Theo lịch làm việc tôi chỉ ở Tokyo. Nhưng đến Nhật Bản mà không tới được Kyoto cũng giống như đặt chân lên đất Mỹ mà không tận mắt thấy New York, nơi “có tất cả những gì nơi khác có và có cả những thứ nơi khác không có” hay sang Campuchia không tới được Siêm Riệp với quần thể Angkor hùng vĩ… Hơn 1.000 năm là kinh đô của đất nước Mặt trời mọc (từ năm 794 đến thời kỳ phục hưng Minh Trị 1868 trước khi dời về Tokyo), Kyoto là nơi cất giữ những tinh túy của nền văn hóa truyền thống Nhật Bản. Ðể hiểu được nước Nhật và người Nhật, phải hiểu được Kyoto.
Chọn ngày thường để đến Kyoto
Từ sân bay Osaka về Kyoto mất chừng 60 cây số. Từ Tokyo thì quãng đường dài gấp 10 lần: gần 600 cây. Nhưng đi bằng Shinkansen, loại tàu chạy trên đường sắt chân không nhanh nhất thế giới nổi tiếng của người Nhật chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ, cứ nửa giờ có một chuyến, tiện vô cùng. Dĩ nhiên để hưởng thụ sự tiện dụng đó, giá vé Shinkansen đi Kyoto gần 140.000 yên (khoảng 120 USD) một lượt chẳng dễ chịu chút nào đối với khách du lịch nước ngoài. Dân Tokyo thường về Kyoto vào cuối tuần (trừ tháng Tư, mùa hoa anh đào nở thì bất kể ngày nào trong tuần mọi người đều dồn về Kyoto ngắm hoa cả, nhiều công sở ở Nhật cho nhân viên nghỉ để thưởng hoa trong mùa này), 600 cây số giống như ở TP. Hồ Chí Minh đi về Vũng Tàu vậy. Bất kể mùa nào, có lễ trọng hay không, Kyoto cũng giống như ngày hội vào những cuối tuần vì khách du lịch dồn về rất đông, hầu như quanh năm. Anh bạn đồng nghiệp đang sống và làm việc ở Tokyo khuyên tôi nên chọn ngày bình thường trong tuần để tới Kyoto, theo anh, vắng khách du lịch tôi sẽ cảm nhận được hết vẻ đẹp của cố đô này.
Ngày thường Shinkansen cũng vắng người đi, cả toa tàu sạch bong và mát rượi chỉ có chừng ba chục khách, non nửa số ghế ngồi. Tôi cố dành hơn 2 tiếng đồng hồ trên tàu đi dọc một phần đất nước Nhật Bản để khám phá chút gì đó của quốc gia hùng mạnh về kinh tế và đầy bí ẩn về văn hóa này, nhưng quả là thật khó. Dọc theo đường tàu cảnh vật nhìn thấy chủ yếu là nhà máy với những bãi đậu ôtô chen chúc ngoài trời, những chung cư thời hiện đại vuông vức như những cái hộp dựng đứng. Thi thoảng mới gặp vài ngôi nhà xây theo kiến trúc truyền thống Nhật Bản, mái ống đá đen. Vẫn thấy loáng thoáng ruộng lúa bên đường, nhưng thật lạ, vì chúng chẳng giống những cánh đồng lúa bao la thẳng cánh cò bay nơi quê Việt, mà trông giống khoảnh ruộng… đồ chơi, bé, vuông vắn. Tôi không hiểu nông dân Nhật thu hoạch được bao nhiêu lúa gạo từ những khoảnh ruộng đồ chơi như thế. Cũng chẳng rõ lúa Nhật chủ yếu được trồng và thu hoạch ở đâu trên một đất nước tấc đất tấc vàng này, thế mà gạo Nhật vẫn bán đầy trong các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, hạt mọng và mỡ màng, ngon mắt ngay khi còn là gạo!
