Thường thì khi đã có một công việc ổn định, lương cao, đa phần mọi người sẽ không quan tâm đến chuyện mình có thật sự yêu thích và say mê nó không? Chúng ta đã bỏ ra gần 10 năm của tuổi 20 thanh xuân nhiệt huyết để nỗ lực và đánh đổi nên không lý gì lại “giở chứng” khi đã sang tuổi 30.
Song, theo một khảo sát toàn cầu năm 2019, trên hơn 13.000 người thuộc Thế hệ Y (chào đời trong thập niên 1980), có đến 49% đang sẵn sàng bỏ việc trong 2 năm tới. Họ đồng ý quay về thực tập để bắt đầu một lần nữa. Nhưng lần này là theo đuổi sự nghiệp đúng như ý nguyện.
Nếu đang ở tuổi 30, bạn sinh trong thập niên 1980 (từ 1980-1989). Nhân khẩu học gọi nhóm người như bạn là “Millennials” hay “Generation Y” (Thế hệ Y). Đa phần Thế hệ Y giờ đã ổn định công ăn việc làm. Một số người thậm chí còn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Thường thì ở tuổi này, ít ai lại muốn thay đổi. Nếu không có trục trặc gì trên con đường học vấn, hầu hết đều đã tốn từ 6-16 năm để có được vị trí và sự nghiệp như bây giờ. Song giữa những cánh bèo trôi xuôi, vẫn có những chú cá bướng bỉnh lội ngược. Không ít Thế hệ Y đang mạnh mẽ vứt bỏ mọi thứ, cố tình tụt xuống đáy nấc thang sự nghiệp. Họ chấp nhận một lần nữa leo lên từ đáy, nhưng là với công việc thật sự muốn làm. Một trong số ấy là Alejandro Cavazos.
Bất mãn vì… sống dễ
Alejandro Cavazos sinh năm 1987. Mới 3 năm trước, anh vẫn còn là trưởng phòng của một công ty sản xuất đa quốc gia ở Mexico, lãnh đạo một nhóm nhân viên hơn 25 người. Mỗi ngày, anh thong thả lái xe công ty lượn quanh thủ đô Monterrey. Mỗi lần lên máy bay, anh đều được ngồi ghế hạng thương gia. Nói tóm lại, Cavazos có cả lương cao lẫn việc nhàn cộng nhiều ưu đãi.
Hiện tại, ở tuổi 32, Cavazos chỉ là một “thực tập viên quèn” làm việc tại một trung tâm công nghệ ở Barcelona, Tây Ban Nha. Mức lương anh được trả cũng “quèn” nốt, chỉ 500 euro/tháng (tương đương 12,8 triệu VN–). Tại Tây Ban Nha, mức lương tối thiểu là 1.050 euro/tháng. Tính ra, thu nhập mới của Cavazos còn chưa bằng một nửa. Với đồng lương “bèo” đó, anh buộc phải… trượt patin đi làm (không trả nổi tiền thuê phương tiện giao thông công cộng).
Đổi lại, Cavazos được tham gia vào các dự án liên quan đến thiết kế đô thị hiện đại. Anh hạnh phúc với cảm giác là một người đổi mới và góp phần làm nên sự đổi thay.
Theo một khảo sát về sự hài lòng với công việc hiện tại, trên mức độ toàn cầu năm 2019 của Deloitte (mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia), có đến 49% trong tổng số hơn 13.000 người thuộc Thế hệ Y tuyên bố sẽ bỏ việc trong vòng 2 năm tới. Khoảng ¼ trong số họ đã hiện thực hóa dự định, tự rời khỏi các vị trí đáng mơ ước đang có. Tất cả hăng hái gửi CV, kiếm một chân thực tập tại công ty, tổ chức mới. Họ tin rằng quyết định này sẽ mang tới cơ hội làm lại từ đầu. Nhờ đó tái khởi động sự nghiệp theo đúng ý muốn hoặc học lên cao trước khi quá muộn.
