Anh Lê Văn Thành, nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Chó nghiệp vụ 119 (Quốc lộ 13, thị xã Thuận An, Bình Dương) được biết đến như là người thành lập trung tâm huấn luyện chó tư nhân đầu tiên tại Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Anh được yêu mến không chỉ vì tài năng huấn luyện chó hiếm thấy mà còn vì anh là một người truyền nghề tận tâm. Hầu hết các huấn luyện viên tại các trung tâm hiện nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây đều xuất thân từ “lò” của anh Thành.
Anh Quốc Phong, chủ một trung tâm huấn luyện chó ở huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi là một trong số rất nhiều người có của ăn, của để như hiện nay là nhờ anh Thành truyền nghề và hỗ trợ vốn làm ăn”. Đến nay, anh vẫn được những người mê chó nghiệp vụ gọi bằng cái tên thân mật là “Thành khuyển” dù không còn là Giám đốc Trung tâm 119, cũng không trực tiếp huấn luyện chó nữa. Anh đã chuyển qua kinh doanh bất động sản từ ba năm nay nhưng mọi người vẫn gặp anh thường xuyên ở Trung tâm 119. Anh cười nói:
“Có lẽ tôi vẫn chưa hết duyên nợ với nghề vì không thể quên những con chó đã gắn bó với mình nhiều năm, nhất là những con chó khôn. Chẳng hạn như anh chàng tên Ki, giống Berger Đức kia, luôn có tác phong của một thủ lĩnh vậy. Tôi còn nhớ mỗi lần trung tâm có con chó mới được đưa đến là anh chàng chạy ra tận cổng để đưa vào, vừa như đón khách và vừa giữ cho chú chó lạ không chạy lung tung. Khi được huấn luyện kỹ, con chó không chỉ biết nghe lời mà những biểu hiện tính cách, tình cảm cũng rõ ràng hơn. Nó cũng thể hiện yêu, ghét, giận hờn… như con người vậy. Có những con chó nuôi một, hai năm rồi thì gắn bó với tôi như bạn tâm giao, đến khi phải bán đi tôi cảm thấy như một sự mất mát lớn.
____
Hẳn tình yêu dành cho loài chó đã đưa anh đến với nghề dạy chó nghiệp vụ…
Tôi mê những chú khuyển từ nhỏ. Với tôi, chó là loài động vật khá thông minh và có cách biểu hiện tình cảm rất đặc biệt. Như một định mệnh, sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự tự nguyện, tôi được chuyển về Trường Quân khuyển 276 (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Ngày nào, tôi cũng tất bật với lũ chó từ sáng tinh mơ đến tối, tuy cực nhưng rất vui vì được sống với đam mê của mình.
Học xong, tôi được giữ lại trường để làm huấn luyện viên cho tân binh và chó nghiệp vụ. Giai đoạn từ năm 1992-1995, cùng với phong trào chống buôn lậu vùng biên giới, đội chó nghiệp vụ Trường Quân khuyển 276 hoạt động mạnh, phối hợp với các tỉnh để bắt buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá. Đến năm 1995, Trường Quân khuyển nơi tôi làm việc phải giải tán vì không đủ kinh phí duy trì. Tôi chuyển về sống ở Vũng Tàu, làm đủ mọi nghề, từ công việc hành chính đến nhân viên lái xe.
Tôi may mắn được làm quen với một “đại gia” làm việc trong Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, rất mê chó nghiệp vụ, thường đến Trường Quân khuyển 276 xem tôi luyện chó. Khi thất nghiệp, tôi được ông đưa về Vũng Tàu, vừa có cơ hội công ăn việc làm, vừa huấn luyện cho con chó quý của ông. Đến khi có công việc lương cao ở bộ phận vận tải biển của Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải Vũng Tàu (Vũng Tàu Ship), tôi vẫn nhận huấn luyện ba, bốn con để đỡ nhớ nghề mà lại có thêm thu nhập.
“Người huấn luyện chó không chỉ cần kỹ năng nắm bắt tâm lý con vật, đối phó cương nhu đúng lúc mà quan trọng hơn là phải thật sự có tình yêu thương đối với con chó.”
____
Anh đã được làm nghề anh yêu thích, lại có một cuộc sống sung túc nhưng anh vẫn quyết tâm mở trường huấn luyện, vì sao?
