Trước hết, chúng ta cùng thống nhất khái niệm “phụ kiện công nghệ cá nhân”. Thuật ngữwearable tech dùng để chỉ những món đồ để đeo trên người như kính, đồng hồ, giày dép, mũ… được áp dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ di động.
Khi các bộ vi xử lý trở nên nhỏ hơn mà mạnh hơn, màn hình rõ nét hơn và sáng hơn, kích thước pin nhỏ đi nhưng thời gian sử dụng lâu hơn, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây đã tiếp tục tạo ra những ứng dụng mới, thể hiện ở nhiều sản phẩm mới.
Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng họ chẳng cần đến những thiết bị như đồng hồ thông minh hay kính thông minh vì chúng không có gì quá khác biệt so với điện thoại di động thông minh. Thế nhưng, cuộc cách mạng “trang phục công nghệ” đang manh nha bùng nổ trong thời gian tới. Cốt lõi của vấn đề không nằm ở các tính năng cơ bản, mà ở sự tiện lợi mà các phụ kiện sẽ mang lại cho người dùng. Thái độ của giới tiêu dùng đối với xu hướng này nếu nhìn rộng hơn thì chính là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa họ đối với máy tính và internet.
Từ bước khởi động…
Hẳn độc giả cũng đã biết khái niệm “mạng cá nhân” (PAN, viết tắt của personal area network) dùng để chỉ các kết nối công nghệ xung quanh cá nhân người dùng và khái niệm “mạng cá nhân không dây” (WPAN – wireless PAN), gồm các kết nối như Bluetooth, wifi, mới đây có thêm khái niệm giao tiếp trường gần (NFC – near field communication). Trước đây, PAN chủ yếu liên quan tới máy tính xách tay, sau này khi kết nối không dây xuất hiện thì có thêm khái niệm WPAN. Thiết bị kết nối với máy chủ thông qua Ethernet và máy chủ đảm nhiệm vai trò kết nối internet. Giờ đây, các thiết bị di động thông minh đều có thể kết nối trực tuyến 24/24 giờ và có khả năng gửi hoặc nhận các gói dữ liệu dung lượng lớn để đảm bảo hiển thị hình ảnh, âm thanh, thậm chí là cả video độ nét cao.
Thị trường phụ kiện công nghệ cá nhân có tiềm năng bùng nổ rất lớn. Visiongain (công ty nghiên cứu thị trường của Anh) dự báo doanh số các mặt hàng này lên tới 4,6 tỉ USD trong năm nay và hứa hẹn còn tăng mạnh trong vài năm tới. Công ty Juniper Research thì dự báo sẽ có chừng 70 triệu sản phẩm dạng này sẽ được xuất xưởng vào năm 2017 (năm 2013 được dự báo mới có 15 triệu). Công ty ABI Research lại dự đoán chỉ riêng năm 2017 sẽ có tới 170 triệu sản phẩm phụ kiện công nghệ cá nhân được tung ra thị trường.
Có thể thấy trong giai đoạn đầu, những món phụ trang công nghệ không quá phức tạp, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tập luyện và phục vụ cá nhân (ví dụ các thiết bị dạng đồng hồ đeo tay hay dây đeo ngực giúp người dùng đo được nhịp tim hay mức độ hoạt động của mình theo thời gian). Hiện nay, các phụ kiện công nghệ cá nhân đeo trên người phổ biến là đồng hồ thông minh, băng quấn hỗ trợ tập luyện thể thao…, song sắp tới, các món đồ phục trang công nghệ sẽ thay thế dần các phục trang thông thường.
Sony đã giới thiệu Smart Bluetooth Handset SBH52 – một thiết bị phát âm thanh trung gian có thể liên kết với mọi nguồn phát qua Bluetooth. Người dùng có thể đưa nó lên tai và nói như nói với điện thoại di động bình thường. Ngoài ra, thiết bị còn được tích hợp đài FM và có giắc cắm audio out để người nghe sử dụng tai nghe chuyên dụng. Đây có thể coi là một dạng phục trang công nghệ sơ khai vì mới chỉ đóng vai trò hiển thị hoặc phát nội dung từ nguồn chứ không thể hoạt động độc lập. Một số công nghệ khác cũng được tích hợp vào quần áo, giày dép, tất và mũ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, những mặt hàng này vẫn chưa có tính thực dụng cao. Đó là lý do tại sao nhiều người kỳ vọng vào đồng hồ thông minh và kính công nghệ cao.
Một sản phẩm công nghệ do một người Việt Nam phát triển là Misfit Shine đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Thiết bị theo dõi sức khỏe này có hình dạng như một viên sỏi xinh xắn và chủ nhân có thể đeo nó ở cổ tay, quàng qua cổ hay gắn vào trang phục. Trên thị trường kính thông minh hiện nay, bên cạnh Google Glass còn có nhiều sản phẩm khác như Epiphany Eyewear, GlassUp, Oakley và Recon Instruments…