Cổ kính và… hiện đại
Trái với tưởng tượng về một cố đô thâm nghiêm, cổ kính, Kyoto đón tôi bằng một nhà ga khổng lồ, sáng choang trong dáng vẻ hiện đại, đường lên đường xuống, lối ra lối vào chằng chịt hoa cả mắt. Rất nhiều bản đồ điện chỉ dẫn các điểm tham quan Kyoto được đặt ngay trong khu vực nhà ga, muốn biết địa chỉ mình cần đến, chỉ cần bấm nút tên điểm đến là trên bản đồ đèn sẽ sáng ở nơi bạn cần. Dở một điều là chỉ dẫn trên bản đồ và các brochure toàn tiếng Nhật! Song ở trung tâm thông tin (Information Centre) ngay lối ra vào ga tôi nhanh chóng tìm được mọi thứ mình cần, rất nhanh và rất đồng bộ. Một bản đồ chỉ dẫn các điểm tham quan được phát miễn phí với hàng chục ngôn ngữ thông dụng (không có tiếng Việt, thật tiếc), vé đi xe bus trong ngày giá 500 yên (khoảng 4,5 USD), đồng thời tôi cũng được hướng dẫn mua luôn vé xe bus về lại Tokyo, rẻ hơn đi Shinkansen nhiều, chỉ mất chừng 50 USD. Ði Kyoto kiểu “bụi” như tôi, bản đồ và xe bus là hai thứ tối quan trọng, thực ra cũng chỉ cần có thế là tha hồ rong ruổi ở cố đô này.
Hoàn toàn không phải một cố đô bị bỏ quên rồi được phát hiện lại, cuộc sống ở Kyoto là một lịch sử được tiếp nối liên tục giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Trong suốt một thiên niên kỷ là kinh đô của đất nước Nhật Bản, người ta đã xây dựng ở đây rất nhiều điện, đền đài… dành cho các bậc đế vương, các vị tướng quân, các geisha và những bậc tu hành. Khi đó Kyoto không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm văn hóa của nước Nhật, nơi cất giữ những báu vật văn hóa của người Nhật như nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật geisha, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật làm gốm và dệt vải… Trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II, điều kỳ diệu đã khiến cho Kyoto hoàn toàn bình yên, không xây xước vì bom đạn. Toàn bộ những gì thuộc về một cố đô trong quá khứ tiếp tục sống trong đời sống hiện đại. Vì thế, trên những con đường nho nhỏ ở Kyoto, sẽ rất dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà mang phong cách truyền thống nằm kề bên một ngôi nhà hiện đại. Hàng trăm đền, điện, khu lăng mộ, vườn thượng uyển… còn gần như nguyên vẹn, nằm rất gần khu dân cư và phủ khắp thành phố Kyoto. Ðể có thể tới hết được những điểm này (có chỉ dẫn khá đầy đủ trên bản đồ) có lẽ phải ở lại đây ít nhất là một tuần lễ, may ra…, nhờ hệ thống xe bus rất tiện lợi, có thể rong ruổi hết điểm này sang điểm khác. Còn với những người đi tranh thủ ngủ khẩn trương trên đất Nhật như tôi (không còn cách nào khác vì không giống nhiều quốc gia khác cấp visa hạn từ 3-6 tháng, visa vào Nhật căn từng ngày, có lẽ để kiểm soát gắt gao tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Hơn nữa ở lâu trên xứ sở đắt đỏ nhất thế giới này chẳng dễ chút nào), bắt buộc phải lựa chọn. Hai điểm đến nổi tiếng nhất ở Kyoto là khu Ðền Vàng (Kinkaku-ji) và Ðền Bạc (Ginkaku-ji), nằm ở hai phía khác nhau của thành phố. Kinkaku-ji nằm tương đối độc lập, còn Ginkaku-ji nằm giữa một quần thể hàng chục ngôi đền, chỉ riêng với quần thể này đi một ngày không hết nổi. Vì đền chỉ là đích đến cuối cùng, nhưng bạn sẽ không thể bỏ qua những con đường đi dài thăm thẳm và ngoắt ngoéo với cây cỏ, với nước chảy, với nắng rơi, với những ngôi nhà truyền thống Nhật nằm chen lẫn với cỏ cây, tinh xảo đến từng chi tiết trên cánh cổng mỗi nhà mỗi khác, với không khí tĩnh lặng thanh tao, với thấp thoáng bóng Kimono trên những đường sỏi nhỏ… Tôi đã bị hút trên con đường dẫn vào khu Ðền Bạc như thế, đi đến mỏi chân mà vẫn cảm giác mình đang ở giữa đường.
