Thời gian vừa qua, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại xuống rất thấp, cách khá xa mức trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Trong khi đó, thị trường bất động sản lại cho dấu hiệu về một sự phục hồi tích cực. Đã có những lo ngại rằng một khi điều này được duy trì thì dòng tiền sẽ rời bỏ kênh tiết kiệm của ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, dù bất động sản đang có chiều hướng ấm lên và có nhiều người rút tiền gửi tiết kiệm ra mua nhà, thì ngân hàng cũng không có gì phải lo. Đa phần những người này mua nhà để ở. Họ có nhu cầu thực và tiền gửi ở ngân hàng chỉ là tạm thời, dành cho việc mua nhà. Chỉ khi dòng tiền nhàn rỗi, “không biết đầu tư vào đâu nên gửi ngân hàng” được rút ra thì mới ảnh hưởng đến các ngân hàng. Lý do dòng tiền này chưa ra khỏi ngân hàng là vì người ta chưa tin vào sự tăng giá của bất động sản trong ngắn hạn, còn mua nhà để cho thuê thì có tỷ suất sinh lời thấp hơn gửi tiết kiệm, lại không ổn định. Thanh khoản của bất động sản không cao, đã vậy để đầu tư được vào bất động sản cần phải có số tiền lớn, trong khi người ta có thể gửi tiết kiệm bất kỳ khoản tiền nào, dù nhỏ.
Ngoài ra, lãi suất dù giảm nhưng không mang tính áp đặt, mà theo đúng tín hiệu cung – cầu của thị trường, nên người gửi tiền không có cảm giác bị thua thiệt. Trước đây, khi hệ thống ngân hàng chưa được tái cơ cấu, một số ngân hàng yếu, thanh khoản kém chỉ có thể huy động được vốn nhờ đẩy mức lãi suất huy động lên cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Các ngân hàng lớn vì vậy cũng không thể giảm lãi suất xuống quá thấp so với những ngân hàng này. Khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra, sau hơn hai năm, các ngân hàng yếu kém dần được xử lý. Các ngân hàng đã cạnh tranh thu hút dòng tiền một cách lành mạnh.
Tỷ lệ sử dụng vốn huy động/cho vay của hệ thống ngân hàng đang dưới mức 90%, chứng tỏ các tổ chức tín dụng đang trong tình trạng dồi dào thanh khoản. Do nhu cầu về đồng vốn của nền kinh tế chưa cao, các ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mà chỉ duy trì tăng trưởng ở mức an toàn, càng khiến cho họ phải chủ động giảm dần lãi suất huy động. Điều quan trọng hơn cả, do chỉ số lạm phát thời gian qua rất thấp, cách khá xa lãi suất tiền gửi, nên dù lãi suất huy động giảm thì người gửi tiền vẫn lựa chọn kênh tiết kiệm để được hưởng lãi suất thực dương. Đó là chưa kể dù có chuyển sang giữ tiền bằng hình thức nào khác thì xét về tính an toàn và khả năng luân chuyển vốn nhanh chóng, gửi tiết kiệm vẫn là một sự lựa chọn tốt.
Lãi suất ngắn hạn liên tục giảm cũng giúp các ngân hàng xây dựng được biểu lãi suất hợp lý hơn, với lãi suất kỳ hạn dài cao hơn đáng kể so với các kỳ hạn ngắn. Hệ quả là nhiều người lựa chọn gửi kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn, từ đó giúp cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng ổn định hơn. Nếu như cách đây ít năm, trên 90% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi có kỳ hạn ngắn thì hiện nay, tỷ lệ này đã giảm đi đáng kể. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ việc lãi suất giảm. Lãi suất huy động giảm là tiền đề giúp lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp thêm cơ hội vay tiền để mở rộng sản xuất – kinh doanh. Trong khu vực dân cư, dòng tiền đổ vào tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn thay vì chỉ biết đổ vào kênh tiết kiệm như trước cũng giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
Minh Hằng (DNSGCT)