Đúng là tôi đã có cuộc sống ổn định nhưng ước mơ được làm chủ một trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ vẫn không nguôi nung nấu trong tôi. Thêm vào đó, tại thời điểm năm 2006-2007, tôi nhận thấy nghề này rất có triển vọng. Thời đó, phần lớn những người làm việc ở cảng biển, sân bay đều có thu nhập tốt và có nhiều thời gian rảnh rỗi nên thú chơi chó kiểng cũng phát triển. Tôi còn nhớ, mỗi lần đưa chó ra huấn luyện trên bãi biển, người đến xem rất đông. Sau mấy lần chó do tôi huấn luyện bất ngờ tham gia bắt tội phạm, tiếng tăm của tôi càng được truyền đi nhanh hơn.
Thời điểm trước năm 1998, tôi “độc quyền” nghề huấn luyện chó ở Vũng Tàu nên ai có nhu cầu mua chó, huấn luyện chó đều tìm đến tôi. Vốn trọng chữ tín, lại được rèn luyện tính kỷ luật trong quân ngũ nên tôi luôn làm việc người khác nhờ cậy một cách chỉn chu nhất có thể. Một khi đã nhận con chó nào là tôi phải huấn luyện đến nơi đến chốn. Khi có người nhờ mua chó, tôi không ngại bỏ công lên tận Sài Gòn tìm mua cho được giống chó tốt. Nhờ vậy mà tôi được nhiều người tin tưởng và quý mến, có người còn giao hẳn một ngôi nhà vườn để tôi vừa ở vừa có nơi huấn luyện chó. Nghe tin tôi muốn ra Hà Nội học thêm về nghiệp vụ để mở trường, nhiều người chơi chó kiểng góp tiền đưa tôi một cách tự nguyện.
____
Trường dạy chó đầu tiên của anh ở Vũng Tàu mở ra năm nào?
Tôi thuê một khu đất khá rộng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Thành phố Vũng Tàu) để mở trường dạy chó vào năm 1998. Bên trong khuôn viên trường còn mở một quán cà phê nho nhỏ phục vụ miễn phí cho khách đến trung tâm xem dạy chó. Mỗi lần đưa chó ra biểu diễn trên bãi biển vào những ngày cuối tuần, có rất đông người vây quanh vừa xem vừa trầm trồ thán phục.
____
Mở trường với hai bàn tay trắng, chắc anh cũng gặp không ít khó khăn?
Khi mở trường, tôi được sựủng hộ nhiệt tình của nhiều mạnh thường quân, cả về tiền bạc lẫn tinh thần. Vì vậy, tôi hầu như không gặp khó khăn về tài chính, vấn đề thường xuyên phải giải quyết là về đội ngũ nhân sự. Người huấn luyện chó không chỉ cần kỹ năng nắm bắt tâm lý con vật, đối phó cương nhu đúng lúc mà quan trọng hơn là phải thật sự có tình yêu thương đối với con chó. Những người tôi tìm được thường chỉ học qua loa, chủ yếu tự tích lũy kinh nghiệm, chưa được đào tạo qua những khóa huấn luyện bài bản nên họ thường mất nhiều thời gian để vừa học vừa hành.
Tôi đưa ra một quy trình huấn luyện chó nghiệp vụ gồm 18 bước khá bài bản, gồm những động tác từ đơn giản (đứng, ngồi, bò) đến phức tạp (tấn công, chống ăn bả, phóng qua bờ tường, lốp xe, trườn qua rào kẽm gai, bảo vệ người và đồ vật trong những tình huống giả định), đòi hỏi huấn luyện viên phải có tính kỷ luật, nhẫn nại và nắm bắt tâm lý con vật nhanh.
Dù chỉ mới chập chững bước vào kinh doanh nhưng nhờ dịch vụ của tôi không “đụng hàng” nên thu nhập từ trường huấn luyện chó ổn định ngay từ những tháng đầu mở cửa. Thời đó, mỗi khóa huấn luyện từ sáu đến tám tháng giá khoảng 800 ngàn đồng (tương đương hai chỉ vàng). Chỉ sau một năm mở trường, tôi đã có đủ tiền mua đất, mua nhà.
