Kể từ đầu thập niên 2000, lạm phát của nước ta mới ở mức thấp và ổn định như năm nay. Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 2,08% so với tháng 12-2013, lạm phát năm nay sẽ trong khoảng 3%. Lạm phát thấp giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, qua đó giảm giá bán, vì vậy sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước và doanh nghiệp có cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh. Điều đáng mừng là năm nay, lạm pháp thấp còn đi kèm với tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước, khi tốc độ tăng GDP dự báo sẽ đạt kế hoạch 5,8%. Dĩ nhiên, kết quả này đạt được nhờ vào nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó yếu tố rất quan trọng là giá dầu thế giới giảm khiến cho giá xăng dầu trong nước giảm, từ đó chi phí đầu vào của tất cả các ngành sản xuất – dịch vụ cũng giảm theo. Dù vậy, cũng không thể không ghi nhận mặt tích cực trong công tác điều hành chính sách tiền tệ – đã được giới chuyên gia đánh giá là linh hoạt, đúng hướng, phối hợp tốt với chính sách tài khóa. Nhờ sự linh hoạt này, lĩnh vực tài chính – tiền tệ nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng đã có một năm khá suôn sẻ, dù phải trải qua nhiều sóng gió. Tuần qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, như một sự ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường hoạt động của các ngân hàng nước ta. So với trước đây, các ngân hàng đã giảm hẳn sự phụ thuộc vào việc vay mượn liên ngân hàng, một hoạt động có thể gây rủi ro thanh khoản mang tính hệ thống bởi tỷ lệ vay mượn liên ngân hàng cao đồng nghĩa với việc một ngân hàng gặp khó sẽ khiến nhiều ngân hàng khác cũng gặp khó trong thanh khoản. Môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng đang dần được ổn định trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát và lãi suất cơ bản thấp, đầu tư trực tiếp nước ngoài dồi dào, cán cân thương mại thặng dư, các chính sách hướng tới tăng trưởng bền vững… Việc lạm phát giảm cũng giúp cho lãi suất giảm mạnh và liên tục. Lãi suất cho vay giảm giúp nhiều doanh nghiệp và cả người tiêu dùng mạnh dạn vay vốn ngân hàng, từ đó tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng nhanh. Với mức lạm phát 3% của năm 2014, khả năng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới là rất cao. Thực tế, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn và cả dài hạn trên thị trường đã có dấu hiệu giảm tiếp, khởi đầu từ một vài ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, sau đó lan sang các ngân hàng cổ phần thương mại. Khi lãi suất tiền gửi đầu vào liên tục giảm trong một thời gian đủ dài, các ngân hàng thương mại không còn nhiều lý do để giữ mức lãi suất cho vay cao như hiện nay, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn. Thêm vào đó, quy định mới tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chính là thông điệp khuyến khích các ngân hàng cho vay trung và dài hạn của nhà điều hành. Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn trung và dài hạn giá rẻ và Thông tư 36 là cơ sở quan trọng để các ngân hàng làm được điều đó. Định hướng là vậy, nhưng vẫn phải thấy rằng, việc lãi suất trung và dài hạn giảm sâu là rất khó. Nhiều ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn, vì rủi ro vẫn còn quá cao. Kỳ hạn càng dài, ngân hàng càng phải quản trị rủi ro cho thật tốt và vì vậy, hoặc người vay phải chịu lãi suất cao, hoặc phải có điều khoản xét lại mức lãi suất sau một thời gian. Mà như thế, người vay luôn là kẻ nắm dao đằng lưỡi…
Minh Hằng (DNSGCT)