Ðền vàng, Ðền Bạc
Ðấy mới là trên đường đi. Còn đền đài, còn điện thờ…, dù cùng mang kiến trúc truyền thống Nhật Bản nhưng mỗi nơi là một dáng vóc riêng biệt. Ðền Vàng (Golden Pavilion) thực ra là tên gọi của ngôi đền chính trong khu đền Kinkaku-ji, còn có tên gọi là Shariden. Ðền Vàng có 3 tầng, được xây dựng theo 3 phong cách: tầng 1 là Shinden-zukuri, phong cách cung điện; tầng 2 là Buke-zukuri, phong cách nhà võ sĩ đạo samurai; và tầng 3 theo phong cách đền Zen. Tầng 2 và 3 của đền được dát vàng thật và ngói cũng được dát vàng. Màu vàng quyền uy của ngôi đền soi bóng xuống mặt hồ, trong ánh nắng vàng của buổi chiều cuối thu là vẻ đẹp của một bức tranh không vẽ.
Ðối lập với ánh vàng chói lọi của Kinkaku-ji là ánh bạc trắng lóa của ngôi đền thờ chính trong quần thể Ginkaku-ji. Ở Ginkaku-ji, đi theo những con đường đá nhỏ leo lên độ cao vài chục mét, từ đây có thể thấy điệp trùng những mái đền ẩn hiện giữa màu xanh cổ thụ. Khi tôi đến Kyoto, cuối tháng 10 lá vẫn còn xanh. Mọi người bảo chỉ 2-3 tuần nữa cả rừng cây sẽ chuyển sang màu đỏ rực. Và mùa đông thì trắng xóa.
Ðền Vàng và Ðền Bạc là hai ngôi đền duy nhất ở Kyoto thu hút mắt nhìn du khách từ dáng vẻ sang trọng bên ngoài, và thực ra vàng và bạc cũng không phải là điều hấp dẫn nhất khi bạn đặt chân tới Kinkaku-ji hay Ginkaku-ji. Vậy điều gì mới là quan trọng nhất ở đây nếu chẳng phải là một triết lý về thế giới, về cuộc sống, về cái đẹp của người Nhật hiển hiện ở từng góc nhỏ trong quần thể đền đài này? Nước Nhật nhỏ, đất đai ít ỏi, những ngôi nhà Nhật Bản thấp bé (đôi khi bạn nhìn thấy những cái cửa ra vào tí hon như cửa vào nhà Bảy chú lùn mà tự hỏi: người Nhật hiện đại ra vào với cái cửa đó như thế nào nhỉ?), nên họ luôn tìm cách chan hòa với thế giới xung quanh. Những ngôi đền luôn soi bóng xuống hồ nước, mái đền thấp thoáng dưới tán cây, chan hòa vào xung quanh mà không tìm cách nổi bật. Và những khu vườn Nhật bao giờ cũng trung thành với thẩm mỹ tự nhiên “cỏ cây chen đá lá chen hoa”. Nó hoàn toàn trái ngược với những đền đài, cung điện kỳ vĩ của La Mã cổ đại giờ này dấu tích vẫn còn lừng lững giữa Roma. Nó hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp lồ lộ, phô trương của thế giới phương Tây. Kyoto, đó là vẻ đẹp ẩn giấu, không dễ dàng thấy được.
Với tôi, một khách du lịch một ngày, Kyoto còn ẩn giấu quá nhiều điều. Tôi không có cơ may được hưởng một lễ trà đạo ở Kyoto. Cũng không may mắn để thấy được bóng dáng của một geisha trên đường (hiếm hoi lắm mới có cơ hội này), nói gì tới cơ may lọt được vào ngôi nhà geisha, một nét văn hóa độc đáo và không dễ hiểu của đất nước này. Kyoto ngày nay vẫn có trường dạy nghệ thuật geisha, dạy nghệ thuật mặc Kimono (nghe nói để mặc đúng bộ áo này, ở Tokyo phải trả 200 USD cho dịch vụ mặc giúp). Hollywood đã làm cả một bộ phim lớn về geisha (Hồi ức của một geisha bắt đầu công chiếu, và sẽ được hãng phim Thiên Ngân nhập về Việt Nam đầu năm 2006), nhưng geisha với người phương Tây, và với cả phần còn lại của phương Ðông như chúng ta, sẽ vẫn là một điều bí ẩn Nhật Bản.
Kyoto nói riêng và đất nước Nhật Bản nói chung cũng mang trong mình những điều bí ẩn như thế.