Áp lực có thể đến từ sự hoang mang khi đứng giữa một sân bay rộng lớn, sự căng thẳng khi phải trải qua nhiều khâu thủ tục, sự mệt mỏi với đống hành lý và rất nhiều vấn đề phát sinh khác… nên sẽ càng căng thẳng hơn nếu gặp phải trường hợp chuyến bay bị hoãn hoặc bị hủy. Tuy nhiên, đây là một thực tế thường xảy ra trong vận chuyển hàng không, vì vậy nếu giữ được trạng thái bình tĩnh, linh hoạt và kiên nhẫn, bạn sẽ tạo cho mình những phản ứng tích cực từ đó giúp bạn có được trạng thái nhẹ nhàng và đưa ra được những quyết định, hành động hiệu quả để có thể tiếp tục hành trình.
Trước khi đến sân bay
1. Kiểm tra tình trạng chuyến bay của bạn thường xuyên bằng cách gọi điện hoặc kiểm tra thông tin trên website của hãng hàng không. Thông thường, nếu có vấn đề liên quan đến chuyến bay, hãng hàng không sẽ thông báo cho hành khách thông qua tin nhắn điện thoại hoặc qua email, nhưng thỉnh thoảng vì một lý do nào đó có thể bạn không nhận được thông báo kịp thời.
2. Cập nhật điều kiện thời tiết tại điểm khởi hành và tại điểm đến. Hãy bỏ một chút thời gian để lắng nghe hay đọc những thông tin dự báo thời tiết để xác định khả năng ảnh hưởng của nó đến chuyến bay của bạn. Đặc biệt khi bạn đang ở hoặc chuẩn bị bay đến những quốc gia nằm trong khu vực dễ bị thiên tai. Tùy vào thông tin dự báo về thời tiết, bạn cũng có thể dự đoán khả năng chuyến bay của bạn bị “kẹt” trong bao lâu, vài giờ hay thậm chí là vài ngày.
3. Nhớ tất cả những thông tin liên quan đến chuyến bay như số hiệu chuyến bay, mã vé, giờ cất cánh, số điện thoại của hãng hàng không hay phòng vé và cả số điện thoại của người sẽ đón bạn tại điểm đến.
Khi nhận được thông báo chuyến bay bị hoãn tại sân bay
1. Tìm mọi cách có được thông tin chính xác về khoảng thời gian hoãn của chuyến bay, điều này có thể giúp bạn đưa ra quyết định chọn địa điểm để chờ đợi hợp lý. Thực tế hãng hàng không có trách nhiệm phải cung cấp những thông tin chính xác về sự cố cho hành khách và những tiện nghi giúp hành khách giảm bớt sự phiền toái như bữa ăn hay nơi nghỉ, nhưng đôi khi điều này bị làm ngơ vì vậy bạn nên chủ động đưa ra kế hoạch càng sớm càng tốt.
2. Xác định các chặng bay kế tiếp có bị ảnh hưởng vì sự cố hay không, nếu xác định nguy cơ có thể bị chậm cho chặng bay nối chuyến, bạn phải nhanh chóng liên hệ với nhân viên hãng hàng không để thông báo tình trạng và cung cấp những thông tin cần thiết để có được những sự hỗ trợ giải quyết kịp thời.
3. Về hành lý đã ký gửi: trong thời gian chờ đợi tại sân bay, bạn nên tập trung lắng nghe những thông báo từ hãng hàng không, đặc biệt liên quan đến hành lý ký gửi nếu bạn không muốn mình tiếp tục nhận thêm rắc rối. Mỗi hãng hàng không sẽ có quy trình xử lý khác nhau đối với hành lý ký gửi của các chuyến bay bị hoãn hoặc hủy, hành lý ký gửi có thể sẽ được hãng chuyển sang chuyến bay thay thế hoặc hành khách sẽ phải nhận lại và làm thủ tục lại từ đầu.
4. Quan tâm đến trẻ em đi cùng: phải cố gắng giảm thiểu sự tác động của sự cố đến giờ giấc ăn ngủ sinh hoạt của trẻ bằng những chú ý sau:
- • Thức ăn của trẻ nên để trong hành lý xách tay để có thể chủ động điều chỉnh giờ cho trẻ ăn và hình thức cho ăn.
- • Chú ý nên cho trẻ ăn trong khi chờ chuyến bay bị hoãn để tránh trẻ không bị đói hay mệt mỏi.
- • Xác định vị trí những quầy hàng bán thức ăn nhanh gần khu vực cổng ra máy bay.