____
Cơ duyên nào đưa anh lên TP. Hồ Chí Minh, mở Trung tâm Huấn luyện Chó nghiệp vụ 119?
Tôi muốn mở rộng thêm quy mô kinh doanh và nhường cơ sởở Vũng Tàu cho người em vợ. Vì vậy, tôi quyết định lên Sài Gòn, thuê khu đất rộng của Quân Đoàn 4, mở Trung tâm 119. Ban đầu trung tâm chỉ nhận huấn luyện chó cho các gia đình, công ty thuê chó nghiệp vụ giữ nhà, canh công trình… Về sau, tôi mở thêm Công ty Dịch vụ Bảo vệ Cửu Long vì thấy thị trường có nhu cầu lớn về lĩnh vực này.
Trước khi Trung tâm 119 mở cửa, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng đã tồn tại một vài cơ sở huấn luyện chó tư nhân nhưng phần lớn đều có quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy, cơ sở của tôi hầu như không bị cạnh tranh. Tôi làm việc đến quên ăn quên ngủ vì không muốn uy tín của mình bị giảm sút. Từ ngày làm chủ dịch vụ bảo vệ, giờ giấc sinh hoạt của tôi luôn bị xáo trộn, hay bị “dựng dậy” giữa đêm khuya vì nhiều sự cố khác nhau, từ chuyện mất đồ đến tác phong nhân viên. Sau một thời gian mệt mỏi với công ty vệ sĩ, tôi nhường lại dịch vụ đó cho một người bạn, chỉ giữ lại dịch vụ huấn luyện và cho thuê quân khuyển mà thôi.
“Hầu hết huấn luyện viên quân khuyển đều có vết sẹo trên cơ thể do chó cắn, có người bị cắn đứt lìa cả mấy ngón tay.”
____
Giống chó nào thường được huấn luyện cho nghiệp vụ, xin anh chia sẻ thêm.
Khi tiếp nhận một con chó bất kỳ, tôi sẽ đánh giá sơ bộ đó là con có thần kinh mạnh, cân bằng hay yếu. Những con thần kinh yếu thì chỉ có thể huấn luyện để vâng lời chứ không thể chiến đấu. Con thần kinh mạnh thì chiến đấu tốt nhưng thường ngang bướng, ít vâng lời hơn. Con chó cân bằng thì vừa có thể chiến đấu vừa biết nghe lời chủ sau quá trình huấn luyện. Chó chiến đấu tốt thường là giống Rottweiler Đức, chó có thần kinh cân bằng thường là giống Berger.
Thời đó, chó từ trung tâm tôi ra rất được các doanh nghiệp và các công ty vệ sĩ ưa chuộng vì được huấn luyện kỹ. Tôi nhớ mãi một chuyện liên quan đến con chó tên Mic (giống Rottweiler Đức) của một người chủ là giám đốc của kho bãi container gần cầu Rạch Chiếc (Q.9, TP. Hồ Chí Minh). Ông này thường xuyên bị trộm đi ghe máy, lẻn vào bãi lấy cắp phụ tùng xe mà không có cách nào bắt được.
Nghe lời giới thiệu của bạn bè, ông đã tìm đến Trung tâm 119 nhờ giúp đỡ. Mic đã được huy động đến giúp khổ chủ. Chỉ trong vòng một tháng, ba tên trộm đã bị Mic bắt ngay tại trận. Một con Berger thân cận của tôi cũng từng được điều đến hỗ trợ canh tài sản cho một công trình ở khu công nghiệp Long Thành sau khi công trình này mất trộm mấy lần liên tục. Dù mõm đã bị rọ nhưng anh chàng Berger cao to vẫn dồn bốn tên trộm vào góc tường, sủa ầm ĩ gọi đội bảo vệ đến bắt.
Tôi cũng khó quên chiến công của một con chó giống Rottweiler Đức do tôi huấn luyện, đã dũng cảm lao vào cắn cổ con trăn nuôi rất lớn, cứu sống một phụ nữ bị trăn siết ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Như một cách biết ơn, gia đình này sau đó nhờ tôi tìm mua và huấn luyện đến bốn con Rottweiler, mỗi con giá vài chục triệu đồng.
