Doanh nghiệp đang có một cơ sở khách hàng trung thành, một đội ngũ nhân sự vững mạnh và doanh số không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại không tăng nhanh bằng doanh số hoặc thậm chí có thể sụt giảm.
Theo David Finkel, đồng tác giả của cuốn Scale: Seven Proven Principles to Grow Your Business and Get Your Life Back (tạm dịch: 7 nguyên tắc hàng đầu để tăng trưởng kinh doanh), Tổng giám đốc của Maui Mastermind, một trong những công cụ hỗ trợ vận hành doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ, nguyên nhân có thể vì doanh nghiệp đang định giá quá thấp cho sản phẩm hay dịch vụ của mình. Theo Finkel, sau đây là những tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đang định giá quá thấp.
1. Định giá theo chi phí
Dĩ nhiên chi phí cũng rất quan trọng, nhưng Finkel cho rằng đa số các công ty thành công đều định giá theo giá trị. Những khó khăn, thách thức hay vấn đề mà khách hàng đang gặp phải và sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp có thể giúp họ giải quyết các vấn đề này thật sự có một “mức giá” nào?
Nói cách khác, sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp có thể đem đến cho khách hàng những lợi ích hay sự khác biệt nào so với khi họ không sử dụng chúng? Khi tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này, doanh nghiệp sẽ có thể nhận ra rằng sản phẩm hay dịch vụ của mình đang được định giá quá thấp.
2. Định giá theo cạnh tranh
Doanh nghiệp nào cũng cần phải dựa trên mức độ cạnh tranh trên thị trường để định giá cho sản phẩm của mình, nhưng doanh nghiệp có thật sự cần phải là nhà cung cấp có giá thấp nhất hay không? Một lần nữa, Finkel khuyên doanh nghiệp nên định giá theo giá trị của sản phẩm hay dịch vụ mà mình đang bán thay vì chạy theo các đối thủ cạnh tranh. Nếu thật sự đem đến cho khách hàng nhiều giá trị hơn (như dịch vụ, chất lượng tốt hơn, tính cá nhân hóa cao hơn…) thì doanh nghiệp cũng không nên quá đắn đo trong việc tăng giá bán.
3. Doanh nghiệp đem đến cho khách hàng một giá trị mà các đối thủ cạnh tranh khác không làm được
Theo Finkel, khi sản phẩm hay dịch vụ của mình có thể đem đến cho khách hàng những giải pháp mà các công ty khác không thể làm được thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội định giá theo giá trị của giải pháp thay vì đi theo cách định giá cho những hàng hóa thông thường vốn khiến cho không ít công ty gặp khó khăn do biên độ sinh lời thấp.
4. Doanh nghiệp không bao giờ tăng giá đối với những khách hàng thường xuyên
Theo Finkel, đôi khi doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh tăng giá bán áp dụng cho những khách hàng lâu năm nếu việc điều chỉnh ấy không gây ra quá nhiều sự khó chịu hay phiền toái cho họ và mức giá đã được điều chỉnh vẫn còn tương đối thấp (so với những giá trị mà họ nhận được). Finkel cho rằng đặt quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng lên ưu tiên hàng đầu là điều cần thiết, nhưng doanh nghiệp cũng nên “công bằng” với chính mình và nghĩ ra những cách thông minh hơn để tạo thêm lợi ích cho mình.
Trong khi đa số các công ty đều ngại tăng giá đối với những khách hàng trung thành thì có một thực tế mà các doanh nghiệp ít nhận ra. Đó là khách hàng cũng ngại “chi phí thay đổi”, tức là chi phí phải từ bỏ một nhà cung cấp hiện tại, tìm kiếm và làm việc với một nhà cung cấp mới cho đến khi hai bên thật sự hiểu nhau. Nếu những chi phí thay đổi như vậy cao hơn mức tăng giá mà doanh nghiệp vừa điều chỉnh thì khách hàng sẽ không có lý do gì để “chia tay” với doanh nghiệp.
5. Khi nguồn cung của doanh nghiệp hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu
Theo các học thuyết kinh tế, khi nguồn cung có giới hạn thì giá sẽ tăng nếu nhu cầu tăng. Do vậy, Finkel khuyên, nếu doanh nghiệp không thể mở rộng năng lực sản xuất thì nên điều chỉnh giá tăng để chọn lọc lại khách hàng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.