Sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc
Một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, TikTok có thể mở ra kỷ nguyên mà châu Á – không phải Thung lũng Silicon – dẫn đầu ngành công nghệ. Sự thay đổi đó có thể mang tính biến đổi. Thung lũng Silicon của California định hình cuộc sống của chúng ta. Từ các trang web nơi chúng ta mua sắm trong gia đình đến các dịch vụ phát video trực tuyến mà chúng ta xem đến các công ty cung cấp email của chúng ta, hầu hết tất cả đều có trụ sở tại góc này của Mỹ.
Cho đến gần đây, đó là sự nổi lên của TikTok, một ứng dụng có công ty mẹ là ByteDance của Trung Quốc, đã đánh vào trọng tâm của vị thế tối cao của Thung lũng Silicon. ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và được xem là Facebook của Trung Quốc. CEO của công ty là Zhang Yiming, sáng lập ByteDance năm 2012. Tên tuổi của Zhang tương đối ít người biết đến ngoài Trung Quốc, nhưng CEO 35 tuổi này có nền tảng là một kỹ sư phần mềm.
Cùng với các sản phẩm kỹ thuật số khác đến từ Trung Quốc, TikTok có tiềm năng định hình lại tương lai của công nghệ – một tương lai trong đó văn hóa và lợi ích của Thượng Hải hoặc Bắc Kinh có thể tạo nên ngành công nghiệp hơn là của Vịnh San Francisco. Theo số liệu từ Sensor Tower, TikTok giờ đây là một phần trong lối sống của hơn 2 tỉ người dùng trên toàn cầu. Trong 5 năm tới, Gen Z (Thế hệ Z thuộc nhóm tuổi từ 16-24) sẽ trở thành nhóm chi tiêu lớn nhất hành tinh. Hiện tại, thế hệ này chi tiêu và mua sắm khoảng 44 tỷ USD/năm.
Đây cũng là thế hệ đầu tiên sinh ra trong thời đại số (digital native), thừa hưởng thành tựu của công nghệ, sử dụng mạng xã hội như thói quen, thường xuyên bị thu hút bởi những giá trị mới, mang bản sắc riêng và đặc biệt khó tính với quảng cáo. Hiện nay, TikTok là một trong số các nền tảng ưa thích của Gen Z vì tính sáng tạo, mới lạ và “trendy”. Trong số 800 triệu tài khoản TikTok trên toàn thế giới, có đến 41% người dùng thuộc Gen Z (theo Datareportal 2020).
Có thể thấy, TikTok thu hút được sự chú ý vì khả năng tạo ra không gian để cộng đồng thể hiện cá tính riêng thông qua những video ngắn, cá nhân hoá và tuỳ biến liên tục. Vượt qua những khó khăn về khả năng và cách sử dụng ứng dụng trong quá khứ, Tik Tok đã dần tạo ra văn hóa của riêng mình, tác động mạnh mẽ đến xã hội và tâm lý người sử dụng. Elaine Jing Zhao, giảng viên cao cấp tại trường nghệ thuật và truyền thông thuộc Đại học New South Wales ở Australia, cho biết: “Trung Quốc tạo ra các phiên bản sản phẩm kỹ thuật số [phương Tây] của riêng mình. Ngày nay, bạn thấy sự thay đổi theo hướng các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây đang học hỏi từ các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc”.
Và các ứng dụng, nền tảng và dịch vụ của Trung Quốc hiện nay trông khá khác so với ở phương Tây. Tất nhiên, nổi tiếng nhất là TikTok – có 690 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, 100 triệu trong số đó ở Mỹ và hơn 100 triệu ở châu Âu. Theo một công ty phân tích ứng dụng di động có trụ sở tại San Francisco, ứng dụng TikTok của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu toàn cầu. Ứng dụng chia sẻ video TikTok hoạt động đơn giản giúp người dùng có thể xem cũng như tạo các video ngắn với âm nhạc, nhãn dán và hoạt hình dưới dạng hiệu ứng đặc biệt.
Nó luôn nằm trong top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới kể từ khi ByteDance ra mắt vào năm 2016. Giống như các ứng dụng khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ sở hữu của TikTok đã cố gắng hạ thấp nền của ứng dụng. Jian Lin, giáo sư trợ lý (assistant professor) Đại học Groningen ở Hà Lan, tác giả của nhiều cuốn sách về ngành công nghiệp và nền tảng công nghệ của Trung Quốc, cho biết: “Họ muốn tạo cho người dùng quốc tế ấn tượng rằng họ không phải là nền tảng Trung Quốc mà là nền tảng toàn cầu. Họ thực sự muốn truyền ấn tượng này đến công chúng rằng họ không nhất thiết phải là người Trung Quốc. Họ cũng giống như những người khác, là một nền tảng toàn cầu”.