____
Để huấn luyện được những con chó khôn ngoan như thế thường mất khoảng bao lâu?
Thường là từ sáu đến tám tháng. Huấn luyện chó là nghề rất cực, phải nhẫn nại và có sức khỏe tốt mới theo nghề lâu được. Hơn nữa, đã làm nghề này thì ai cũng từng bị chó cắn cả, dù ít hay nhiều. Hầu hết huấn luyện viên quân khuyển đều có vết sẹo trên cơ thể do chó cắn, có người bị cắn đứt lìa cả mấy ngón tay. Có lẽ ít người biết trong trung tâm huấn luyện còn có một đội “quân xanh”, chuyên lấy thân mình ra để làm mồi chọc ghẹo cho chó cắn, chó sủa. Có lẽ “dân chơi chó” mới biết, có những con chó to lớn không “thèm” sủa cũng chẳng gầm gừ.
Có những con chó Berger mà chủ nhân bỏ chục triệu mua về nuôi một năm trời mà con chó vẫn không sủa cũng chẳng cắn ai, từ người quen đến người lạ. Vì vậy nên gia chủ mới gởi vào trung tâm của tôi để mong tìm lại bản năng vốn có của con chó sau khóa huấn luyện. Hai, ba huấn luyện viên tích cực cầm cây, cầm gậy xua lên loạn xạ, cố chọc giận con chó “hiền lành” để nó trở nên cáu bẳn, lôi kéo, cắn xé những người trước mắt nó.
____
Hình như đội “quân xanh” còn có tên gọi dân dã hơn là “mồi nhử”?
Đúng vậy. “Quân xanh” lúc thì có áo giáp, lúc thì mặc áo vải để tạo sự đa dạng trong tập luyện. Những lúc tập chó tấn công, nhất là trong bài học hai con chó cùng cắn phối hợp, “quân xanh” rất dễ gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Con chó hung dữ thường bị rọ mõm khi luyện tập nhưng một số trường hợp rọ bị giật tung khiến nhiều “mồi nhử” trở thành mồi thật, lãnh ngay những vết cắn nhớ đời.
Người làm “quân xanh” thường nắm chắc một số kỹ năng cơ bản như: đỡ, né, giả chết… Một “quân xanh” lâu năm thường biết chó có thói quen cắn ở những nơi nào. Một kinh nghiệm khá thú vị là không nên đụng vào hạ bộ của chó đực, nhất là khi có mặt các nàng chó cái.
____
Nghe anh kể thì có thể hình dung nghề huấn luyện chó rất thú vị nhưng không kém phần nguy hiểm…
Đúng vậy, nhưng là một nghề kiếm sống rất tốt. Nghề huấn luyện chó giúp tôi trở nên khá giả từ hai bàn tay trắng nên tôi không ngại truyền nghề cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tôi luôn sẵn lòng nhận học trò là bộ đội xuất ngũ, thanh niên thất nghiệp để giải quyết công ăn việc làm và luôn sẵn lòng giúp đỡ về vốn nếu họ muốn ra làm ăn riêng. Đến nay, có thể nói chủ các cơ sở huấn luyện chó ở TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận đều từ “lò” của tôi ra như Trung ở Bến Cát, Âu ở Củ Chi, Phong ở Hóc Môn, Hải ở Cần Thơ, Long ở Tân Uyên… tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là khi mình làm được điều hữu ích cho người khác và được nhiều người quý mến.
____
Vì sao anh lại chuyển qua đầu tư bất động sản ngay giai đoạn thị trường đóng băng?
Tôi có sẵn những mối quan hệ lâu năm và đáng tin cậy nên khi chuyển qua lĩnh vực bất động sản, tôi hầu như không gặp khó khăn. Tôi nghĩ rằng làm nghề gì cũng vậy, chúng ta không nên quá tham lam, mong kiếm thật nhiều tiền trong một lúc. Thời điểm nào cũng cho mình cơ hội kiếm tiền, hoặc ít hoặc nhiều. Bất động sản cũng không ngoại lệ, giai đoạn này nói đầu tư lớn thì khó chứ làm nhỏ lẻ thì vẫn có đồng vô, đồng ra. Ba năm nay, thu nhập gia đình tôi khá ổn mà tôi lại “nhẹ đầu” và có thời gian dành cho gia đình, con cái.