Buông bỏ để tự do bắt đầu
Quay trở lại với Cavazos để hiểu kỹ nguyên do anh đột ngột bỏ việc. Trước khi bước vào tuổi 30, Cavazos đang làm kỹ sư công nghiệp. Mỗi ngày, trong đầu anh đều xoay vần ý nghĩ: Mình theo đuổi công việc này vì mục đích gì? Ngồi trong chiếc xe do công ty cấp, lái đi trên con đường ách tắc giao thông, nghe hoặc đọc số liệu thống kê về tình trạng ô nhiễm, tai nạn, Cavazos chán nản. “Tôi tự hỏi mình đã làm được gì cho cuộc đời? Phải sống ra sao thì mới để lại dấu ấn? Và rồi, liệu tôi có thể thay đổi, làm thứ gì đó khác đi không?”.
Bước sang tuổi 30, Cavazos quyết định chấm dứt nỗi trăn trở. Anh nghỉ việc, đăng ký thi học lên thạc sĩ tại Đại học Barcelona, Tây Ban Nha. Như mọi sinh viên cao học, Cavazos lại phải lo thực tập. Có điều, cái lo này cũng là niềm thích của anh. “Tôi chưa bao giờ thấy mình hạnh phúc như thế này”, Cavazos chia sẻ.
Tương tự với Namuli Katumba (34 tuổi), hiện đang là nhân viên thực tập của một công ty quan hệ cộng đồng (Public Relations – PR) ở London, Anh. Trước khi vào công ty PR này, Katumba là quản lý của một công ty công nghệ lớn. Cô vừa có quyền lại vừa lắm tiền. Mỗi lần đứng ra làm đại diện, ký kết các hợp đồng trị giá hàng triệu bảng Anh, Katumba đều “ăn hoa hồng”. Cộng với “lương cứng”, cô sở hữu khoản thu nhập mà người đi làm nào cũng mơ ước.
Quay về vị trí thực tập ở tuổi 30, Katumba còn già hơn nhân viên phụ trách hướng dẫn công việc cho mình. Cô hiểu điều này sẽ khiến họ không thoải mái. Chí ít cũng cảm thấy khó xử, còn nhiều thì khó chịu.
- Xem thêm: Để quản lý tốt nhân viên thế hệ Y
“Trong suốt nhiều năm làm việc ở công ty cũ”, Katumba bộc bạch, “tôi đã hết sức chuyên tâm và tận lực, mỗi ngày một kiếm được nhiều tiền hơn”. Nhưng rồi công ty của cô được tập đoàn lớn thu mua và tiến hành sáp nhập. Với vai trò là một nhân viên tài năng, Katumba không bị đuổi ra, mà được sắp xếp ngay vị trí mới. “Mình đã làm bánh răng của một cỗ máy lớn rất lâu rồi”, cô nghĩ. “Và mình có được những gì từ nó, ngoại trừ tiền”. Thế nên thay vì tiếp tục, Katumba hạ quyết tâm nghỉ việc. Bạn thân của Katumba biết chuyện liền gợi ý xin việc ở công ty PR. Tại đó, Katumba có thể tận dụng toàn bộ kỹ năng vốn có.
Éo le một nỗi, Katumba không muốn vì tiền mà tiếp tục công việc cũ, song lại bởi quỹ tài chính eo hẹp (do đột ngột bỏ việc làm) mà vấp khó khăn. Cô phải hạ thấp mọi nhu cầu, để tương ứng với đồng lương mới. Đầu tiên là phải chuyển từ căn hộ cao cấp trong trung tâm tài chính của London về khu chung cư bình dân giữa phố Hackney. Sau đó thì “chia nhà” với 2 người nữa. “So với sự thay đổi nghề nghiệp, sự thay đổi lối sống mới là đột biến lớn”, cô cười. Dẫu vậy, Katumba vẫn tin, tiền bạc chỉ là thứ yếu. Cái quan trọng nhất là tâm lý của cô được thoải mái. Với 2 cô bạn thân, Katumba vui vẻ mỗi ngày. Tuy không thể tới những nơi giải trí cao sang như trước, cô vẫn có thể cùng bạn bè “quẩy” tại các quầy bar nhỏ nhộn nhịp.