Lin phân tích: “Tôi tin rằng các công ty Trung Quốc sẽ trở nên tham vọng hơn và mạnh hơn nữa trong những năm tới. Lin cũng kỳ vọng các công ty này sẽ gia tăng tham vọng toàn cầu của họ: vì thị trường công nghệ nội địa Trung Quốc đã bão hòa cao, với mức độ cạnh tranh mạnh mẽ, họ có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn đến từ thị trường nước ngoài.
Thay đổi công nghệ phương Tây
Hiện nay, cách các ứng dụng do Trung Quốc phát hành tương tác với người dùng và các dịch vụ mà họ cung cấp trong ứng dụng, đang ảnh hưởng đến các nền tảng phương Tây. Một ví dụ là “super app” (siêu ứng dụng). WeChat, Grab và Go-Jek là các ví dụ chính cho một loại phần mềm mới được gọi là “siêu ứng dụng”. Các “siêu ứng dụng” đang thay đổi khả năng giao tiếp, mua sắm online, đọc sách, chơi game, giao nhận đồ ăn và chi trả ở châu Á.
Mục đích của “siêu ứng dụng” (hay còn gọi là “ứng dụng tất cả trong một” – all-in-one app) đó là nhắm tới sự tiện lợi dành cho người dùng khi họ có thể đặt mọi thứ và ship tới tận nơi, sử dụng dịch vụ gọi xe, đặt giúp việc…, cần dịch vụ gì chỉ cần truy cập vào app xem cũng có và bao phủ gần như mọi khía cạnh cuộc sống. Những “ông trùm” siêu ứng dụng hiện nay là WeChat từ Trung Quốc, Grab từ Malaysia, GoJek từ Indonesia, hay Paytm từ Ấn Độ… Việc phát triển “siêu ứng dụng” giúp các nhà vận hành có thể phân tích, dự đoán thói quen và hành vi của người dùng chính xác nhờ lượng dữ liệu lớn nhận về.
Từ đó, với dữ liệu đầy đủ và toàn diện hơn, những giải pháp tiếp thị, tư vấn, ưu đãi ngày càng hiệu quả hơn. Với khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu và phương thức thanh toán đơn giản, “siêu ứng dụng” đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến kinh tế và thói quen của người cùng châu Á. Cuộc đua siêu ứng dụng ở châu Á vẫn sẽ là mục tiêu hướng đến của nhiều hãng công nghệ. Bởi thị trường vẫn còn nhiều hấp dẫn để khai thác. Cuộc đua đó chắc chắn cũng sẽ còn nhiều sự cạnh tranh khốc liệt.
Các doanh nghiệp sẽ không ngừng cải thiện công nghệ, nâng cao năng lực nền tảng… Bởi người dùng sẽ càng trung thành với một hệ sinh thái khi mang lại cho họ nhiều sự tiện lợi nhất. Fabian Ouwehand, người sáng lập Many, một cơ quan tiếp thị xã hội của Hà Lan, chuyên tư vấn cho các công ty và những người có ảnh hưởng về cách sử dụng TikTok và phiên bản tiếng Trung là Douyin. Lin cho biết: “Ở Trung Quốc, mọi người đã quen với phiên bản thương mại hóa của giải trí trên mạng xã hội và thực hiện rất nhiều thương mại điện tử và kinh doanh thông qua các ứng dụng của họ”.
Ví dụ: trên Douyin, người dùng có thể mua sản phẩm trực tiếp từ ứng dụng khi họ xem các video dạng ngắn mà người sáng tạo đăng lên nền tảng – điều mà TikTok ở phương Tây đang bắt chước thông qua việc giới thiệu tích hợp với nền tảng mua sắm trực tuyến Shopify, ra mắt vào tháng 10-2020. Ở thời điểm ban đầu, tư duy làm ứng điện thoại thường là việc tìm kiếm một nhu cầu thị trường, xây dựng tính năng có khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Mỗi một ứng dụng gần như là một tính năng duy nhất.
