Năm 2015, theo Credit Suisse, dự kiến doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc sẽ chạm đáy, đưa ra hồi kết cho giai đoạn suy thoái liên tục bắt đầu từ cuối thập niên 90, với sự ra đời của Napster và các dịch vụ chia sẻ file khác. Kết thúc giai đoạn suy thoái đồng nghĩa với bắt đầu sự khởi sắc trong tương lai. Doanh thu của làng nhạc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc làng nhạc chấp nhận dịch vụ đăng ký nghe nhạc trực tuyến (streaming). Tuy có vài gợn sóng (bạn dễ dàng biết nhân vật nào tạo sóng lớn nhất: Taylor Swift với việc rút khỏi Spotify) nhưng streaming là ánh sáng cuối đường hầm cho làng nhạc, vốn chịu quá nhiều thất bát trong những năm qua. Trung bình, streaming tốn 120 đôla Mỹ/năm (dịch vụ Spotify Premium có giá 10 đôla Mỹ/tháng), gấp đôi khoản hầu bao hiện tại mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho âm nhạc mỗi năm.
Đăng ký nghe streaming dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới (Credit Suisse lạc quan với 63% tăng trưởng). Sự tăng trưởng này đến từ hai gã khổng lồ trong làng công nghệ bắt đầu bước vào dịch vụ này. Apple tìm cách kết hợp Beats Music (được Apple mua lại với giá 3 tỉ đôla Mỹ) vào iTunes và tìm cách để biến hàng triệu khách hàng của iTunes hiện có trở thành các khách hàng đăng ký gói nghe nhạc streaming. YouTube, thuộc sở hữu của Google, đã khởi động dịch vụ nghe nhạc trả tiền Music Key. Đương nhiên, một phần lớn tăng trưởng cũng sẽ đến từ Spotify, dịch vụ streaming lớn nhất hiện nay dù còn rất non trẻ (khởi nghiệp năm 2008).
Chấm dứt giai đoạn nhạc miễn phí?
Spotify nhận một cú đấm mạnh trong năm từ nghệ sĩ quan trọng nhất nhì làng nhạc hiện nay, Taylor Swift. Cô gái trẻ này đã rút toàn bộ các bài hát của mình khỏi dịch vụ này, theo lời đồn đại là vì không thỏa thuận về tiền bản quyền nhận được một cách hợp lý. Tuy nhiên, theo lời Anthony Bay, Giám đốc điều hành của Rdio, một dịch vụ streaming khác thì Taylor Swift “không chống lại streaming, không chống lại Spotify. Cô ấy chỉ chống lại nhạc theo yêu cầu mà lại miễn phí”.
Spotify là dịch vụ streaming duy nhất có gói miễn phí, người dùng có thể nghe mọi ca khúc có trong thư viện của họ, miễn là chấp nhận các quảng cáo xuất hiện (hình ảnh trên màn hình lẫn âm thanh giữa các bài hát). Các dịch vụ khác, hoặc là không có gói miễn phí (như Beats) hoặc nếu có (như Rdio) thì giống như bạn đang nghe radio, có thể chọn nghệ sĩ hoặc dòng nhạc nhưng không chọn được các bản nhạc đơn lẻ. Giám đốc điều hành của Spotify là Daniel Ek cho rằng gói miễn phí là thế mạnh của dịch vụ này, sẽ khuyến khích người dùng cuối cùng sẽ mua gói đăng ký trả tiền. Năm 2015, Spotify sẽ bước vào cuộc đàm phán đầy phức tạp với ít nhất một hãng đĩa lớn nào đó để có quyền sử dụng kho nhạc của họ. Áp lực ở gói miễn phí là rất lớn. Dịch vụ internet radio miễn phí lớn nhất, Pandora cũng cùng chịu áp lực này từ các hãng đĩa và nhà xuất bản âm nhạc về số tiền mà các bên này kiếm được qua các lượt nghe. Nếu các hãng đĩa tìm được cách thì việc nghe nhạc hoàn toàn miễn phí và hợp pháp trước đây sẽ trở thành chuyện của quá khứ.
