Người phụ nữ gốc Bến Tre này được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển gene “mặn”, có khả năng chống chịu lại độ mặn. Một số nghiên cứu của chị cũng đã được áp dụng đại trà tại nhiều vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua.
Đằng sau những thành tựu đáng ghi nhận này là một hành trình không mệt mỏi, bứt thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ những hồi ức về một thời khốn khó. Chị nói:
Cha tôi bị tù ở Quy Nhơn vì đi theo cách mạng. Mẹ tôi mang bầu tôi sau một lần đi thăm chồng. Năm 1962, khi lên năm tôi mới gặp cha mình lần đầu tiên khi ông mãn hạn tù. Những năm tháng lưu đày đã bào mòn sức khỏe của ông. Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm. Ba người anh kế tiếp thường xuyên vắng nhà vì trốn quân dịch. Thế nên, nửa buổi đến trường, nửa buổi tôi theo cha tôi làm vườn.
____
Phải chăng chính sự túng quẫn là động lực khiến chị quyết tâm bứt ra khỏi đồng bằng nghèo khó?
Có nhiều lý do. Mẹ tôi, sau 12 lần sinh nở, lại thêm việc gồng gánh nuôi đàn con nheo nhóc khi cha tôi vắng nhà, khiến bà bị lao lực, bị bệnh tim. Mỗi lần ra tỉnh chích thuốc, mẹ thường dắt tôi theo. Đường xa, mà cả tỉnh hồi đó chỉ có ba bác sĩ, nên bệnh nhân thường xuyên phải sắp hàng chờ đợi rất lâu.
Quan sát bác sĩ chích thuốc, tôi ghi nhớ, rồi tự chích thuốc cho mẹ. Bác sĩ hồi đó thanh liêm nhưng cuộc sống rất dư dả. Tôi hiểu rằng nhờ được học hành đến nơi đến chốn nên dù công việc nhẹ nhàng mà cuộc sống của bác sĩ vẫn rất thoải mái, một người làm việc có thể nuôi cả nhà. Còn gia đình mình, mọi người xúm xít, làm lụng đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu đói quanh năm là vì ít chữ.
Thêm nữa, mẹ tôi nói sẽ gả tôi cho một người tật nguyền sau khi học hết trung học. Bởi những người tật nguyền sẽ được miễn quân dịch. Bà thấm thía sự bất trắc của chiến tranh. Tôi hiểu bà lo lắng cho tương lai của con gái nhưng trong thâm tâm, tôi không cam chịu. Tôi chưa chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân. Tôi cũng không thể gắn cuộc đời mình với một người đàn ông mà mình không yêu thương. Lối thoát duy nhất là phải vào đại học. Tôi quyết tâm thi và đậu Trường Y khoa Sài Gòn. Nếu trở thành bác sĩ, tôi có thể trị bệnh cho những người thân của mình. Ba người anh đầu của tôi đã mất vì bệnh tật.
____
Học y khoa, nhưng giờ đây, nhiều người lại biết đến chị với tư cách là một nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp?
Khi tôi hoàn tất chương trình dự bị y khoa một năm thì đất nước giải phóng, hệ thống giáo dục ở miền Nam đều bị cơ cấu lại. Theo đó, trường y tạm thời đóng cửa. Vậy nên, khi được phép chuyển tiếp sang ngành Sinh học, Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh – PV), tôi đăng ký liền. Tôi không có thời gian để chờ đợi.
Việc bất đồng quan điểm là chuyện bình thường. Nhưng nhiều khi, người ta bài bác nhau không phải vì tìm ra cái đúng, mà là để phủ nhận nhau.
____
Chị có thể nói rõ hơn…
Chung quy vẫn là do sự túng quẫn. Khi lên Sài Gòn nhập học, tôi được hai vợ chồng dì Tư, cũng là người Bến Tre, làm lao công trong trường cho tá túc. Nơi ở của chúng tôi là hầm cầu thang của giảng đường gần 500 chỗ, sát dãy nhà vệ sinh. Chỗ ở chật chội, quanh năm tối thui và hôi thúi nhưng tràn ngập tình người. Chúng tôi nằm xếp lớp như cá hộp. Biết tôi khó khăn về tài chính, hai người kêu tôi phụ việc. Đổi lại, tôi được nuôi cơm.