Dũng cảm tự quyết là hạnh phúc nhất
“Là Thế hệ Y, chúng ta không nên sợ hãi khi nói: “Tôi không thích hay tôi không muốn làm”, Katumba tự tin. “Tôi đã từng cố chấp phải kiếm được thật nhiều tiền, uống đồ uống thật đắt tiền, để người khác nhìn vào mà sững sờ, ghen tị. Tôi chưa bao giờ biết hạnh phúc thật sự lại chỉ đơn giản như thế này”.
Quay về vị trí thực tập ở tuổi 30 đem đến không ít rắc rối. Đột ngột, một người trưởng thành, có kinh nghiệm làm việc lâu năm, lại bị các U20 đối xử ngang hàng. Jena Booher thấu hiểu cảm giác khó xử ấy. Cô nghỉ sản khi đang làm ở JPMorgan Chase (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới), sau đó chuyển sang lấy bằng thạc sĩ tư vấn sức khỏe. Gần tốt nghiệp, Booher thực tập ở một bệnh viện. Cô nằm trong nhóm các thực tập viên chăm sóc người mắc bệnh tâm thần.
Trong nhóm thực tập, Booher là người già nhất. Cô đã khá lo lắng, nhưng đã dứt điểm sự bất an rất nhanh. Ở tuổi 30, một người không còn non nớt. Trong họ, có cả sự tự tin lẫn kinh nghiệm thực tế. Người tuổi 30 không e dè. Họ không còn nhọc lòng vì đánh giá của người khác, cũng biết giá trị của một con người nằm ở thực lực.
“Khi ở tuổi 30, bạn biết ý nghĩa của việc hoàn thành công việc và phát triển trong một công ty”, Juan Irigoyen, nhà báo thể thao của tạp chí El Pais, Tây Ban Nha khẳng định. Trước năm 30 tuổi, Irigoyen là quản lý xuất khẩu của công ty thịt gia đình (do các anh chị ruột tại Argentina chủ quản). Với lợi thế “người nhà”, anh không phải vất vả xin việc. Irigoyen cũng cần mẫn, làm việc giỏi. Nhờ anh, việc kinh doanh mở rộng. Irigoyen thu lợi nhiều, đảm bảo đủ sống an nhàn, ngọt ngào giữa Đô thành Buenos Aires.
Khi tuổi 30 càng lúc càng gần kề, Irigoyen mới bắt đầu suy nghĩ: Liệu mình có thể đã có một cuộc đời khác nếu quyết định khác không? “Tôi biết mình không còn 20 nữa, nhưng mà tôi cũng vẫn chưa tới 40. Tuổi 30 chính là thời điểm thích hợp nhất để tái khởi động”.
Nhớ lại thuở 20, Irigoyen thấy mình thích công việc giảng dạy, kể chuyện. Anh quyết định lấy bằng thạc sĩ báo chí, trở thành thực tập viên lấy tin trong mảng thể thao. “Nó giống như ảo giác thực tại (déjà vu) giữa lúc đang yên đang lành vậy. Và bạn nhất thiết phải lặp lại”, Irigoyen giải thích. Thuở anh 20 tuổi, bạn bè đồng lứa đều phải vất vả tìm việc làm, sống chi li vì thu nhập chưa ổn định. Irigoyen tránh được nhờ “dựa hơi” người thân, nhưng rồi “déjà vu”. Anh đột ngột xoay vòng, trải nghiệm toàn bộ trong lúc đã sang tuổi 30.
Sau thời kỳ thực tập, Irigoyen giành được cột báo yêu thích. Anh trở thành nhà báo thể thao chuyên nghiệp. Từ đó đến nay đã được 7 năm. “Tôi chỉ có duy nhất một khao khát là sống đúng như mong muốn”, Irigoyen tâm sự. “Thật may là tôi đã tìm thấy sự hạnh phúc này”.
Đừng ngần ngại vì đã tuổi 30! Đừng đánh mất ước mơ vì đồng tiền hay danh vọng! Dám tự quyết và chấp nhận làm lại một lần nữa, đó mới chính là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc vẹn toàn. Giống như Irigoyen đã nói, “Tôi biết mình không còn 20 nữa, nhưng mà tôi cũng vẫn chưa tới 40”. Tuổi 30 chính là thời điểm “vừa đẹp” nhất để tái khởi động sự nghiệp, làm lại cuộc đời như ý nguyện.