Xây dựng Thương hiệu Du lịch Đà Nẵng
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, do đó không nên chỉ nghĩ đến việc làm du lịch trong địa bàn tỉnh của mình, mà phải trở thành trung tâm du lịch miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, xa hơn nữa là khu vực và quốc tế, là tâm điểm của nhiều tuyến du lịch, giống như vai trò của du lịch TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam bộ. Có mở rộng tầm nhìn như thế mới xây dựng các tour, tuyến du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Từ đó, Đà Nẵng chủ động bàn bạc phối hợp với các địa phương như Hội An, Huế, Bình Định, Quảng Bình, Tây Nguyên, nối các lễ hội, festival các nơi về Đà Nẵng. Nhiều người cho rằng du lịch Đà Nẵng đang sống chủ yếu dựa vào sản phẩm du lịch của Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Địa đạo Vịnh Mốc, Động Phong Nha… Đúng là thương hiệu Du lịch Đà Nẵng phải được xây dựng trên tầm nhìn mởấy. Phải xây dựng các tổ chức lữ hành thật mạnh, thật hiệu quả, biến Đà Nẵng thành trung tâm phân phối khách du lịch cho cả khu vực. Đây là một thế mạnh của thành phố này mà không phải địa phương nào cũng có. Muốn thế Đà Nẵng phải nghiên cứu tổ chức những lễ hội văn hóa mang tính vùng miền. Chương trình đua thuyền buồm, bắn pháo hoa quốc tế phải tổ chức định kỳ hằng năm với nhiều đoàn tham gia hơn, rầm rộ hơn. Riêng lễ hội pháo hoa có thể mời thêm nhiều đoàn trong nước tham dự. Thêm vào đó, Đà Nẵng có thể tổ chức festival múa hát dân gian quốc tế, hội thi đâm trâu cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh và Tây Nguyên, miền Trung, Trại điêu khắc tượng dân gian… Những lễ hội tầm cỡ như thế mới tạo ra phong cách của một trung tâm du lịch.
Tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa đặc trưng, có sức sống trường tồn bằng cách khai thác nội lực văn hóa truyền thống
Ví dụ như các Lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực của người Chăm tại khu vực Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng trong những ngày Tết Chăm. Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn phải được đầu tư theo hướng mở rộng không gian du lịch, khai thác sâu các khía cạnh văn hóa tôn giáo, tâm linh, mới thu hút được du khách. Học tập cách làm “Đêm rằm phố cổ”, hô bài chòi ở Hội An, hay “Chợ quê ngày hội” ở Huế… Những tập tục sinh hoạt, lễ hội dân gian của cư dân đánh cá, trồng rau, làm đồ gốm, lễ hội cồng chiêng người Cơ-tu cũng có thể biến thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với điều kiện phải làm sao để du khách được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và tiếp nhận văn hóa. Riêng làng đá Non Nước có thể trở thành một biểu tượng du lịch đặc sắc. Với hơn 215 cơ sở sản xuất với nhiều nghệ nhân giỏi đã có tác phẩm điêu khắc đá đặt tại các công viên ở Đài Loan, Singapore… làng đá này có thể biến Đà Nẵng thành “Thành phố tượng” như mơước của một nhà báo. Ngoài ra, có thể dẫn ra rất nhiều sự tích lịch sử, tập tục và truyền thống văn hóa có thể biến thành sản phẩm du lịch đặc trưng Đà Nẵng. Chẳng hạn như chuyện vua Lê Thánh Tông khai mở vùng đất Quảng và chuyện Huyền Trân Công Chúa với quà sính lễ của vua Chăm Chế Mân… Vấn đề còn lại là người làm và cách thức tổ chức đầu tư. Nếu bớt đi một phần vốn đầu tư vào khu du lịch, khách sạn để đầu tư mạnh cho sản phẩm du lịch, chắc chắn du lịch Đà Nẵng sẽ có thương hiệu tốt.
Đà Nẵng đang thiếu một công nghệ du lịch hoàn thiện
Muốn thu hút thật nhiều khách, làm cho khách ở lâu hơn và chi tiêu thật nhiều tiền, Đà Nẵng cần phải có một công nghệ du lịch hoàn thiện và ngày càng chuyên nghiệp. Công nghệ du lịch là đầu tư vào cái gì để thu hút và giữ chân du khách, rồi đổi mới như thế nào để luôn có sức hấp dẫn. Công nghệ đó là toàn bộ quy trình liên kết các khâu liên hoàn: Đầu tư vốn – sản phẩm du lịch, tuyến, tour, khu vui chơi, ăn uống – bảo tàng – khách sạn – nhà hàng – vận tải – lữ hành quốc tế – hàng lưu niệm – quảng bá tiếp thị ra thế giới… Tất cả phải được quy hoạch chi tiết và phân công phối hợp thực hiện theo nguyên tắc thống nhất (trách nhiệm, vốn, nhân lực, giá cả, tỷ lệ ăn chia…). Du lịch Đà Nẵng hiện nay chưa hình thành một công nghệ du lịch như vậy mà chỉ mang tính nghiệp dư, mạnh ai nấy làm, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các ngành, các địa phương. Một ví dụ về tính thiếu chuyên nghiệp là vào năm 1999, ông Paul Stoll, Giám đốc Furama đã đề xuất ý tưởng thành lập Con đường Di sản thế giới miền Trung tại một cuộc họp của Tổ chức Du lịch thế giới ở Đức. Đầu năm 2002, các tỉnh miền Trung đã nhất trí thành lập Con đường Di sản thế giới do Paul Stoll làm Tổng thư ký Ban điều hành. Nhưng rồi do sự phối hợp liên kết giữa các tỉnh, giữa Trung ương với địa phương kém nên sản phẩm du lịch này đã không có hiệu quả.
Ngành du lịch hiện nay phải cạnh tranh quốc tế rất khốc liệt. Vì thế phải lên kế hoạch trung – dài hạn, tìm nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu phân công từng ngành, từng doanh nghiệp chịu trách nhiệm từng việc một, liên tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện. Làm được như thế mới mong giữ chân du khách ba, bốn ngày, mới mong du lịch Đà Nẵng thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố động lực miền Trung.
Ngô Minh