Tôi thường dậy từ bốn giờ sáng, phụ bác trai quét dọn giảng đường, rồi giúp bác gái dọn hàng nước bán cho sinh viên. Các con của vợ chồng dì Tư lớn dần, chỗ ngủ ngày càng trở nên chật chội. May mắn là đến năm thứ ba đại học, trường có chương trình hỗ trợ học bổng và ưu tiên chỗ ở trong ký túc xá cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tôi nộp đơn và được xét duyệt. Kể từ đó, tôi có thể tự lo cho mình bằng học bổng. Khi tôi tốt nghiệp cũng là lúc mẹ tôi cũng vừa qua đời.
Cha tôi kêu tôi về. Ông sợ tôi ở thành phố, hoạt động đoàn thể “rầm rập rồi sinh hư”. Thực tình, trường cũng có ý định giữ tôi ở lại làm công tác đoàn. Nhưng tôi làm phong trào để vui, phục vụ cho chuyên môn, chứ không phải để mưu sinh. Đúng lúc đó thì tỉnh Bến Tre có chủ trương đến từng trường, xin sinh viên tốt nghiệp quê Bến Tre về địa phương làm việc. Tôi được bố trí về sở khoa học, phụ trách mảng canh tác thay một đồng nghiệp vừa có quyết định đi học.
____
Có vẻ như sự “bố trí” này không phù hợp với tâm nguyện của chị?
Đúng là tôi không hào hứng với mảng canh tác. Tôi thích mảng di truyền chọn giống. Tôi chọn ngành này một phần vì công việc đòi hỏi quá trình nghiên cứu, sáng tạo, phần khác là do ít người làm. Sau một năm làm việc ở sở, tham dự một số hội thảo, hội nghị về nông nghiệp, tôi thấy năng lực của mình còn hạn chế nhiều mặt. Tôi quay lại trường, đăng ký học nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, do cơ quan chưa có điều kiện, nên tôi đành phải gác lại. Mãi đến năm 1990, sau khi về Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, nguyện vọng của tôi mới trở thành hiện thực. Năm 1994, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu ưu thế lai cho giống lúa.
____
Nhiều người trên thế giới bắt đầu biết đến Nguyễn Thị Lang kể từ khi chị làm đề tài sau tiến sĩ tại Viện Lúa Quốc tế (IRRI) tại Phillippines?
Đó là một duyên may. Tháng 4/1995, Quỹ Rockefeller gồm nhiều nhà khoa học sang thăm viện. Lúc đó, chỉ lãnh đạo của viện mới được tiếp đoàn. Tôi đang làm việc thì có một người nước ngoài đẩy cửa, bước vô phòng và bắt chuyện với tôi. Ông ấy hỏi khá nhiều, từ công việc, bằng cấp… cho đến nguyện vọng. Tôi nói mình muốn ra nước ngoài học tiếp, vừa cập nhật tri thức, vừa trau dồi tiếng Anh… Đi hội thảo có các chuyên gia quốc tế, tôi chỉ ngồi, không thảo luận được với họ vì không biết bắt đầu từ đâu.
____
Chị trò chuyện với ông ấy bằng tiếng Anh đó thôi?
Khả năng tiếng Anh của tôi lúc đó thực ra rất hạn chế, đủ diễn đạt một số vấn đề thông thường, còn đi vào chuyên môn. Hồi đó, cứ sáu tháng, viện lại tổ chức thi sát hạch ngoại ngữ một lần. Những người vượt qua được sẽ được nhận một khoản tiền thưởng. Khoản này, đối với nhiều người có thể chẳng đáng là bao, nhưng với mức thu nhập của chúng tôi thì cũng đáng kể. Nhờ có khoản thưởng đó mà tôi chú tâm học ngoại ngữ.