Ý tưởng về việc tích hợp rất nhiều tính năng chính và một ứng dụng duy nhất không đến từ thung lũng Silicon mà là Trung Quốc. Người Trung Quốc dường như đã định nghĩa lại khái niệm “Mobile first” trong thiết kế, họ không đặt câu hỏi làm thế nào để những nội dung có thể hiển thị được trên giao diện điện thoại, mà thay vào đó là câu hỏi một chiếc điện thoại có thể giải quyết những gì trong cuộc sống – hay tất cả những gì một chiếc điện thoại có thể làm được.
Những tính năng như tin nhắn giọng nói, kết bạn bằng việc lắc điện thoại trên WeChat là minh chứng cho lối tư duy thiết kế sáng tạo đó. WeChat, thường được mô tả chỉ là một ứng dụng trò chuyện, còn hơn thế nữa: nó còn là một nền tảng thanh toán và một cách để cập nhật thông tin với bạn bè. WeChat (hay còn có tên gọi Weixin tại Trung Quốc) được tạo ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Dự án của Tencent ở Quảng Châu vào tháng 10.2010. Wechat là một công cụ liên lạc di động mới và mạnh mẽ, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng không hề thua kém đàn anh đi trước như Messenger, Whatsapp, Viber… WeChat hỗ trợ gửi tin nhắn thoại, video, ảnh và văn bản.
Người dùng cũng có thể dễ dàng chia sẻ video, hình ảnh, video game cũng như vị trí tới bạn bè của mình. Hiện nay, WeChat đã có mặt trên hơn 200 quốc gia với hơn 20 ngôn ngữ, mỗi ngày có đến hơn 900 triệu người sử dụng WeChat và có đến 38 tỷ tin nhắn được gửi đi. Được mệnh danh là một “siêu ứng dụng”, Wechat là ứng dụng “chat” chiếm thị phần nhiều nhất Trung Quốc. WeChat hiện là một trong những ứng dụng nhắn tin được sử dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Tính đến quý 3.2019, WeChat đã có hơn 1,15 tỷ người dùng mỗi tháng.
Tại Trung Quốc, WeChat không chỉ đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin mà còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như ví điện tử để thanh toán trực tuyến, trả tiền khi mua sắm hay gọi taxi… WeChat chính là khởi nguồn cho xu hướng “mini programs” hoặc “app in app” (ứng dụng trong ứng dụng) và thuật ngữ “siêu ứng dụng” được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Từ việc tưởng chừng như phải dừng dự án ngay sau bản phát hành đầu tiên đến khi trở thành “người khổng lồ” ứng dụng được công nhận trên toàn thế giới, WeChat đã trải qua một lịch sử rất dài. Giờ đây, WeChat vẫn không ngừng cập nhật nhiều tiện ích mới cùng với sự lựa chọn vô hạn. Điều này giúp cho đại đa số người dùng được đáp ứng hầu hết nhu cầu trực tuyến mà không cần rời khỏi ứng dụng.
Sự thành công của “siêu ứng dụng” ở Trung Quốc trở thành nguồn cảm hứng lẫn hậu thuẫn tài chính cho các startup tại Đông Nam Á. “Tại Đông Nam Á, mô hình siêu ứng dụng đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, tờ Fortune bình luận. Tờ Forbes miêu tả trong một bài viết: “Người dùng có thể mua sắm, gọi xe, đặt một khách sạn ngay tại đó, trong lúc trò chuyện với bạn bè trên Wechat”.
Trong khi đó, tờ The Economist xem WeChat là “một ứng dụng thống trị tất cả” và là ngôi nhà mặc định của người Trung Quốc trên smartphone. Các siêu ứng dụng đi sau WeChat tại phương Tây và Mỹ có thể kể đến Facebook, Airbnb, Uber… Các công ty công nghệ Bắc Mỹ và châu Âu cũng đang hướng đến “siêu ứng dụng” song không dễ để họ trở thành “WeChat phương Tây”. Điều khá ngạc nhiên là Châu Âu, Australia, Châu Phi, Mỹ và Canada không có một “siêu ứng dụng” theo đúng nghĩa.
