I là khá thuận lợi bởi lúc đó giá cổ phiếu đang ở mức rất thấp, có quá nhiều cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá. Còn nay, giá của hầu hết các cổ phiếu đều đã có bước tiến khá dài. Điều này đòi hỏi dòng tiền mạnh hơn, tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn, có như vậy mới đủ lực để đẩy cỗ xe chứng khoán tiếp tục leo dốc. Vậy nhưng, diễn biến trên thị trường cho thấy dòng tiền đã rút ra chưa có biểu hiện sẽ sớm trở lại. Một yếu tố khác khiến quy mô giao dịch trong các phiên gần đây thấp hẳn đó là việc khối ngoại giải ngân hạn chế. Vị thế mua ròng vẫn được duy trì, nhưng tỷ trọng tiền mua trong tổng giá trị khớp lệnh của khối này không cao như vào cuối tháng 3. Trong phiên giao dịch cuối tuần, ngày 6-4, mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rất thấp. Các giao dịch khớp lệnh nhỏ và không chi phối thanh khoản của mã nào. Giao dịch thỏa thuận đáng chú ý nhất lại là STB với mức bán ròng hơn 277 tỉ đồng từ khối ngoại.
Bức tranh doanh nghiệp – mảng tối lộ diện
Cùng với việc doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả sản xuất, kinh doanh quý I, từ tháng 3-2012 trở lại đây, cả hai sở giao dịch đã liên tục công bố quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo như: DTT, ITC, IDJ, VHG, SAM, gần nhất là TKU, VHH, VID. Số lượng các công ty chứng khoán thua lỗ đang ngày càng dài hơn với những cái tên: BSI, VDS, SHS, TAS… Tính chung, số cổ phiếu ở diện cảnh báo đã lên tới hơn 30 mã. Gộp thêm các cổ phiếu bị kiểm soát, như BVS, HPC, TRI, DCL… hay cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch, thì con số này còn nhiều hơn nữa. Với đà này, cho đến khi các doanh nghiệp hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, “danh sách đen” sẽ còn dài thêm. Các cổ phiếu bị đánh dấu “đen” chủ yếu do kinh doanh thua lỗ, tập trung vào các ngành chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế, siết tín dụng. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhiều ngành sản xuất “chìm” theo như vật liệu xây dựng, cáp. Không những lo lắng về giá trị thực của cổ phiếu mình nắm giữ, nhà đầu tư còn thêm phần ái ngại bởi khi bị đưa vào “danh sách đen” đồng nghĩa với việc các cổ phiếu này sẽ bị loại ra khỏi danh sách được cấp margin.
Một thực tế không thể phủ nhận đó là trần lãi suất cho vay dù giảm nhưng vẫn ở mức cao đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Và dù có chấp nhận mức lãi suất như vậy thì không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay khi các ngân hàng vẫn đang hết sức thận trọng. Sản xuất thu hẹp, hàng hóa tồn kho tăng, nợ nần chồng chất, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình cầm cự trước nguy cơ phá sản cận kề. Nhiều ý kiến đánh giá rằng, chỉ số CPI thấp trong những tháng đầu năm phản ánh sự sụt giảm của sức mua hơn là thước đo về hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 9-4, giới đầu tư đang nghe ngóng về một số thông tin có thể tạo nên “kịch tính” cho thị trường chứng khoán. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, một số điều khoản hạn chế cho vay chứng khoán được bãi bỏ. Tuy nhiên, nếu Thông tư 13 được sửa đổi theo định hướng của dự thảo thì có vẻ như bất động sản sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với chứng khoán. Có lẽ đây là yếu tố đã kích thích một số cổ phiếu bất động sản tăng trần trong phiên giao dịch đầu tuần như NTB, NTL, NVT, ITC… Dòng tiền chuyên đầu cơ vàng liệu có “rẽ” sang chứng khoán cũng là một yếu tố đang được để ý. Đóng cửa phiên này, VN-Index đạt 450,73 điểm với khối lượng giao dịch ở mức trung bình 65,68 triệu cổ phiếu.
Song Hà