Đợi gì ở năm 2015
Taylor Swift (lại là Taylor Swift) đã thống trị năm 2014 với đĩa 1989 nhưng đừng nghĩ cô sẽ rời bỏ ngai vàng của mình trong năm 2015 để nghỉ ngơi. Trong khi đĩa nhạc vượt qua con số 3 triệu bản bán ra chỉ riêng ở Mỹ và cô tìm cách đấu trí với Spotify thì Taylor vẫn có thời gian vạch ra bản đồ chinh phục của mình với chuyến lưu diễn rộng khắp, bắt đầu từ Tokyo vào tháng 5-2015, đi xuyên suốt Bắc Mỹ và châu Âu, kết lại ở Úc vào tháng 12-2015.
Tháng 2, Meghan Trainor, ca sĩ lấy lại sự tự tin cho một bộ phận lớn phái yếu thông qua All about That Bass cũng sẽ lên đường lưu diễn nhưng trước đó, cô sẽ phát hành album mới có tên là Title, được tiên phong bởi đĩa đơn đang ăn khách Lips Are Movin’.
Nói về album mới thì những tin đồn râm ran về các giọng hát ăn khách là Adele và Kanye West đã có một mớ nhạc đặt sẵn trên bàn để lựa chọn, dù rằng họ vẫn im thin thít. Madonna và Rihanna thì úp mở các dự án của mình trên Twitter và Instagram, thi thoảng lại hé lộ vài đoạn nhạc hoặc hình những người mình sẽ cộng tác hoặc hình những nguồn cảm hứng cho bài hát sắp được hoàn tất. Tháng 12-2014, có 13 bài hát bị lọt ra ngoài nên Madonna hết sức tức giận, lập tức tung ra trước sáu bài và đưa ra cột mốc chắc nịch cho việc phát hành album mới Rebel Heart là tháng 3-2015. Các tên tuổi lớn tuyên bố ra album là Metallica, Coldplay (A Head Full of Dreams với lời hứa đây sẽ là album cuối của nhóm), Radiohead…
Một chuyện quan trọng nữa là sự ra mắt của phim James Bond mới, đồng nghĩa với nhiều lời đồn về nhạc phim, vốn được quan tâm không kém bộ phim. Sam Smith có khả năng cao nhất để hát bản nhạc chính trong bộ phim dù rằng việc Adele quay lại sau thành công của bài Skyfall vẫn được tính đến. Vài cái tên khác cũng được cân nhắc là The Foo Fighters, Muse và Beyoncé. Dù ai hát đi nữa thì chắc chắn bài hát phải có từ “Spectre”!
Một vài cột mốc quan trọng, đặc biệt với làng nhạc Mỹ là năm 2015 đánh dấu 50 năm thành lập nhóm Grateful Dead và 100 năm ngày sinh của Frank Sinatra. Có thể trên thế giới không quá đình đám (đặc biệt là Grateful Dead) nhưng đây là những di sản lớn của làng nhạc Mỹ nên chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động từ phát hành đĩa, các show diễn, festival cho tới những chương trình đặc biệt trên truyền hình và cả những bộ phim tiểu sử được chờ đợi. Đạo diễn lừng danh Martin Scorsese đã hứa hẹn về phim Sinatra mãi từ năm 2000 (dự kiến John Travolta đóng vai Frank Sinatra, Tom Hanks đóng vai Dean Martin) đến nay vẫn chưa thành hình. Năm 2013, tin tức về bộ phim được sống lại chút ít với lời đồn hoặc Johnny Depp, hoặc Leonardo DiCaprio đóng vai chính. Có thể cột mốc 2015 sẽ là động lực để các bên hoàn thành bộ phim này.
Trí Quyền (DNSGCT)