David Marcus, giám đốc Facebook Messenger, từng thừa nhận WeChat là nguồn cảm hứng của họ. Uber cũng tuyên bố ý định trở thành “nền tảng của cuộc sống hàng ngày”, bắt đầu bằng việc kết hợp Uber và Uber Eats trong một ứng dụng, mở rộng các tùy chọn đặt xe. Họ thậm chí còn có một công ty giao hàng tên là Uber Freight. Amazon muốn trở thành “siêu ứng dụng” ở Ấn Độ, cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử, đặt vé máy bay, đặt xe, giao đồ ăn… hoặc trực tiếp hoặc thông qua công ty mà họ mua. Hàng loạt dịch vụ mà người Trung Quốc sử dụng trên smartphone được cung cấp chỉ với một vài “siêu ứng dụng”.
- Xem thêm: Mạng xã hội chán chữ, ngán hình
Zhao cho biết lý do “siêu ứng dụng” trở nên phổ biến ở Trung Quốc rất đơn giản. Zhao giải thích: “Mọi người cảm thấy thực sự thuận tiện khi mọi phần trong cuộc sống của họ được tổ chức bởi các nền tảng truyền thông xã hội và siêu ứng dụng. Từ mua sắm trực tuyến đến gọi taxi, giao lưu với bạn bè và gặp gỡ người lạ, mọi thứ bạn có thể làm trong một ứng dụng”.
Loại tiếp cận này yêu cầu chuyển giao nhiều dữ liệu hơn để liên kết các hệ thống khác nhau thành một nơi duy nhất, thuận tiện cho người dùng – điều mà không phải ai cũng có thể hài lòng. Nhưng các chuyên gia tin rằng nhân khẩu học đang đứng về phía các nhà phát triển ứng dụng. Ouwehand nói: “Người dùng trẻ tuổi sẽ chấp nhận nó nhanh hơn so với các thế hệ cũ, những người có một chút cảnh giác. Họ coi trọng sự tiện lợi hơn sự riêng tư”. Các công ty phương Tây đang lưu ý.
Các nền tảng như Facebook đã bắt đầu mang nhiều tính năng và dịch vụ khác nhau dưới một cái ô duy nhất: trong những năm gần đây, Facebook đã tích hợp video trực tuyến (Facebook Watch) và mua sắm (Facebook Marketplace) vào mạng xã hội cốt lõi của mình. Instagram, do Facebook sở hữu, đã thêm các video lặp lại dạng ngắn giống TikTok, được gọi là Instagram Reels, trong những tháng gần đây và cũng có kết nối với Shopify để người hâm mộ của những người có ảnh hưởng có thể mua sản phẩm mà họ yêu thích mặc trực tiếp trong ứng dụng…
Rui Ma, chuyên gia công nghệ Trung Quốc có trụ sở tại Thung lũng Silicon, đồng ý: “Tôi đang thấy ngày càng nhiều công ty cố gắng thêm nhiều tính năng hơn vào ứng dụng của họ. Đó có lẽ là động thái công khai lớn nhất trông giống công nghệ Trung Quốc hơn một chút”. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, có những khác biệt khác cũng có thể tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa. TikTok đã bị chỉ trích vì cách tiếp cận với những người sáng tạo khuyết tật và thừa cân, những người có video bị cáo buộc là giảm mức độ ưu tiên – một di sản của chính sách kiểm duyệt do các nhân viên ở Trung Quốc đưa ra.
Ứng dụng cho biết kể từ đó họ đã vẽ lại các chính sách của mình về việc kiểm duyệt để phù hợp với khẩu vị và văn hóa phương Tây cởi mở hơn, ít kiểm duyệt hơn. Lin cho biết: “Những gì chúng tôi biết dựa trên báo cáo của các phương tiện truyền thông cho thấy TikTok có hướng dẫn rất rõ ràng trong công ty của họ về loại nội dung nào cần quảng cáo và loại nội dung nào nên được xóa hoặc ẩn khỏi những người dùng khác”.
Tuy nhiên, mặc dù đã bản địa hóa các chính sách kiểm duyệt nội dung của mình, TikTok vẫn chủ động hơn nhiều so với các nền tảng xã hội phương Tây trong việc can thiệp vào những nơi nó thấy nội dung có khả năng gây rắc rối. Báo cáo minh bạch vào tháng 9-2020 của công ty cho thấy, trong số 104 triệu video bị xóa khỏi TikTok trong nửa đầu năm 2020, 90,3% đã bị xóa trước khi chúng nhận được bất kỳ lượt xem nào – và 96,4% đã bị chính ứng dụng gỡ xuống trước khi bị cảnh báo vi phạm nội dung của người dùng khác. So sánh điều đó với chính sách kiểm duyệt nội dung của YouTube.