Tiếp tục với cuộc trò chuyện giữa tôi và người nước ngoài. Trước khi ra về, ông ấy ghi lại địa chỉ của tôi. Ông ấy nói nếu tôi cần hỗ trợ thì viết thư theo địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp mà ông ấy để lại. Hóa ra ông ấy là người phụ trách văn phòng của Quỹ Rockefeller khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi nhân viên của ông ấy làm việc với lãnh đạo viện thì ông ấy lại đi lang thang, hỏi chuyện những người như mình.
Sau khi sinh con trai đầu, hai vợ chồng tôi thống nhất là không sinh thêm nữa. Hồi đó khổ quá, sợ sinh con ra rồi không lo nổi cho con. Từ khi ra nước ngoài làm việc, bắt đầu có tích lũy, chúng tôi mới quyết định có thêm một cháu nữa.
____
Rồi chị có viết thư cho ông ấy không?
Tôi không dám viết. Nhưng sau một tuần kể từ cuộc gặp gỡ đó, thì tôi nhận được thư của ông ấy, kèm theo mẫu hồ sơ đăng ký học chương trình sau tiến sĩ về công nghệ sinh học. Một tháng sau khi hồi âm, tôi nhận được thư mời kèm vé máy bay qua Thái Lan phỏng vấn. Lần đầu tiên đi nước ngoài, tôi vừa xúc động, vừa hồi hộp. Xuống sân bay là có người đưa về khách sạn. Chỗ ở rất sang nhưng cả ngày hôm đó, tôi nhịn đói.
____
Vì đồ ăn không hợp khẩu vị?
Không phải. Tôi không dám ăn vì không có tiền trả. Người ta chỉ nói bao tiền vé, tiền ở chứ đâu có đề cập đến việc bao cơm. Trong khách sạn có bày một dĩa chuối, tôi cũng không dám ăn, chỉ uống nước cầm hơi. Trong túi tôi cũng không có tiền. Hồi đó nghèo quá. Sáng ngày kế tiếp, thư ký của ông ấy lại đưa tôi qua văn phòng phỏng vấn. Không biết có phải vì thấy mình mệt mỏi hay vì phép lịch sự, ông ấy hỏi đã ăn sáng chưa trước khi vào phỏng vấn của 21 nhà khoa học.
Tôi khai thiệt. Ông ấy kêu nhân viên mang ra một dĩa bánh, tôi ngốn sạch. Về Việt Nam được nửa tháng, tôi nhận được thư của ông ấy, thông báo có sáu tổ chức ở Mỹ, Canada, châu Âu và IRRI làm nghiên cứu sau tiến sĩ theo kinh phí của Quỹ Rockefeller. Tôi chọn IRRI vì tổ chức này là nơi hồi âm sớm nhất. Phía IRRI đặt ra tiêu chuẩn khá cao, yêu cầu tôi phát triển 10 loại gene ưu thế lai trong thời gian hai năm rưỡi.
____
Chị có hoàn thành được không?
Tôi chỉ phát triển được 5/10 loại gene.
____
Đến nay, những nghiên cứu của chị đã được áp dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Có chứ. Chẳng hạn như công trình về gene chống rầy nâu, gene chống đạo ôn ở cây lúa, đã bắt đầu được ứng dụng từ năm 2001.
____
Nhưng thực tế là những năm gần đây, rầy nâu và đạo ôn cứ đến hẹn lại lên?
Tôi mới nghiên cứu được một loại gene kháng rầy nâu. Khi mới công bố, loại gene này ức chế được rầy nâu. Tuy nhiên, theo thời gian, quần thể rầy nâu phát triển, đột biến thành nhiều loại gene mới, khiến gene kháng mình tạo ra bị vô hiệu hóa. Trước đây, chu kỳ của rầy nâu là 10 năm mới tấn công đồng ruộng ác liệt một lần, còn những năm gần đây, năm nào rầy nâu cũng bùng phát. Đạo ôn cũng vậy. Hiện nay đạo ôn đã phát triển thành 40 loại gene khác nhau. Khí hậu nóng ấm, sương mù càng nhiều là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển. Thành ra, cuộc chiến giữa các nhà khoa học và sâu bệnh là vấn đề trường kỳ và liên tục.
