Ngân hàng Trung ương Pháp cảnh báo mối đe dọa suy thoái đang bao trùm lên nền kinh tế nước này vào cuối năm nay, nếu như trong quý III tổng sản phẩm nội địa tụt giảm 0,1%, thì tình hình sẽ tiếp tục tương tự trong quý IV. Điều đó đủ để đặt nước Pháp vào tình trạng suy thoái sau hai lần liên tiếp có mức GDP tụt giảm.
Báo Le Figaro trong số phát hành mới nhất nhận định ngành công nghiệp Pháp vẫn tiếp tục tuột dốc. Trong tháng 9, sản xuất toàn ngành đã rớt xuống còn 2,7% sau khi tăng 1,9% tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ năm rồi, mức tụt giảm là 2,1%.
Le Figaro cho rằng hiếm có lĩnh vực nào có thể thoát được suy thoái. Nhất là ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô, trong khoảng sáu tháng cuối năm nay mức sản xuất giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, dự báo đầu tư của ngành công nghiệp không mấy gì sáng sủa.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Pháp đang cố trấn an các nhà đầu tư, khi cho rằng “tình hình cuối năm sẽ có khó khăn chút đỉnh nhưng sau đó hoạt động sẽ dần dà hồi phục lại”.
Năm 2013 sẽ bắt đầu mà không cho thấy đà tăng trưởng vươn lên, sự việc chưa từng xảy ra từ nhiều năm nay. Điều này đang gây không ít khó khăn cho Chính phủ Pháp vốn đang phấn đấu duy trì mức tăng trưởng cho năm tới là 0,8%, cao gấp đôi so với mức dự đoán do Ủy ban châu Âu đưa ra.
Trong khi đó, nước Đức cũng đang bị khủng hoảng khu vực đồng euro rượt đuổi. Nếu như thời gian qua Đức vẫn thoát được những khó khăn mà các nước khác trong khu vực đồng euro gặp phải thì các chỉ số gần đây cho thấy hậu quả của khủng hoảng cũng đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này.
Theo dự báo của Bộ trưởng Kinh tế Đức, tăng trưởng sẽ trì trệ trong quý IV năm nay và tiếp tục kéo dài trong suốt quý I năm 2013. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế châu Âu, các doanh nghiệp Đức buộc phải giảm đầu tư. Tuy nhiên, theo nhận định lạc quan của Bộ Kinh tế Đức thì tình hình trên chỉ có tính chất tạm thời.
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột của nền kinh tế Đức, tụt giảm 3,4% trong tháng 9. Riêng trong khu vực châu Âu, xuất khẩu bị sụt đến 9,1%, mức kỷ lục chưa từng có kể từ tháng 11-2009. Lượng đơn đặt hàng công nghiệp ghi nhận trong tháng 9 suy giảm thê thảm mà không hề cho thấy chút hy vọng hồi phục.
Trong tuần qua, chỉ số Dax, chỉ số chứng khoán quan trọng của Frankfurt đã bị tụt giảm. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch tiến hành các chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô cũng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi, trong khi các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo để duy trì lượng bán ra.
Trước tình hình đó, ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhận định rằng kinh tế Đức trì trệ buộc Berlin phải ủng hộ chương trình mua lại nợ công.