Còn nghề huấn luyện chó, nói bỏ nhưng không thể dứt hẳn được. Dù trong nhà lúc nào cũng có một, hai con chó nhưng thi thoảng, tôi vẫn phải ghé Trung tâm 119 hoặc một số trường dạy chó khác để ngắm và vuốt ve đàn quân khuyển. Nhà tôi hiện tại cũng là một trạm thú y nhỏ, chó, mèo bị bệnh có thể mang đến điều trị miễn phí. Vợ tôi thường khen tôi “ngoan”, có lẽ vì mê chó mà tôi không còn mê những thứ khác có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Có lẽ tôi phải cảm ơn nghề, cảm ơn loài chó vì nhờ nó mà tôi có một người vợ tuyệt vời, một gia đình hạnh phúc và những mối quan hệ bằng hữu thân thiết như hiện tại.
“Có lẽ tôi phải cảm ơn nghề, cảm ơn loài chó vì nhờ nó mà tôi có một người vợ tuyệt vời, một gia đình hạnh phúc và những mối quan hệ bằng hữu thân thiết như hiện tại.”
____
Anh có thể chia sẻ thêm mối liên hệ giữa hôn nhân của anh với nghề không, hẳn đó là một câu chuyện thú vị?
Những ngày chưa quen nhau, bà xã tôi là một cô gái ít nói sống cách nhà tôi không xa. Để ý nàng đã lâu nhưng tôi hiếm khi có cơ hội tiếp cận vì ông ngoại của cô ấy rất khó tính. Thật may, chú chó Misa mà tôi nuôi khá lâu đã làm tốt nhiệm vụ “bồ câu đưa thư”. Con chó nhỏ rất thông minh, luôn chọn đi cửa bên hông nhà nàng chứ không đi cửa trước vì sợ bị phát hiện. Đến trước cửa phòng cô chủ, con chó không sủa to mà chỉ rên lên ư ử đủ cho người nhận thư nghe thấy. Cô ấy cũng mê chó nên dễ dàng làm quen và có tình cảm quyến luyến với Misa. Tiếc là sau khi chúng tôi yêu nhau không bao lâu, thì chú chó nhỏ ăn phải bả mà chết.
Những năm đầu lên Sài Gòn, một trong những vị khách đầu tiên của tôi là một phụ nữ lớn tuổi tên Liên, sống ở quận Tân Bình. Bà cảm mến và tin tưởng tôi qua cách tôi chăm sóc và huấn luyện hai con chó của bà. Biết tôi làm nhà, bà chủ động cho tôi mượn một số tiền lớn. Đến lúc trả nợ xong, bà vẫn chưa biết nhà tôi ở đâu. Hai con chó của bà Liên giống Berger, khá thông minh. Nhà neo đơn nên bà xem chúng như người thân. Về sau, một con bị bệnh chết, con còn lại cũng mất vì bị thuốc, bà buồn lắm. Tôi tìm mua cho ba con chó khác cũng thông minh không kém nhưng cũng khó làm bà vui như lúc trước. Đó là những người nuôi chó vì đam mê thật sự chứ không phải nuôi theo phong trào.
____
Hiện nay, phong trào nuôi chó còn rầm rộ như trước hay không?
Ở Vũng Tàu hiện vẫn duy trì Hội mê nuôi chó cảnh, thường hay tập hợp vào ngày cuối tuần trên bãi biển hoặc ở trung tâm của em vợ tôi. Còn ở TP. Hồ Chí Minh và những khu vực lân cận thì nhu cầu huấn luyện chó không còn nhiều. Người nuôi chó chủ yếu là theo phong trào hoặc vì mục đích giữ tài sản là chính hơn là vì mê. Tôi hay cảm thấy “uổng” khi con chó được huấn luyện kỹ lại có một người chủ không mê chó. Vì chỉ những người chủ thật sự yêu thương và quan tâm đến con vật thông minh này mới tiếp tục chăm sóc kỹ và phát huy những kỹ năng đã được huấn luyện. Tôi cũng thường đánh giá một người qua cách người đó chăm sóc con vật họ nuôi. Người có tình thương đối với con chó thì thường “dư” tình cảm đối với con người.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.