____
Như vậy, vấn đề đặt ra là chuẩn bị đội ngũ kế cận như thế nào?
Thực tế là những người theo đuổi ngành di truyền chọn giống rất ít. Mọi năm, chúng tôi chỉ tuyển được từ một đến hai người là những cán bộ đi học. Còn năm nay thì không tuyển được ai. Có những người học được một thời gian thì bỏ. Môn này rất khó, tiền mua hóa chất phục vụ nghiên cứu cũng rất tốn kém.
____
Nói tiếp về rầy nâu và đạo ôn. Liệu hai loại sâu bệnh này có phải là mối đe dọa lớn nhất đối với người nông dân ở đồng bằng?
Rầy nâu và đạo ôn được xếp vào nhóm đe dọa sinh học. Một vấn đề cũng không kém phần nóng bỏng là đe dọa phi sinh học. Cụ thể là tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Khác với đe dọa sinh học, chúng ta chưa thể định lượng chính xác những thiệt hại do đe dọa phi sinh học, nhất là vấn đề xâm nhập mặn. Mặn thấm từ từ vào đất, không làm cây lúa chết ngay, nhưng ảnh hưởng đến năng suất. Theo tính toán của thế giới, khô hạn và nhiễm mặn có thể khiến sản lượng giảm tới 50%.
____
Những địa phương bị xâm nhập mặn khá nghiêm trọng như Cà Mau, Bạc Liêu trồng giống lúa AS996, OM2395. Những giống này là phát kiến của chị?
Vâng. Đề tài gene mặn tôi thực hiện ở IRRI, sau đó tiếp tục phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản về Khoa học Nông nghiệp (JIRCAS) vào năm 2000. Thời gian làm việc ở Nhật cũng là lúc tôi mang bầu cháu thứ hai.
____
Vất vả nhỉ?
Thực ra, sau khi sinh con trai đầu, hai vợ chồng tôi thống nhất là không sinh thêm nữa. Hồi đó khổ quá, sợ sinh con ra rồi không lo nổi cho con. Bên gia đình tôi đã nghèo, bên nhà chồng tôi còn nghèo hơn. Thêm nữa, anh ấy lại là con lớn trong gia đình, phải cáng đáng việc nuôi mấy người em ăn học. Từ khi ra nước ngoài làm việc, bắt đầu có tích lũy, chúng tôi mới quyết định có thêm một cháu nữa.
____
Chị đã rất nỗ lực để vượt thoát ra khỏi đồng bằng nghèo khó. Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, việc chị quyết định trở về đồng bằng nên được hiểu như thế nào?
Tôi về là vì chồng, vì con. Tôi đã làm việc ở nước ngoài gần 10 năm. Chồng tôi hy sinh cho tôi như vậy là đủ rồi. Con út của tôi năm nay 10 tuổi, kém con lớn của chúng tôi 17 tuổi.
____
Còn con trai lớn của chị, có đi theo khoa học không?
Ban đầu, con trai tôi học ngành kinh doanh. Có điều kiện đi nước ngoài, thấy cuộc sống sung túc của những nhà khoa học, nên con tôi chuyển hướng, chuyển sang lĩnh vực y khoa. Hai vợ chồng tôi cũng khuyên cháu theo khoa học, vì “nhà mình không có ai theo con đường kinh doanh”.
____
Được biết, chồng chị hiện là Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam ở TP. Hồ Chí Minh. Nếu đã xác định về nước để vợ chồng gần nhau, tại sao mỗi người vẫn một nơi?
Tôi nghĩ môi trường làm việc trên thành phố phù hợp với cương vị quản lý, điều hành… Còn tôi, đã xác định chỉ làm nghiên cứu, nên chỗ nào thuận lợi nhất cho công việc thì mình ở. Cuối tuần, chồng tôi lại về thăm hai mẹ con.