- • Mạnh dạn đưa ra lời yêu cầu giúp đỡ từ nhân viên hàng không khi cần thiết.
5. Tự tạo sự thoải mái cho bản thân: hãy coi khoảng thời gian chuyến bay bị hoãn tại sân bay là một cơ hội để bạn có thể trải nghiệm những điều thú vị khác mà bạn chưa từng làm tại sân bay trước đó. Ví dụ như tham quan và ngắm cấu trúc nội thất của sân bay, lang thang tại các quầy hàng miễn thuế, hay chỉ đơn giản là đọc một quyển sách hay nghe những bản nhạc hay…
6. Hãy gọi thông báo việc chuyến bay bị hoãn cho người sẽ đón bạn tại điểm đến.
Khi nào phải quyết định chọn chuyến bay thay thế?
Khi xác định nguyên nhân hoãn chuyến bay khó được xử lý một cách nhanh nhất theo nguyện vọng từ hãng hàng không hoặc bạn không thể chờ thêm thời gian vì lý do công việc, sức khỏe hay yếu tố khách quan khác (như đi dự tiệc cưới, đám tang…), bạn phải nhanh chóng đưa ra quyết định chuyển sang chuyến bay khác. Việc này sẽ khá dễ dàng nếu bạn đã có sự kiểm tra và ghi lại danh sách những chuyến bay của các hãng hàng không khác tại sân bay có cùng điểm đến với giờ bay cách chuyến bay của bạn vài giờ. Nhưng nếu không thực hiện được việc này, bạn cũng có thể yêu cầu nhân viên hãng hàng không tra cứu và tiến hành các thủ tục đổi vé cho bạn.
Đối phó với tình huống chuyến bay bị hủy
1. Hãy tập trung vào việc xử lý sự cố bằng cách tìm kiếm thông tin cũng như sự giúp đỡ của nhân viên hàng không để bạn có thể đặt được chỗ trên các chuyến bay thay thế một cách nhanh và sớm nhất.
2. Đặt chỗ trên chuyến bay thay thế: thông thường hãng hàng không sẽ có trách nhiệm thực hiện những việc này nhưng có thể vì số lượng khách quá đông mà số chỗ trống trên các chuyến bay bị giới hạn nên đôi khi nếu không nhanh nhạy bạn sẽ bị bỏ lại ở nhóm phải thực hiện chuyến bay sau một vài ngày. Nếu bạn có mua bảo hiểm hàng không của công ty bảo hiểm thì bạn nên gọi cho họ, bởi vì có thể họ sẽ giúp bạn đặt được chỗ một cách nhanh nhất.
3. Nên giữ lại hóa đơn tính tiền nếu bạn phải qua đêm trong khách sạn tại một thành phố, hoặc quốc gia khác nếu hãng hàng không “quên” sắp xếp chỗ nghỉ cho bạn.
4. Nếu quyết định không tiếp tục bay nữa, bạn có quyền yêu cầu hãng hàng không hoàn tiền vé.
5. Đối với hành khách là thương gia, nếu không thể kịp để dự một cuộc họp hoặc một đàm phán quan trọng tại điểm đến theo kế hoạch, bạn có thể yêu cầu hãng hàng không cung cấp một địa điểm phù hợp trong sân bay nơi có những thiết bị công nghệ giúp bạn có thể thực hiện cuộc nói chuyện như thông qua Skype hay điện thoại một cách hiệu quả nhất.
Bị kẹt trên máy bay trong thời gian chuyến bay bị hoãn
Đây là một tình thế gay go nhất, gây khó chịu nhất mà hành khách có thể phải chịu đựng trong vài chục phút thậm chí là vài giờ với một không khí nóng bức, ngột ngạt. Để giảm bớt trạng thái khó chịu mà bạn đang phải chịu đựng bằng cách chuẩn bị cho mình một lượng nước uống ngay những phút đầu tiên gặp sự cố và uống từng ít một, hướng trẻ em đi cùng vào các trò chơi hoặc đọc truyện, gợi chuyện với những khách ngồi gần với những vấn đề tích cực… sẽ giúp bạn thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. Đừng quên để ý và cảnh báo cho tiếp viên những hành khách có dấu hiệu bị bệnh, có hành động bạo lực hay căng thẳng.
Hãy luôn nhớ rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu ta giữ được cho mình một thái độ đúng mực, điềm tĩnh và lịch sự thì sẽ có nhiều cơ hội nhận được nhiều sự giúp đỡ kịp thời trong các tình huống khó khăn.
H.K