Cho đến khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 buộc YouTube phải phụ thuộc nhiều hơn vào việc kiểm duyệt tự động hơn là sự can thiệp của con người, ứng dụng này đã tụt hậu một chút so với TikTok về việc chủ động gỡ video xuống. Trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6.2020, theo dữ liệu gần đây nhất có sẵn, 95% video đã bị gỡ xuống do “tự động gắn cờ”, mặc dù chỉ 42% không có lượt xem trước khi chúng bị xóa.
Tương lai của công nghệ
Một cách khác mà các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các nền tảng truyền thông xã hội của phương Tây là cách họ trình bày và lọc thông tin. Trong khi Facebook và Twitter đề xuất các bài đăng dựa trên những gì bạn bè của bạn đang đăng và chia sẻ trên nguồn cấp dữ liệu tin tức của bạn, thì TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác thích cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bạn và sau đó hướng nội dung đến bạn mà họ nghĩ rằng bạn sẽ thích.
Ouwehand nói: “Ở Trung Quốc, bạn thấy rất nhiều nền tảng khác nhau sắp ra đời tập trung nhiều hơn vào việc khám phá và ở đây, điều đó nằm trong mạng xã hội của bạn”. Mô hình này hiểu sở thích của chúng ta dựa trên hành vi trước đây với các video chúng ta đã xem, thay vì giả định sở thích của chúng ta dựa trên những video chúng ta tương tác hoặc thông qua các cụm từ tìm kiếm trước đây của chúng ta.
Đó là sự khác biệt có ý nghĩa định hình cách chúng ta sử dụng thông tin và thay đổi tính kinh tế của những người tạo ra nội dung. Theo mô hình thăm dò và đề xuất thuật toán của Trung Quốc, người dùng ít chú ý đến những người sáng tạo nội dung riêng lẻ mà họ theo dõi. Ví dụ: trên YouTube, những nhân vật trở thành người nổi tiếng nhanh chóng nhờ khả năng xây dựng cơ sở người hâm mộ trung thành.
Nhưng trên TikTok, bất kỳ ai cũng có thể trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm chỉ vì một video duy nhất chứng tỏ sự phổ biến với thuật toán của ứng dụng – và sự nổi tiếng đó có thể biến mất gần như nhanh chóng khi video lớn tiếp theo xuất hiện thông qua mã của ứng dụng. Với mức độ phổ biến của chiến lược đó, nó cũng có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn hơn giữa các nền tảng truyền thông xã hội khác. Nếu các công ty Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò ngày càng có ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ, thế giới trực tuyến của chúng ta có thể trông rất khác vào năm 2030.
Đầu tiên, nó có thể đa dạng hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon mà chúng ta vẫn thường thấy bây giờ. Và trong khi các ứng dụng Trung Quốc nổi tiếng nhất hiện nay, điều đó có thể thay đổi. Zhao nói: “Không chỉ các công ty Trung Quốc mà còn các công ty khác ở châu Á. Những gã khổng lồ trong khu vực này cũng có thể muốn có một phần của miếng bánh thị trường toàn cầu.
Chúng ta đang nhìn thấy Facebook và Google đang cạnh tranh để giành một phần thị trường châu Á, nhưng đồng thời những người khổng lồ trong nước cũng đang thâm nhập vào thị trường Mỹ”. Chúng ta cũng có thể thấy các ứng dụng ngày càng chú trọng vào bản địa hóa, điều mà chúng ta đã thấy với TikTok. Zhao lập luận: “Nếu muốn trở thành một công ty toàn cầu, bạn phải cố gắng phục vụ những người tiêu dùng khác nhau với những thị hiếu văn hóa khác nhau”.
Và chúng ta có thể thấy các sản phẩm phương Tây dẫn đầu nhiều hơn từ các chiến lược hoặc dịch vụ thành công ngoài Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Ouwehand nói: “Đó là nơi mà phương Tây sẽ sao chép rất nhiều. Về mặt chức năng và việc mở rộng các ứng dụng của riêng họ để làm được nhiều việc hơn”. Tương lai của công nghệ trong thập kỷ tới chắc chắn sẽ trông không giống với lý tưởng được thiết kế bởi Thung lũng Silicon mà chúng ta đã từng sử dụng trong 20 năm qua. Nhưng có vẻ như nó sẽ phát triển thông qua các bước nhỏ và ảnh hưởng nhỏ.