Dù các biện pháp quốc tế nhằm siết chặt nguồn tài chính của khủng bố, được thông qua sau vụ tấn công tòa tháp đôi tại New York ngày 11-9-2001, nhưng cho đến nay vẫn không thể ngăn chặn hoạt động của Al Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoặc các thành phần thánh chiến nghe theo tuyên truyền của những tổ chức khủng bố này.
Hai vụ tấn công bằng xe ở Barcelona và Cambrils ở Tây Ban Nha gần đây cho thấy những kẻ khủng bố hành động bằng những phương tiện phổ thông hơn, ít tốn kém hơn với nguồn tài chính cá nhân. Một số chuyên gia khẳng định cuộc chiến chống nguồn tài trợ cho khủng bố bị thất bại.
Nhà nghiên cứu Peter Neumann – giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Cực đoan hóa (ICSR) thuộc Trường King’s College London – khẳng định: “Hơn 15 năm sau khi bắt đầu Chiến tranh chống khủng bố do Hoa Kỳ khởi xướng, cuộc chiến chống các nguồn tài chính của khủng bố đã thất bại”. Ông nhận xét: “Phần lớn các vụ tấn công chỉ cần rất ít tiền. Những kẻ khủng bố sử dụng nhiều nguồn tiền khác nhau và chuyển tiền mà không cần phải qua hệ thống tài chính ngân hàng.
Vậy đâu là những nguồn tiền của khủng bố thánh chiến?
Một ví dụ cụ thể được AFP nhắc đến là kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 1-2015 của nhà nghiên cứu Emilie Oftedal, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy. Theo kết quả nghiên cứu thu được từ 40 nhóm thánh chiến từng tổ chức hoặc âm mưu tổ chức tấn công khủng bố tại châu Âu từ năm 1994 đến 2013, có đến 3/4 trường hợp sử dụng không quá 10.000 USD để chuẩn bị các vụ tấn công.
Bà Emilie Oftedal nhấn mạnh trong bản báo cáo: “Những kẻ khủng bố quyên góp, chuyển tiền và chi tiền theo cách rất bình thường. Nguồn tài chính phổ biến nhất chính là tiền lương và tiền tiết kiệm của các thành viên, tiếp theo là tiền từ các vụ phạm pháp nhỏ”.
Chỉ 1/4 còn lại là đã nhận tiền từ một tổ chức khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, không một mạng lưới nào phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp từ bên ngoài. Khoảng 70% các nhóm thánh chiến được bà Emilie Oftedal nghiên cứu tự túc về tài chính một cách hợp pháp và thường xuyên thông qua lương bổng của các thành viên, nhưng cũng có nguồn gốc từ buôn bán ma túy, vũ khí hay các tài sản khác và ăn cắp.
Một nguồn tài chính khác ngày càng phổ biến là vay tiêu dùng ở các định chế tài chính, ngân hàng chuyên biệt. Đây chính là cách tổ chức các vụ tấn công ở Pháp năm 2015. Những kẻ thánh chiến sử dụng giấy tờ giả để vay tiền và hoàn toàn không có ý định hoàn trả vì hai lý do: hoặc sẽ tấn công tự sát, hoặc sẽ rời khỏi đất nước để đến các vùng do quân thánh chiến kiểm soát.
- N.N
Xem thêm:
- Pháp: Ứng phó với tình huống khủng bố
- Mỹ và Qatar bắt tay chống khủng bố
- Triển lãm tưởng nhớ vụ tấn công khủng bố ngày 11-9