Thành thực, giai đoạn đầu mới về nước, tôi cũng bị hẫng hụt dữ lắm. Làm việc ở nước ngoài điều kiện tốt hơn nhiều. Mình không phải lo gì hết, chỉ tập trung vào công việc nghiên cứu. Khổ sở nhất của những người làm khoa học là không được phát huy năng lực của mình. Nếu trông vào kinh phí rót từ ngân sách, tôi chỉ thực hiện được những đề tài nhánh. Phần lớn những đề tài nghiên cứu của tôi hiện nay đều từ nguồn kinh phí của nước ngoài.
Những người làm khoa học thực thụ có tự trọng của họ, nói một lần không được lắng nghe thì lần sau họ sẽ không nói nữa, dù chấp nhận thiệt thòi.
____
Đó có phải là điều khiến chị buồn nhất?
Không. Buồn nhất là có một số đồng nghiệp không hiểu mình. Cũng nhờ nguồn kinh phí từ các dự án trên mà chúng tôi đã xây dựng được hệ thống chín phòng lab khá hiện đại, đáp ứng phần nào nhu cầu nghiên cứu và thực tập của sinh viên.
____
Dường như giới khoa học ở xứ mình, hiếm khi “phục” nhau?
Việc bất đồng quan điểm là chuyện bình thường. Nhưng nhiều khi, người ta bài bác nhau không phải vì tìm ra cái đúng, mà là để phủ nhận nhau. Ở nước ngoài, các nhà khoa học có tinh thần hợp tác, trao đổi, bổ sung, góp ý, thậm chí bác đề tài, yêu cầu xóa đi làm lại. Khoa học phụng sự cái chung, chứ không vì cái riêng. Vì vậy, muốn làm khoa học thì phải dọn cái tôi. Nhiều khi ngồi hội đồng khoa học, những người làm công tác phản biện thì bị ghét.
____
Phải chăng vì trong cơ chế hiện nay, có đề tài được duyệt đồng nghĩa với việc được cấp kinh phí từ ngân sách?
Đúng. Công tác phân bổ ngân sách cho khoa học hiện nay khá dàn trải, theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, dẫn đến tình trạng những người không có năng lực cũng được cấp kinh phí như những người có năng lực. Đây là một sự lãng phí lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, cũng không hiếm trường hợp các nhà khoa học dở cười dở mếu khi đề tài mình bỏ công bỏ của nghiên cứu, trình lên bị thêm thắt ít nhiều, đến khi công bố thì đã trở thành sản phẩm của tập thể. Kết quả là ngân sách rót xuống bị chia năm xẻ bảy.
____
Tình trạng bất hợp lý này tồn tại đã lâu…
Tôi có cảm giác là những người làm được việc thì ý kiến của họ chưa được những người có trách nhiệm lắng nghe một cách đầy đủ. Đối tượng lấy ý kiến thường là cấp quản lý. Thế nhưng, một số nhà quản lý hiện nay bị các công ty cung cấp thiết bị o bế. Khi quyết định đầu tư máy móc trang thiết bị, họ không tham vấn cụ thể những nguời có chuyên môn, dẫn đến trường hợp máy móc nhập về nhiều khi không phù hợp với nhu cầu thực tế, không sử dụng được.
____
Có giải pháp nào không, thưa chị?
Những người cầm cân nảy mực phải nghe được và nghe trúng. Trước khi ra quyết định, nên tham vấn ý kiến của hội đồng khoa học. Các nhà khoa học phải được ngồi đúng chỗ, tức là hội đồng khoa học phải gồm những nhà khoa học thực thụ. Một hội đồng mà quản lý vẫn chiếm đa số, thì phần thiểu số có phản biện cỡ nào cũng không lại. Những người làm khoa học thực thụ có tự trọng của họ, nói một lần không được lắng nghe thì lần sau họ sẽ không nói nữa, dù chấp nhận thiệt thòi.
Như chị nói, đầu tư dành cho khoa học dù sao vẫn còn hạn chế. Liệu các nhà khoa học có thể trông vào những kênh khác, chẳng hạn như sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, để đôi bên cùng có lợi?
Tôi không đặt nhiều kỳ vọng nhiều vào các doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp của chúng ta không sòng phẳng, nếu có đầu tư thì cũng “cò con”.
____
Xin cảm ơn chị.